Giá xăng dầu giảm sâu, vì sao hàng hóa "đứng im"?
Từ mức giá kỷ lục trên 33.000 đồng, hiện nay giá các mặt hàng xăng dầu đã lần lượt giảm sâu. Qua 4 lần điều chỉnh liên tục, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 là 25.600 đồng/lít.
Đây là kết quả đáng ghi nhận về điều hành giá của Chính phủ và các đơn vị hữu quan trong việc nỗ lực giảm thuế để kéo giá bán trên thị trường, bớt gánh nặng chi phí lên người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trên thị trường thế giới, hợp đồng dầu WTI và dầu Brent (tên gọi hai loại dầu có sự khác biệt về đặc trưng, độ đặc và hàm lượng lưu huỳnh) đều đã giảm sâu; giá dầu WTI hiện khoảng 91 USD/thùng, còn Brent khoảng 97 USD/thùng (cập nhật rạng sáng 4/8).
Sự vui mừng của người dân, phần nào thể hiện qua mạng xã hội, mỗi lần liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo giảm giá xăng là rất rõ ràng. Đương nhiên sau đó, người ta cũng trông chờ giá các mặt hàng khác sẽ giảm theo. Thế nhưng, diễn biến trong thực tế lại không hoàn toàn như vậy, từ dịch vụ vận tải đến các loại hàng hóa thiết yếu, từ siêu thị đến chợ dân sinh, nhiều mặt hàng vẫn "bình chân như vại".
Sáng nay, tôi bước vào quán phở quen, mức giá sau khi đã tăng thêm 5.000 đồng mỗi bát vào tháng trước, đến nay vẫn giữ nguyên không đổi. Tương tự, cốc cà phê đá cũng tăng đúng 5.000 đồng, nghĩa là tăng tới 25% so với hồi đầu năm, song hiện tại giá chưa hề suy chuyển chút nào. Chủ quán nói với tôi rằng, giá chưa thể giảm ngay được vì giá nguyên liệu vẫn cao. Có thể thấy là giá cả nhiều mặt hàng trong sinh hoạt hàng ngày đã lên mức mới và đang đứng yên ở đó, không hề chuyển động theo giá xăng dầu.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, giá xăng giảm 8,68% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 4,03%, vậy nhưng giá dịch vụ giao thông công cộng lại tăng 2,16% do đang mùa cao điểm du lịch. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 2,64%; đường bộ tăng 2,73%; taxi tăng 1,22%; đường sắt tăng 0,32%; xe buýt tăng 2,29%.
Giá gạo, bánh mì, phở, cháo ăn liền; bún, miến… đến cả giá nước mắm, nước chấm cũng tăng so với tháng trước; giá rau tươi, khô và chế biến tăng mạnh. Ôi chao, cái gì cũng tăng giá. Riêng giá thịt lợn (thực phẩm chủ yếu trong bữa cơm người Việt) tăng tới 4,29% so với tháng trước. Tóm lại, giá hàng hóa dịch vụ tăng trên "mọi mặt trận" mà nguyên nhân theo lý giải của cơ quan thống kê là chi phí vận chuyển tăng.
Lẽ thường thị trường sẽ tự điều chỉnh giá theo cung - cầu, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh kinh doanh. Vậy nhưng tình trạng nêu trên khiến giá cả thị trường trở nên "phi logic" và "có gì sai sai". Điều gì đã khiến giá hàng hóa dịch vụ lại có độ trễ "hạ nhiệt" lâu như vậy so với đà giảm của giá xăng dầu?
Có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như doanh nghiệp nhập hàng với giá vốn cao và tồn kho lớn, tiêu thụ chậm nên khó điều chỉnh giá bán ngay. Tất nhiên không loại trừ doanh nghiệp cố tình "câu giờ" để hưởng chênh lệch.
Về phía các doanh nghiệp cũng có nhiều cách giải thích, trong đó, riêng với đơn vị vận tải thì việc tăng/giảm giá cước phải đăng ký với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp vận tải taxi muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình. Mỗi lần điều chỉnh giá cước trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai, do phải trải qua các công đoạn, như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền. Chưa kể chi phí cho việc kiểm định này không nhỏ, với mức phí 100.000 đồng/đồng hồ (Báo điện tử Chính phủ, ngày 28/7/2022).
Trước tình hình nói trên, ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó, với dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistic, Thủ tướng giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tăng cường rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết…
Từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng để hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu năm 2022, và việc kiềm chế, kiểm soát lạm phát trong vòng 4% là một nhiệm vụ thách thức. Con số này không đơn thuần là số liệu khô khan mà sẽ ảnh hưởng tới cán cân vĩ mô, các chính sách lớn trong điều hành kinh tế và ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống người dân. Cần nhìn nhận rằng, giá dầu thế giới hạ nhiệt là điều kiện thuận lợi để kinh tế phục hồi, và những nỗ lực kéo giảm giá xăng dầu trong nước theo hướng phần nào chấp nhận giảm thu ngân sách là nhằm "khoan thư" sức dân. Nỗ lực này cần đạt được một trong những mục tiêu là "lan tỏa" từ giá xăng dầu đến giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác.
Do vậy, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng xem xét cấu phần giá thành các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, qua đó tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính và kiểm soát được các hành vi gian lận giá.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần thêm những biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán bằng việc giảm tải các chi phí không chính thức, xem xét một số loại thuế, phí khác, qua đó góp phần kích cầu và hỗ trợ kinh tế hồi phục. Còn nếu thị trường vẫn duy trì một nền giá cao trong khi thu nhập tăng không tương xứng, người dân sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc "thắt lưng buộc bụng", siết chi tiêu, "đong nước mắm, đếm quả cà"… Nghĩ đến mà lo!.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!