1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nộp phạt thẳng cho CSGT: Áp dụng trong trường hợp nào?

(Dân trí) - Để làm rõ hơn đề xuất về việc người vi phạm giao thông nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông (CSGT), Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt...

Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định các cá nhân, tổ chức nộp phạt trực tiếp cho CSGT đúng không, thưa ông?

Đề xuất như vậy nhưng việc này vẫn đang lấy ý kiến các địa phương và chưa được duyệt, chưa quyết.

Bộ Công an đưa ra đề xuất CSGT sẽ thu tiền phạt trên đường 

Bộ Công an đưa ra đề xuất CSGT sẽ thu tiền phạt trên đường 

Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng quy định như vậy là một ưu ái khi “trao quyền” thu tiền cho CSGT và có thể tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực?

Nói như vậy là đang hiểu không đúng về quy định này, bởi việc nộp phạt được thực hiện theo Luật xử phạt vi phạm hành chính và có quy định theo thẩm quyền cụ thể. Việc nộp này có quy định theo mức phạt và địa bàn.

Ví dụ: Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường, quyền bắt lỗi vi phạm giao thông trực tiếp và ra quyết định xử phạt tại chỗ, thu tiền ở mức tiền 500.000 đồng, thẩm quyền của họ đến đâu thì họ có quyền phạt đến đó chứ không phải là số tiền dăm ba triệu bị phạt đều nộp cho CSGT.

Ông có thể giải thích rõ hơn về dự thảo quy định này?

Nộp phạt trực tiếp cho CSGT chỉ áp dụng ở những nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, đối với người dân không có điều kiện đi nộp và ngoài giờ hành chính kho bạc không làm việc. Khi đó, CSGT có quyền lập biên bản và ra quyết định xử phạt và thu tiền tại chỗ.

Tuy nhiên, với việc nộp phạt vi phạm này người dân có 2 lựa chọn là nộp về kho bạc hoặc nộp trực tiếp cho CSGT, tức là nếu không muốn nộp cho CSGT thì người dân có thể mang tiền đến kho bạc nộp như bình thường.

Nhưng nếu người dân không đồng tình với việc nộp phạt trực tiếp cho CSGT vì lo ngại vấn đề tiêu cực thì sao, thưa ông?

Quy định việc này là nhằm giảm các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đỡ phải đi lại nhiều, vì dân là chính chứ không phải tạo điều kiện gì cho CSGT. Thậm chí, nếu quy định được thông qua còn là tạo thêm việc cho CSGT, CSGT thu tiền phạt rồi hàng tuần lại phải mang đến kho bạc nộp còn phiền hà hơn nhiều.

Chúng tôi mong nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nhưng nếu nhân dân không đồng tình thì chúng tôi sẽ không thu, không thực hiện.

Được biết C67 đã nhiều lần đề xuất quy định nộp phạt trực tiếp cho CSGT?

Đúng vậy, chúng tôi đã đề xuất nhiều lần nhưng chưa được đồng ý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Những trường hợp có thể áp dụng nộp phạt trực tiếp cho CSGT
 
Điều 4. Thủ tục xử phạt

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III phần thứ II Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó cần lưu ý:

1. Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

3. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
 
(Trích Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.)
 
 

Châu Như Quỳnh