Thu tiền phạt tại chỗ: Giảm được phiền hà cho dân vẫn hơn!

Từ trước đến nay, người bị xử phạt vì có hành vi vi phạm Luật Giao thông rất khổ sở vì chuyện đi nộp phạt. Những trường hợp phải nộp phạt xa địa phương nơi cư trú càng khổ sở hơn. Người bị xử phạt vừa tốn tiền nộp phạt, vừa tốn kém chi phí đi lại.

Thu tiền phạt tại chỗ: Giảm được phiền hà cho dân vẫn hơn!
CSGT TPHCM phạt “nguội” những trường hợp vi phạm an toàn giao thông (bị ghi hình bằng camera) - ảnh minh họa: Trần Phan, nguồn: Lao Động
 

Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Đó là quy định tại dự thảo lần 1 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1.1.2014), vừa được Bộ Công an đưa ra.

 

Đã có nhiều phản ứng trái chiều đối với quy định mới này. Nhưng tranh cãi vẫn xoay quanh vấn đề lo ngại nảy sinh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông.

 

Từ trước đến nay, người bị xử phạt vì có hành vi vi phạm Luật Giao thông rất khổ sở vì chuyện đi nộp phạt. Những trường hợp phải nộp phạt xa địa phương nơi cư trú càng khổ sở hơn. Người bị xử phạt vừa tốn tiền nộp phạt, vừa tốn kém chi phí đi lại. Cho nên, quy định cho phép nộp phạt tại chỗ sẽ giảm phiền hà và tốn kém cho dân.

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) - cho rằng, việc nộp phạt tại kho bạc hiện nay có một số phiền hà do đi lại nhiều lần nên dễ sinh tiêu cực, vì người vi phạm "xin xỏ", tác động xấu tới lực lượng cảnh sát. Cho nên, nộp phạt thẳng sẽ giảm tiêu cực.

 

Nhưng lại có không ít ý kiến trái ngược, khi cho rằng: Do nộp phạt trực tiếp, người vi phạm càng có điều kiện "xin xỏ" hơn, và cảnh sát giao thông cũng dễ dàng “cầm” tiền hơn, bởi khi người ngoài nhìn vào, không biết “giao dịch” giữa hai bên là tiền tiêu cực hay tiền nộp phạt.

 

Ngoài ra, người vi phạm có thể thỏa thuận  với cảnh sát giao thông, thay đổi hành vi vi phạm để hạ mức nộp phạt thấp hơn. Người bị phạt giảm bớt tiền phạt, cảnh sát có "tiền bỏ túi", chỉ có Nhà nước là thiệt.

 

Nếu suy xét kỹ, nộp phạt tại kho bạc hay nộp trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt vi phạm thì cách nào cũng có "cửa" phát sinh tiêu cực. Vậy thì chọn cách nào mà giảm được phiền hà cho dân vẫn hơn. Còn kiểm tra, giám sát, giáo dục để lực lượng cảnh sát giao thông không tiêu cực lại là chuyện khác!

 

Nhiều cuộc khảo sát của các tổ chức khác nhau trong hai năm vừa qua đều đưa ra kết quả: Cảnh sát giao thông nằm trong nhóm tham nhũng nhiều nhất. Điều này cho thấy, đóng tiền nộp phạt trực tiếp hay qua kho bạc không phải là cách hạn chế tham nhũng. Căn bệnh tham nhũng đòi hỏi toa thuốc khác.

 

Thực tế, cảnh sát giao thông rất vất vả trong thi hành công vụ, nhưng tiền hỗ trợ chỉ đủ mua ổ bánh mì và chai nước lọc. Vậy thì cần bao nhiêu "ổ bánh mì" mới hạn chế được tham nhũng? Câu hỏi này không chỉ đặt ra cho riêng lực lượng cảnh sát giao thông.  

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động