Công khai lương thưởng lãnh đạo doanh nghiệp
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I sau nhiều ngày chậm nộp, với kết quả lỗ 2.685 tỷ đồng - đánh dấu quý thứ 9 hãng hàng không quốc gia ghi nhận kết quả lợi nhuận âm.
Tính đến hết ngày 31/3, Vietnam Airlines lỗ lũy kế 24.575 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Với việc doanh nghiệp đã âm vốn chủ sở hữu, "ông lớn" hàng không Việt đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Đây quả thực là những thông tin không mấy vui vẻ gì với hãng bay từng giữ vị trí "độc tôn" trong lĩnh vực hàng không ở Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một thông tin gây chú ý khác được báo chí đăng tải (dựa trên báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp), đó là mức lương, thù lao của lãnh đạo Vietnam Airlines.
Cụ thể, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, nhận mức tiền lương, thù lao gần 91,5 triệu đồng/tháng, tương đương gần 1,1 tỷ đồng/năm. Ông Lê Trường Giang, Tạ Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT và bà Nguyễn Thị Thiên Kim, Trưởng Ban kiểm soát nhận lương, thù lao trên 73 triệu đồng/tháng, tương đương 878 triệu đồng/năm. Ông Mai Hữu Thọ, Thành viên Ban kiểm soát nhận lương, thù lao gần 46 triệu đồng/tháng, tương đương 549 triệu đồng/năm.
Mức tiền lương của thành viên HĐQT và Ban kiểm soát được xác định bằng 60% mức tiền lương, thù lao thực tế của từng chức danh tương ứng thực hiện trong năm 2019.
Thẳng thắn mà nói thì các mức lương, thù lao nói trên của lãnh đạo Vietnam Airlines không hề cao so với mặt bằng chung. Thậm chí, nếu so với lương phi công hay lương của quản lý cấp cao tại các tập đoàn lớn còn có phần "đuối" hơn.
Chi phí lương thưởng là một cấu phần quan trọng nhằm tạo nên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu giảm chi phí nhân công thì đương nhiên lợi nhuận sẽ được cải thiện. Tuy vậy, ở một góc độ khác, lương thưởng cũng là yếu tố để thu hút nhân tài về cống hiến và theo đó cũng có thể nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp.
Việc trả lương, thù lao cho lãnh đạo đều đã có quy định, và với trường hợp của công ty đại chúng thì phải được đại hội đồng cổ đông thông qua. Vậy nhưng vì sao thông tin trên vẫn nhận được sự quan tâm của công chúng? Có lẽ bởi tin tức này đặt trong bối cảnh doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, và quan trọng hơn là bởi, dù Vietnam Airlines đã là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, song yếu tố Nhà nước vẫn còn tương đối cô đặc (55,2% do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện sở hữu; 31,14% do SCIC làm đại diện sở hữu).
Có một thực tế là chúng ta thường không mấy khi bất ngờ về sự thua lỗ của doanh nghiệp ở khu vực tư. Bối cảnh khó khăn trong hai năm đại dịch Covid, thua lỗ đâu có gì lạ? Và tất nhiên chúng ta cũng không thể biết lương thưởng, thu nhập của lãnh đạo công ty tư nhân cụ thể như thế nào, vì họ không có nghĩa vụ công bố. Nhưng với công ty đại chúng (niêm yết trên sàn chứng khoán) hay tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì buộc phải có những nghĩa vụ công khai theo quy định.
Với các công ty đại chúng, thông thường chế độ thù lao với Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hay cơ chế thưởng do vượt kế hoạch cho Ban tổng giám đốc đều phải trình Đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên, và việc thực hiện cũng sẽ phải công bố lại cho cổ đông, nhà đầu tư theo dõi tại báo cáo thường niên.
Còn với các tập đoàn, tổng công ty, theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, các đơn vị này đều phải công bố báo cáo tài chính bán niên, báo cáo tài chính năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh, chế độ lương thưởng… lên website doanh nghiệp và cổng thông tin về doanh nghiệp nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động này không được tuân thủ nghiêm túc, rất nhiều đơn vị chây ỳ, lại thêm chế tài xử phạt còn lỏng lẻo khiến bức tranh tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước, lương thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp vẫn trong "màn bí mật", bất chấp việc Chính phủ thường xuyên nhắc nhở.
Nếu như các công ty đại chúng có trách nhiệm minh bạch thông tin với cổ đông, nhà đầu tư thì doanh nghiệp nhà nước cũng phải có trách nhiệm công khai thông tin với chủ sở hữu Nhà nước, sâu xa là người dân.
"Dân biết, dân bàn…", trong trường hợp của Vietnam Airlines, ít nhất việc công khai số lỗ lũy kế cũng như lương thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp, giúp người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình và cùng bàn luận. Qua sự bàn luận của người dân và ý kiến của cơ quan quản lý, công chúng có được cái nhìn đúng đắn hơn về hoạt động của doanh nghiệp và các vấn đề liên quan.
Hơn nữa, công khai minh bạch cũng là một áp lực lên doanh nghiệp để cải thiện công tác quản trị, điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!