Tâm điểm
Đinh Văn Minh

Kiểm soát tài sản nhìn từ vụ tạm giữ xe sang ở Hạ Long

Kiểm soát tài sản nhìn từ vụ tạm giữ xe sang ở Hạ Long - 1

Nhiều xe ô tô sang được lực lượng chức năng đưa từ trong nhà ông Phạm Hồng Hà ra ngoài, hôm 14/5 (Ảnh: CTV).

Những ngày qua, việc Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà - nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, nguyên Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long, thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ vì đây là cán bộ từng giữ chức vụ quan trọng ở một thành phố du lịch nổi tiếng. Hình ảnh biệt thự, dàn cây cảnh to đẹp và đặc biệt là việc lực lượng chức năng niêm phong, tạm giữ 4 xe ô tô sang trong nhà riêng ông Hà là diễn biến được nhiều người chú ý.

Thông tin về vụ án này chúng ta chờ công bố chính thức. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, việc cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp và tạm thời đối với tài sản nghi can là bình thường trong quá trình tố tụng. 

Thời gian gần đây, nhất là sau khi Ban Bí thư có chỉ thị về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã tạo ra những chuyển biến tích cực hơn trong lĩnh vực này. Các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, trên cơ sở quy định pháp luật, đã và đang chủ động áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… nhằm ngăn chặn việc tẩu tán cũng như đảm bảo thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. 

Những năm trước, chúng ta gặp không ít khó khăn, có những vụ tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt cần thu hồi lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng hầu như không thực hiện được vì thiếu các biện pháp cần thiết ngay từ đầu. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử có thể diễn ra từ vài tháng đến một năm, vì vậy rất có thể các tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt sẽ được tẩu tán, dịch chuyển… Đó là chưa kể đến những vụ mà đối tượng tẩu tán tài sản trái phép ra nước ngoài khiến cho việc thu hồi gặp khó, thậm chí bất khả thi. Đây là một trong những lý do mà Ban Bí thư đã chỉ thị "kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử".

Kiểm soát tài sản nhìn từ vụ tạm giữ xe sang ở Hạ Long - 2

Những cây cảnh cũng được dư luận "định giá" tiền tỷ trước sân nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long (Ảnh: Hải Sâm).

Đi vào sự việc cụ thể ở Quảng Ninh, động thái niêm phong, tạm giữ 4 xe ô tô trong nhà ông cựu Chủ tịch TP Hạ Long, như đã phân tích ở trên là việc bình thường và cần thiết trong quá trình tố tụng. Có ý kiến nêu vấn đề trong 4 ô tô bị tạm giữ, ông cựu Chủ tịch TP Hạ Long chỉ đứng tên một xe, ba xe còn lại thuộc về các chủ sở hữu khác. Thiết nghĩ chuyện xe của ai thì sau này cơ quan chức năng sẽ làm rõ và thực hiện theo quy định pháp luật. Không tự nhiên mà những chiếc xe này ở trong nhà ông cựu Chủ tịch TP Hạ Long, và việc xác định tài sản đó của ai sẽ căn cứ vào tình hình thực tế. 

Chúng ta biết rằng ông cựu Chủ tịch TP Hạ Long từng là cán bộ, công chức, nghĩa là từng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Thiết nghĩ đây là một trong những căn cứ để cơ quan chức năng nắm bắt thông tin và triển khai nhanh các biện pháp cần thiết. Theo quy định hiện hành, cán bộ có nghĩa vụ kê khai tài sản giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Các tài sản đó có thể là phương tiện giao thông, kim loại quý, đồ cổ, tranh ảnh, cây cảnh… Trên thị trường hiện nay nhiều cây cảnh có giá trị hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đây cũng là vấn đề mà dư luận đặt ra với dàn cây cảnh to đẹp ở nhà ông cựu chủ tịch TP Hạ Long.

Trong thực tế có những tài sản rất dễ định giá bằng kiến thức thông thường, nhưng cũng có những tài sản phải trưng cầu giới chuyên môn, như là đồ cổ, tranh ảnh, cây cảnh… Việc này không phải quá khó, giới chuyên môn đánh giá được ngay và cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu định giá hoặc thẩm định giá, qua đó kết luận về sự trung thực của người kê khai.

Trong hoàn cảnh bình thường, công dân có quyền tài sản và được pháp luật bảo vệ. Nhưng khi một người đã có dấu hiệu của các hành vi vi phạm pháp luật, trở thành bị can, bị cáo thì phải trả lời câu hỏi của cơ quan điều tra về sự hình thành một tài sản nào đó. Ở đây cần phân biệt hai vấn đề là quyền tài sản bình thường của một công dân và nghĩa vụ của bị can, bị cáo.

Một trong những "gốc rễ" của việc ngăn chặn các hành vi làm thất thoát, chiếm đoạt tài sản Nhà nước, là thực hiện tốt biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Ở đây chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, số người có tài sản lớn sẽ nhiều dần lên, bao gồm cả các cá nhân làm việc trong và ngoài khu vực Nhà nước. Việc hình thành tài sản có thể từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ từ thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… Để kiểm soát được tài sản, thu nhập của người dân nói chung, trong đó có cán bộ, công chức thì chúng ta phải nâng cao năng lực quản trị, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; hoàn thiện quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần… Ở đây thuế là một trong những công cụ hữu hiệu nhất.

Đối với những khối tài sản lớn, bất thường của cán bộ, công chức cũng như người đã về hưu thì việc xác minh, xử lý cần kịp thời để ngăn chặn các ý định tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.