Cám ơn các bác đã không làm điều… “đáng ra” ấy!

(Dân trí) - Chỉ sau một thời gian ngắn, giá điện vừa tăng 7,5% thì đến lượt giá xăng lại có bước “đại nhảy vọt”, tăng hơn 20% trong hai lần liên tiếp. Việc tăng giá hai mặt hàng chiến lược này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động mà còn có thể là nguy cơ cho nền kinh tế vừa mới có biểu hiện phục hồi…

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thế là giờ đây, sau nhiều lần ì ạch cài số lùi, mỗi lần dăm bảy trăm đồng thì bất ngờ ngày 5/5, cỗ xe “tăng” mang tên “xăng” đột ngột cài số tiến. Và chỉ sau hai lần “tăng tốc” gần đây, mỗi lần gần 2000 đồng, giá xăng đã từ 15.673 đồng/lít tăng vọt lên 19.500 đồng.

Đây là mức tăng giá xăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2011.

Lý giải cho việc tăng giá lần này là do giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới tăng cao trong chu kỳ tính giá kể từ 20/4 đến hết ngày 4/5.

Thế nhưng cũng trong thời gian này, cụ thể là vào ngày 1/5, thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng này đã tăng 300%, từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.

Sự trùng hợp “ngẫu nhiên” này khiến không khỏi có những băn khoăn, nghi ngại bởi trước đó, ngày 10/3, tại phiên thảo luận về biểu thuế bảo vệ môi trường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính khẳng định "Việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường như trên sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước…”?!

Lời nói của Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa kịp “để gió cuốn đi” thì xăng đã vèo vèo lên giá.

Song, việc tăng giá xăng lần này không “đơn độc” bởi gần như cùng thời điểm, giá điện đã tăng 7,5%.

Khi đó, ông Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định việc tăng giá điện sẽ khiến người dân được lợi.

Điện tăng giờ lại xăng tăng có thể sẽ dẫn tới “hội chứng tăng” giá các mặt hàng mà phải mất rất nhiều công sức mới bình ổn được.

Đời sống người lao động vốn đã khó khăn, lương không tăng nên mỗi lần thấy tăng giá lại thót hết cả tim.

Đã thấy VTV1 sáng 7/5 đưa tin ngư dân lo sốt vó.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh thì bày tỏ trên tờ Pháp luật TP HCM: “Áp lực tăng thu ngân sách đã dẫn đến việc Bộ Tài chính tăng thuế môi trường 300%. Chính điều này đã đè lên gánh nặng chi phí của người dân. Liên bộ Công Thương - Tài chính cho phép DN tăng giá xăng RON 92 thêm 1.950 đồng, kết hợp với việc chi quỹ bình ổn 1.470 đồng/lít, thực chất giá xăng đã tăng 3.300 đồng/lít. Đây là mức tăng rất cao, dư luận và người tiêu dùng rất bức xúc”.

Còn nhớ cách đây gần 2 tháng (3/2015), tại cuộc họp về điều chỉnh tăng giá điện, bác Đinh Quang Tri, Tổng Giám đốc EVN cho biết đáng ra giá điện phải tăng 12,8% thay vì 7,5% như vừa qua.

Còn tăng giá xăng lần này, đại diện Bộ Tài chính cũng… “đáng ra”: "Để chia sẻ với người tiêu dùng, liên bộ cho phép tăng sử dụng quỹ bình ổn thêm 446 đồng mỗi lít. Nếu không dùng quỹ bình ổn, giá xăng có thể phải tăng 3.300 đồng". Vị đại diện Bộ Tài chính nói.

Có lẽ cần phải “nhiệt liệt ” cám ơn bác Tổng EVN và vị đại diện Bộ Tài chính đã không làm cái điều “đáng ra” ấy chứ nếu các bác ấy mà “tăng tốc” thì dân chúng em “răng” cũng chẳng còn, nói gì đến… “lợi”!.

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!