Tâm điểm
Bích Diệp

Chứng khoán sau cơn bán tháo: Chọn ra đi hay ở lại?

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một trong những đợt lao dốc rất mạnh từ vùng 1.525 điểm hồi đầu tháng 4 xuống vùng 1.261 điểm phiên 25/4 (tương ứng giảm 264 điểm), trước khi có hai nhịp hồi phục trong hai ngày 26 và 27/4 về mức 1.353,77 điểm.

Chuỗi giảm triền miên vắt cạn dần kiên nhẫn của giới đầu tư. VN-Index hết lần này đến lần khác xuyên thủng các mốc hỗ trợ, giá trị tài khoản của những người cầm cổ phiếu dần bị bào mòn. Rất nhiều nhà đầu tư mất toàn bộ lãi tích lũy và âm vốn.

Bạn tôi, một kỹ sư, gần như ngày nào cũng nhắn tin cho tôi trong sự hoang mang cực độ với biến động khó lường của thị trường chung. Bạn không dám cắt lỗ vì sợ bán xong thị trường lại hồi phục, cứ thế, khoản lỗ ngày một phình to. Cho đến khi khoản lỗ lên tới 30%, bạn quyết định bán để chuyển sang mã khác nhằm gỡ gạc, nhưng trớ trêu thay, càng mua lại càng lỗ thêm, mã vừa mua còn giảm mạnh hơn so với mã đã bán. Một vòng luẩn quẩn, ăn không ngon ngủ không yên.

Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán MBS, đợt giảm 264 điểm của VN-Index mới đây tương đương hơn 17,32%. Mức giảm này đứng sau đợt lao dốc hồi tháng 3/2020 do Covid-19, nhưng tính theo từng cổ phiếu thì thiệt hại lại có phần khốc liệt hơn do rất nhiều mã đã giảm 40-50% so với đỉnh.

Rất nhiều tiếng kêu ai oán trên các diễn đàn, mạng xã hội. Người ta đặt câu hỏi, liệu có phải thị trường bước vào giai đoạn thoái trào như vào các năm 2001, 2008 hay 2018?

Tôi đặt vấn đề này với ông Hoàng Công Tuấn - Chuyên gia Kinh tế trưởng của MBS, và nhận được sự trấn an: Dẫu có mất tinh thần thì vẫn phải thật lý trí để đánh giá tình hình. Khi mà P/E (chỉ số thể hiện mối quan hệ giữa thị giá cổ phiếu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu) thị trường đã xuống dưới 15 và nền kinh tế vẫn hồi phục, tăng trưởng thì không thể có chuyện VN-Index rơi như 2008 hay 2018. Điều quan trọng, theo ông Tuấn, chính là định giá cổ phiếu dựa trên từng doanh nghiệp.

Trong thư gửi nhà đầu tư của VinaCapital phát hành ngay sau đợt bán tháo, quỹ này cũng lưu ý, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).

"Chúng tôi tự tin thị trường có thể vượt qua đà giảm điểm trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn, vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% năm nay. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 20% trong năm 2022".

Theo quan sát, góc nhìn của giới đầu tư chuyên nghiệp cơ bản giống nhau. Họ đánh giá bối cảnh hiện tại là thời điểm lý tưởng để mua vào cổ phiếu tốt và rẻ, đang bị bán tống bán tháo, giao dịch dưới giá trị.

Lý trí là vậy, nhưng nếu bạn đọc đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư sẽ thấy rằng, hành vi mua - bán bị tác động rất mạnh mẽ bởi cảm xúc. Khi cổ phiếu vi phạm ngưỡng cắt lỗ (7-10%), đa số vẫn nuôi hi vọng và sợ cắt đúng đáy, đợi khi lỗ tới 30-40% thì tình huống đã khó kiểm soát hơn.

Có một lời khuyên rất nổi tiếng của Warren Buffett, gần như ai khi bước vào đầu tư chứng khoán cũng đều từng nghe đến: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi". Có điều, người chơi lại thường thực hành ngược lại: Lúc thị trường tăng nóng, tiền đổ vào cổ phiếu ngày một nhiều, còn lúc thị trường định giá rẻ, ai cũng lo sợ và bán tháo.

Cú lao dốc lần này của thị trường khiến một bộ phận nhà đầu tư đối mặt với "cháy" tài khoản do dùng tỉ lệ đòn bẩy quá lớn. Nhiều người vỡ mộng làm giàu nhanh, thâm thủng giá vốn sau thời gian dài đeo bám thị trường, chẳng những không "nhân 2, nhân 3 vốn đầu tư" được mà còn gánh thêm nợ, mất tiền vốn.

Là một người theo dõi thị trường nhiều năm, tôi nghĩ rằng, các lời khuyên đưa ra vào lúc này chỉ mang tính tương đối. Như đã thấy, phần lớn chuyên gia lạc quan về triển vọng lâu dài của chứng khoán, tuy nhiên, lời khuyên này phù hợp với nhà đầu tư dài hạn hơn. Còn với những nhà đầu tư đang hoảng loạn, đa số đều có mục tiêu kiếm lãi nhanh trong ngắn hạn, khi không đạt được mục tiêu này họ có thể bấm bụng bán ra và chấp nhận thua lỗ.

Trên thị trường chứng khoán, có người mua sẽ có người bán, có người thắng thì đương nhiên có người thua. Thông thường, nhà đầu tư kiên nhẫn và tỉnh táo sẽ ít gặp rủi ro hơn so với người nóng vội. Việc ra đi hay ở lại thị trường là quyết định của mỗi người, chỉ hy vọng rằng qua những giai đoạn dù thuận lợi hay khó khăn, các nhà đầu tư rút ra được những bài học để nhìn nhận nghiêm túc hơn về việc "chơi chứng khoán". Bởi vì, như các chuyên gia đã chỉ ra, chứng khoán là một bộ môn đầu tư cao cấp, cần có kiến thức chuyên môn và bản lĩnh. Khi chúng ta không có điều kiện để tìm hiểu thì tốt nhất là tìm được những môi giới giỏi, có bằng cấp, hoặc là ủy thác cho bên chuyên nghiệp là các quỹ đầu tư.

Mong muốn làm giàu từ cổ phiếu là chính đáng, nhưng mỗi người có khẩu vị và có điều kiện riêng về tài chính. Có thể trong 2 năm vừa qua, nhiều người vào thị trường và thu lợi nhuận dễ dàng, nhưng trong năm nay, với những ẩn số về lạm phát, lãi suất, diễn biến chiến sự Nga - Ukraine, phong tỏa chống Covid ở Trung Quốc…, cơ hội kiếm lời không còn dễ dàng như trước. Chính vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc và xác định lại phương pháp tham gia thị trường. Nếu cảm thấy chứng khoán là kênh không phù hợp thì có thể lựa chọn rời bỏ, có điều, kể cả chọn ra đi cũng hãy chọn thời điểm phù hợp, không nên bán tháo bằng mọi cách. Quan điểm cá nhân tôi là, định giá của thị trường đã rẻ đi đáng kể rồi thì không nên bán rẻ tài sản làm gì nếu mã cổ phiếu bạn đang nắm giữ có các yếu tố cơ bản tốt.

Tất nhiên, tôi vẫn giữ niềm tin, 4,9 triệu tài khoản chứng khoán (khoảng 5% dân số) chưa phải là con số lớn khi so sánh với khu vực và thế giới. Sẽ có những người ở lại và có thêm những người mới đến, thị trường điều chỉnh rồi lại đi lên. Cơ hội luôn có cho người kiên nhẫn và trang bị cho mình đủ kiến thức.