Tôn trọng khác biệt, nhìn từ chuyện "đồng phục tốt nghiệp"
Hình ảnh Lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã nhận được những bàn luận sôi nổi của cộng đồng. Đặc biệt là việc vị Hiệu trưởng mặc áo nhung, đội mũ màu đỏ, cầm vương trượng, đeo vòng cổ cùng với những bộ đồng phục của sinh viên và học viên.
Ban đầu, buổi lễ gây ra nhiều tranh cãi, chủ yếu là ý kiến phản ứng dữ dội. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã phải yêu cầu Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế rà soát và điều chỉnh về trang phục lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh lặp lại tình trạng tương tự; báo cáo cấp trên bằng văn bản về công tác tổ chức Lễ trao bằng. Tuy nhiên, về sau các ý kiến bình luận sự việc xuất hiện những góc nhìn đa dạng hơn. Hóa ra lễ phục như vậy là bình thường ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí nhiều người khen lễ phục đẹp và sáng tạo.
Câu chuyện khiến tôi nhớ lại hơn 2 thập kỉ trước, khi tôi tốt nghiệp đại học, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản đã tổ chức cuộc họp cho công tác chuẩn bị, nội dung quan trọng nhất tại cuộc họp là: "Mọi người nhớ không được đi dép lê!".
Bí thư Đoàn còn nhấn mạnh thêm: "Tôi thấy ở trường chúng ta, nhiều người đi dép lê lắm, nhớ quy định là không được đi dép lê".
Đã có một thời, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một lý do quan trọng là điều kiện kinh tế và bối cảnh hội nhập chưa như bây giờ, nên các buổi lễ thời đi học từ nhỏ đến lớn đều diễn ra giản dị, không đa dạng phong cách như ngày nay. Còn thời nay thì đến các bé mẫu giáo cũng mặc… đồng phục tốt nghiệp.
Tôi hiểu được bức xúc của nhiều người với Lễ tốt nghiệp đã diễn ra ở Trường Đại học Kinh tế. Có những người còn đưa ra lời mỉa mai về trình độ học vấn của sinh viên, nghiên cứu sinh tham dự buổi lễ, rồi bình luận rằng cảm giác như nghi lễ thời phong kiến đã trở lại: thật là lố bịch!.
Nhưng tôi quan sát không khí buổi lễ và qua chia sẻ của nhiều bạn sinh viên đang ở độ tuổi 20, họ đều nói rằng cảm thấy rất tự hào vì buổi lễ đầy ý nghĩa và trang trọng. Là một con dấu thép về giá trị cuộc sống, với những người trẻ tuổi có năng lượng tràn đầy, sẽ rất tiếc nuối khi họ tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học mà không có cơ hội khoác lên mình bộ đồng phục cử nhân và được trải nghiệm một buổi lễ đáng nhớ.
Đồng phục trong lễ trao bằng tốt nghiệp tại các trường đại học, bao gồm cả kiểu cách chiếc mũ đội trên đầu mọi người và quyền trượng trong tay hiệu trưởng, bắt nguồn ở xã hội phương Tây và trở thành một nét văn hóa phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Oxford và Cambridge là hai trường đại học đầu tiên sử dụng áo choàng học thuật là trang phục bắt buộc trong lễ tốt nghiệp. Năm 1321, hai trường này đã ra quy định cấm mặc quần áo thông thường trong các buổi lễ trang trọng, thay vào đó là áo choàng và mũ đồng phục. Hoa Kỳ sau nội chiến, đồng phục cử nhân trở thành biểu tượng của danh dự và thành tích, nên chỉ được phép mặc trong buổi lễ tốt nghiệp đại học.
Ở châu Á, vào thời nhà Minh một số nhà sư Trung Quốc dạy học cũng mặc áo cà sa và đi xe ngựa, chọn đó như một biểu tượng. Khoảng 3 chục năm trở lại đây, các trường đại học ở Trung Quốc rộ lên phong trào đồng phục tốt nghiệp, các nghi thức cũng được chú trọng khá nghiêm ngặt.
Về nguồn gốc của chiếc mũ, ban đầu xuất phát từ khăn choàng của các linh mục Celtic, một biểu tượng của trí tuệ và địa vị cao. Thế kỉ 14 Đại học Oxford mới chỉ có áo choàng mà chưa có mũ. Đến thế kỉ 15, chiếc mũ 4 góc các linh mục Công giáo đội, đã dần trở nên phổ biến trong các lễ tốt nghiệp. Hình vuông của mũ, cũng được cho là biểu tượng cuốn sách, còn gì ý nghĩa hơn khi một người có cuốn sách ở trên đầu. Một số ý kiến cho rằng, Đại học Oxford là nơi đầu tiên sử dụng mũ vuông, cũng giống như khuôn viên hình hộp của ngôi trường này. Ý kiến khác lại khẳng định đó là chiếc bàn xoa của thợ xây, bởi tiếng Anh thì mũ tốt nghiệp viết là "mortar board", có nghĩa là bàn xoa đựng vôi vữa của người thợ xây.
Thế còn "cây gậy" tốt nghiệp? Tôi gọi là cây gậy tốt nghiệp, tiếng Anh là các từ "academic scepter" hoặc "university scepter", người Trung Quốc gọi đó là "vương trượng", cộng đồng mạng và báo chí mấy hôm nay gọi là "quyền trượng".
Vương trượng đầu tiên được Đại học Rostock sử dụng vào năm 1478, chưa rõ hoàn cảnh, hiện trưng bày tại bảo tàng St Annen ở Lübeck. Vương trượng này được cho là phác họa cánh tay của giám mục Lübeck, cùng với hình Thánh Saint John the Baptist, một vị thánh tử vì đạo. Các trường đại học hôm nay, chỉ những cơ sở có học thuật uy tín cao, thì mới sử dụng vương trượng trong lễ tốt nghiệp, nhằm biểu thị quyền lực học thuật cao nhất của nhà trường. Ở Trung Quốc, nổi tiếng nhất là vương trượng của Đại học Tôn Trung Sơn. Cây vương trượng này được làm bằng ngọc bích, khảm nhiều viên ngọc lục bảo quý giá và ngọc xanh lam, trên cùng là viên ngọc trai sáng trong như pha lê, phần logo của trường được thiết kế bằng vàng ròng, bên cạnh chạm khắc rồng bằng bạc.
Lễ tốt nghiệp ở các trường đại học hôm nay phổ biến nhất 3 nghi thức, bao gồm nghênh tiếp quyền trượng, sửa mũ, tung mũ khoa bảng. Màu sắc đồng phục về cơ bản, cử nhân chủ đạo màu đen, thạc sĩ màu xanh lam, tiến sĩ màu đỏ. Các chi tiết trang trí khá phức tạp, mỗi trường mỗi ngành nghề một kiểu cách khác nhau, nhằm tạo sự đặc trưng riêng.
Tóm lại, tôi thấy rằng Trường Đại học Kinh tế làm lễ tốt nghiệp không sai, đơn thuần là nỗ lực tạo ra dấu ấn cho một hoạt động nội bộ của nhà trường và các sinh viên, nghiên cứu sinh. Nỗ lực đó có sự tiếp nhận văn hóa phương Tây trong bối cảnh đất nước đã hội nhập, mở cửa từ mấy chục năm qua; việc các cử nhân đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ra trường mặc lễ phục mũ áo trang trọng đã thành quen thuộc, không có gì xa lạ. Vậy thì không có lý do gì mà ông Hiệu trưởng phải giải trình.
Chúng ta thường nói đến tôn trọng sự khác biệt, đặc biệt là ở môi trường đại học nơi cần phát huy tính tự chủ và sáng tạo của người học, nếu ngay cả một buổi lễ tốt nghiệp với văn hóa hội nhập và trang trọng cũng bị xét nét, thậm chí bị "vùi dập" thì còn ai dám khác biệt?.
Còn chuyện lễ phục đẹp hay xấu là ở chủ quan của mỗi người, càng không thể áp đặt.
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!