Viết tiếp hồi kết cho "kịch bản" thu phí trên đại lộ Thăng Long

(Dân trí) - Từ bài học sốt dẻo về việc chia tách quận Từ Liêm được Hà Nội làm cái rụp, dân tình nhanh chóng đưa ra dự đoán về “con số báo cáo tương tự” - 99% đồng thuận với đề xuất thu phí trên đại lộ Thăng Long (ĐLTL). Chắc chắn hồi kết phải đẹp như mơ... huyền!

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Mỡ nó rán nó

 

Cách ví von này khá đúng với cách những ban này, bộ nọ, ngành kia…ứng xử với dân lâu nay. Làm việc gì cũng nói đặt mục đích vì lợi ích của nhà nước và nhân dân lên trên hết, rồi nào là vận động xã hội hóa để có thêm nhiều công trình phục vụ quốc kế dân sinh, nào kêu gọi người dân nâng cao ý thức đóng góp…Xong việc, lợi ích đâu dân chưa hoặc mới thấy tí chút, đùng một cái lại nảy sinh “lý do, lý trấu” để… phải đóng phí!!!

 

Có lẽ phải là những người dễ tính nhất mới nói sao nghe vậy, để rộng lòng chấp nhận tất cả:

 

“Ơ kìa, phí bảo trì đường bộ đóng theo năm là của Bộ GTVT, còn  thu phí ĐLTL là của HN cơ mà…” - Phạm Bảo Long: baolongvn@gmail.com

 

“Tôi nghĩ, HN thu phí ĐLTL để có tiền xây dựng đường phố, đâu có gì sai? Nếu không lấy tiền thuế của dân thì Chính phủ phải vay mượn nước ngoài rồi trả lãi, VN muốn cách nào?... Tới giờ mà vẫn còn có người hỏi đúng/sai là sao?” - Tung:  tung@gmail.com

 

“Nếu công trình là PPP hoặc BOT, có sự tham gia góp vốn của khu vực tư nhân thì được phép thu phí. Còn nếu BT thì cũng là từ nguồn NSNN dưới hình thức kinh phí từ nguồn NSNN hoặc đất thuộc sở hữu nhà nước, nên nếu thu phí là hoàn toàn sai” - TT:  kiyohiii@yahoo.com

 

Nhưng chiếm tỉ lệ áp đảo vẫn là các phản hồi “không thông” từ phía dư luận bởi cái sự “tiền hậu bất nhất”. Trong khi quan điểm của Hiệp hội Vận tải Ôtô VN cùng một số nhà chuyên môn khác tỏ ra có sức thuyết phục hơn hẳn với công chúng:

 

“Ban đầu tên Dự án là cao tốc Láng-Hòa Lạc, thực hiện theo hình thức đổi đất lấy công trình, do Vinaconex là chủ đầu tư cơ mà. Sao giờ lại tréo ngoe vậy? Đứng về mặt chấp hành quy định pháp luật,  tôi thấy HN là địa phương chấp hành chưa nghiêm…” - Trường Sơn:  xuanlai.hn@gmail.com 
 

“Tôi đang sống và tham gia giao thông trên ĐLTL, thấy đường phía trên có mấy xe chạy đâu mà thu phí? Nếu thu phí các đường gom lại đông xe, lại tăng nguy cơ tai nạn!” – Quang Vu:  quangvu@gmail.com

 

“Thực sự tôi thấy đại lộ Thăng Long lượng xe đi rất ít mà hơn nữa nhà nước đã thu phí đường bộ rồi, thì không hiểu sao lại cứ dần mọc thêm các trạm thu phí? Hơn nữa với lượng xe đi khi chưa thu phí đã ít, mà chuyển sang thu phí chắc chỉ còn rất ít xe đi. Vậy lại gồng gánh thêm chi phí vận hành bộ máy thu phí nữa thì còn được bao nhiêu?” - Linh Tam:  thuhuongcongnghe@yahoo.com

 

“Theo tôi, thu phí trên ĐLTL là hoàn toàn không ổn, vì 2 lý do chính:

 

1. Đại lộ này được xây dựng bằng vốn ngân sách chủ yếu là ngân sách nhà nước, một phần là ngân sách của thành phố mà ngân sách của thành phố cũng là do dân đóng góp. Vậy nên thu phí trên tuyến đường này là trái luật.

 

2. Lưu lượng giao thông trên tuyến này hiện tại không nhiều, nếu thu phí nữa thì lưu lượng sẽ càng giảm nên tiền thu phí chưa chắc đã bù đắp được các chi phí bỏ ra. Người được lợi duy nhất nếu như chủ trương này được thông qua chắc là vài quan chức có thẩm quyền phê duyệt, vì các vị đó bao giờ ký cũng được… phong bì bỏ túi?” - Nguyễn Thường: thuongnguyen49@yahoo.com
 
(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)

 

Hồi kết "có hậu"

 

Tham góp ý kiến bởi thấy sự thể quá vô lý không có lẽ mà thôi, chứ dân cũng đã biết rằng lời nói rồi gió sẽ bay nên ai cũng dễ dàng viết thay hồi kết có hậu cho đề xuất này của HN rồi. Con số "đồng thuận" trong báo cáo, ai chẳng biết sẽ đẹp như… vàng 4 số 9, bất chấp bao hệ lụy chẳng có gì là khó lường!

 

“Đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố cho dân biết cụ thể cơ cấu nguồn vốn, xem có thực như sở GTVT HN nói không?” - Quang Ngân Bùi:  nganbq@gmail.com

 

“Hạng mục công trình nào có sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách? Chẳng lẽ một cột đèn có sử dụng, cây xanh có sử dụng, hay là hệ thống thoát nước bổ sung cho các hầm chui ngang đường trên tuyến có sử dụng vốn ngân sách? Nếu như thế thì mỗi cái cột điện, mỗi mét vuông cây cỏ, mỗi một vị trí hầm chui...cũng nên lập một trạm thu phí... để thu hồi vốn cho ngân sách...Chắc cũng chỉ tốn khoảng 14 tỷ VNĐ để xây dựng mấy cái trạm thu phí này chứ có đáng bao nhiêu đâu...Hoạch định chính sách 1 năm một nó phải như thế!” - Ngô Vịnh Hà:  thuyanh_hamy@yahoo.com

 

 “Tôi dám khẳng định là 99% sẽ thu phí, với lý do kiểu 99% người dân đồng ý đặt tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (!?) Nản quá!” - Quang:  phuquangtaxi@gmail.com

 

“Tôi đoán nếu HN thu phí ĐLTL, dù hầu hết người dân phản đối nhưng sẽ có báo cáo "99% người dân đồng ý thu". Buồn với các bác lắm!... Dân thì có mỗi một… cổ thôi!” - Thanh Tung:  tungdangthanh1511@gmail.com

 

“Nếu HN thu phí, rồi đây các tỉnh sẽ "noi gương" Thủ đô cũng xin thu phí riêng? Ôi chỉ khổ dân thôi!” - Nguyễn Đức Thắng:  thangng616@yahoo.com 
 

Chất liệu cho serie “phim” dài tập về thuế/phí còn phong phú lắm, chẳng thế mà NTT hipp3xoay@gmail.com đã có ngay vài gợi ý sốt dẻo:

 

“Dân ta còn… nhiều tiền lắm, tôi xin đề xuất thêm một số loại Phí tương lai :

 

- Phí đi bộ trên vỉa hè

- Phí để xe trong nhà

- Phí bình ổn cát sỏi sắt thép và vật liệu

- Phí bình ổn thất thu ngân sách

- Phí cân bằng số tiền… tham nhũng

- Phí bảo trì thiết bị giao thông vì điều kiện thời tiết

- Phí sinh thái xã hội” 

 

Nhưng cũng nên coi chừng: nếu để cái kết mở thật thì biết đâu cảnh báo của độc giả Cung Chính Đoàn  ccdoan@gmail.com lại đúng?

 

“Cứ thu, khắc biết - Nếu không hiệu quả, người trình đề án và người ký cho phép phải bị trừng trị dứt khoát!  Nên nhớ - Đại lộ Thăng long là một con đường không đi tới đâu, chỉ được cái rộng để có thể cho… các xế đua diễn?”

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm