Công nhân "ám ảnh" nghỉ Tết
(Dân trí) - "Từ đầu năm đến nay hai vợ chồng tôi chưa tiết kiệm được một đồng nào, vẫn còn nợ 22 triệu đồng đang trả góp. Nghĩ đến Tết là... sợ", nam công nhân ở TPHCM than thở.
Gần 30 năm từ Thái Bình vào TPHCM mưu sinh, vợ chồng anh Thái vẫn ở nhà thuê, chưa từng có tiền tiết kiệm. Mỗi tháng, vợ chồng anh Thái thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ việc làm vỏ xe cho một công ty tư nhân ở Bình Dương. Số tiền tưởng nhiều nhưng chưa bao giờ đủ để anh Thái nuôi 5 con ăn học.
"Năm nào cũng vậy, cứ nghĩ đến Tết là sợ, có khi nỗi sợ ám ảnh cả vào giấc mơ. Gần 30 năm nay gần như tôi không về quê dịp Tết. Mỗi lần về quê rất tốn kém, muốn về phải vay mượn khắp nơi rồi đi làm cả năm chưa trả hết nợ", anh công nhân làm vỏ xe chia sẻ.
Năm nay, khi nghe báo, đài thông tin về lịch nghỉ Tết, anh Thái còn buồn hơn. Từ đầu năm đến nay, vợ anh chỉ đi làm được 3 tháng, còn lại ở nhà vì thiếu việc. Con trai đầu lòng cũng đã học xong Đại học nhưng chưa kiếm được việc làm, tất cả gánh nặng đè lên vai người đàn ông 52 tuổi khiến anh gần như muốn gục ngã.
Để lo chi phí gia đình, hai năm qua, anh Thái liên tục phải đi vay mượn khắp nơi, có lúc nợ lên tới 50 triệu đồng. "Giờ vẫn còn nợ 22 triệu đồng, mỗi tháng trả góp hơn 3 triệu đồng, không biết trả khi nào mới hết. Nợ thì còn nhiều mà Tết đến nơi rồi. Tôi mong nghỉ Tết càng ít càng tốt, nghỉ nhiều ở nhà buồn lắm", anh Thái tâm sự.
Theo anh Thái, xóm trọ nghèo nơi anh đang ở, rất nhiều người cũng rơi vào tình trạng "sợ" Tết. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều công nhân vẫn bị ngưng việc tạm thời hoặc chưa được tăng ca khiến thu nhập giảm sâu.
"Nhắc đến nghỉ Tết ai ở đây cũng lắc đầu, tùy quyết định chung thôi. Những người có điều kiện thì họ mong được nghỉ nhiều để về quê vui xuân. Tôi nghèo chỉ mong có việc làm nhiều để kiếm thêm tiền nuôi gia đình", chị Dương (vợ anh Thái) nói.
Cũng giống như vợ chồng anh Thái, anh Cộng (công nhân may ở quận Tân Phú) cho hay: "Chẳng dám nghĩ đến Tết, nghe nói đến lịch nghỉ Tết là buồn. Năm nay quá khó khăn, chỉ mong nghỉ Tết ngắn ngày để tiếp tục quay lại làm việc. Trước dịch, anh dự tính năm nay sẽ về quê nhưng chắc Tết sẽ thay đổi kế hoạch, ở lại thành phố kiếm việc làm thêm".
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm tại 5.000 doanh nghiệp sử dụng gần 113.000 lao động cho thấy, hơn 60% doanh nghiệp vẫn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, trên 42% gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm, gần 28% khó khăn về vốn, hơn 13% thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất, gần 17% cần hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và một số lý do khác.
Theo số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, trong tháng 8, đơn vị tiếp nhận gần 14.000 người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Tổng hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp 8 tháng đã gần 106.000, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Bình Dương, từ quý 2 đến nay có hơn 330 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn phải cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng, cho công nhân nghỉ không hưởng lương vì thiếu nguồn hàng, nguyên liệu. Nhiều nhà máy còn cho công nhân nghỉ dồn phép năm, giảm số ngày làm việc trong tuần...
Bộ Nội vụ đã có văn bản thống nhất đề xuất Chính phủ phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (Quý Mão) trong 7 ngày theo ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).
Theo đó, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ thứ Sáu ngày 20/1/2023 đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão). 7 ngày này gồm 5 ngày nghỉ Tết chính thức theo quy định và 2 ngày nghỉ bù vì 30 và mùng 1 Tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến gửi Bộ LĐ-TB&XH về phương án nghỉ Tết 8 ngày. Với phương án này, người lao động sẽ nghỉ Tết bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão. Tiếp đó, người lao động đi làm vào ngày mùng 7 tháng Giêng - thứ Bảy để bù cho ngày nghỉ trước Tết vào ngày 28 tháng Chạp.