Nghỉ Tết bao nhiêu là vừa?
Đã là tiết Trung thu, thời gian đang tiến dần tới giai đoạn cuối năm. Việc bàn bạc vấn đề nghỉ Tết lúc này khiến nhiều người giật mình nhận thấy quỹ thời gian trong năm dần co lại, nhưng cũng có không ít người đã bắt đầu lên kế hoạch cho kỳ nghỉ dài nhất này.
Tôi nhớ thời kỳ còn làm việc xa quê, việc đặt vé tàu xe về nội về ngoại, hay đặt vé máy bay, đặt phòng du lịch cần thực hiện trước một vài tháng. Kế hoạch thường được lên lịch rất cụ thể và chi tiết về giờ giấc đi lại, ngủ nghỉ, làm sao khớp với lịch nghỉ của cơ quan và lịch di chuyển, sinh hoạt của cá nhân, gia đình.
Từ nhiều ngày trước, các phương án nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão cũng đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra với hai phương án là nghỉ 7 ngày và nghỉ 9 ngày. Ở phương án nghỉ 7 ngày thì sau kỳ nghỉ Tết, người lao động sẽ đi làm trở lại vào ngày thứ 6 rồi tiếp tục nghỉ thêm 2 ngày cuối tuần.
Phương án thứ hai là nghỉ 9 ngày (từ 30 tháng Chạp đến hết 8 tháng Giêng), người lao động phải làm hết ngày 29 Tết mới nghỉ.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại có ý kiến gửi Bộ LĐ-TB&XH về phương án nghỉ Tết 8 ngày. Với phương án này, người lao động sẽ nghỉ Tết bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão. Tiếp đó, người lao động đi làm vào ngày mùng 7 tháng Giêng (thứ Bảy) để bù cho ngày nghỉ trước Tết vào ngày 28 tháng Chạp.
Cho ý kiến về kế hoạch nghỉ Tết Quý Mão 2023, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH về phương án nghỉ 7 ngày.
Trước những phương án trên, mỗi người với điều kiện và quan điểm riêng sẽ có lựa chọn khác nhau, thật khó có phương án nào đáp ứng được hết thảy nhu cầu đa dạng trong xã hội. Phương án tốt nhất là phương án hài hòa nhất.
Theo chúng tôi, phương án Bộ LĐ-TB&XH đề xuất (phương án 1) có lẽ là phù hợp hơn cả vì kỳ nghỉ không quá dài, hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Tôi từng được nghe một số ý kiến cho rằng nên hợp nhất hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch, lại cũng có người đề nghị chỉ nên nghỉ tết Dương lịch, tuy nhiên, với truyền thống lâu đời của người Việt, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vẫn cần được duy trì.
Thời gian nghỉ Tết bên cạnh yếu tố truyền thống văn hóa còn có tác dụng kích cầu tiêu dùng và tạo điều kiện cho ngành dịch vụ phát triển, tiêu thụ hàng hóa được đẩy mạnh hơn. Hơn nữa, việc đảm bảo ngày nghỉ cũng hỗ trợ đáng kể cho việc tái tạo sức lao động và giúp công việc đạt hiệu quả hơn. Chính vì vậy, không thể lấy lý do tăng trưởng, thúc đẩy GDP để bỏ đi kỳ nghỉ cuối năm quan trọng này.
Thực tế, nếu so với các nước châu Âu hay một số quốc gia lân cận thì số ngày nghỉ của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Dù vậy, trong điều kiện của một nền kinh tế đang phát triển và nhu cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19, việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án nghỉ không quá ngắn, không quá dài cho dịp Tết Nguyên đán Quý Mão là hài hòa lợi ích của các bên.
Điều đáng bàn hơn, khi đã có phương án nghỉ Tết là cả xã hội và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tính đến việc chăm lo Tết tốt nhất cho người lao động, nhất là lao động xa quê, người nghèo, người yếu thế…
Theo phản ánh trên báo chí, sau hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, một bộ phận người lao động nghèo trở nên "sợ Tết" với thời gian nghỉ dài, không có nguồn thu trang trải. Việc lo vé tàu xe, ăn uống, đi lại, quà cáp… một tuần nghỉ Tết với nhiều gia đình trở thành gánh nặng lớn.
Do vậy, các cấp, các ngành cần khuyến khích doanh nghiệp có phương án hỗ trợ và các cơ chế phụ cấp làm thêm, làm ngoài giờ thỏa đáng cho người lao động, một phần tạo thêm thu nhập cho những người có nhu cầu làm việc trong kỳ nghỉ, một phần khác nhằm đảm bảo ổn định hoạt động thường xuyên và liên tục cho một số đơn vị đặc thù.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH có lưu ý rằng, người sử dụng lao động có thể lựa chọn phương án nghỉ một ngày trước Tết và 4 ngày đầu sau Tết, hoặc 2 ngày trước Tết và 3 ngày đầu sau Tết, thông báo phương án cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày. Như vậy, doanh nghiệp đang được tạo thuận lợi trong việc chủ động bố trí, sắp xếp ngày nghỉ cho người lao động phù hợp với điều kiện thực tế. Và nên chăng cũng có thể xem xét cho phép doanh nghiệp được chủ động hoán đổi ngày nghỉ để làm sao vừa đảm bảo được quyền lợi cho người lao động và cũng tạo thuận lợi về công tác tổ chức của từng đơn vị.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!