Người trẻ cần học về tiền
Cứ đến tháng 4 hàng năm, bạn bè trên Facebook tôi lại lao xao câu chuyện "làm quyết toán thuế như thế nào?". Nhiều người đi làm cả chục năm rồi nhưng gắn bó với một công ty nên cũng không bao giờ phải động tay vào quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Chỉ đến khi chuyển sang một công ty mới, hoặc làm tự do với nhiều hơn 2 nguồn thu nhập, nhiều người mới tá hỏa nhận ra mình không biết cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Thành thử có những người, vài năm rồi cũng không đi quyết toán.
Tôi chợt nhận ra trong suốt quãng thời gian từ lúc đi học tới khi đi làm, chưa bao giờ tôi được học về cách quyết toán thuế thu nhập cá nhân, dù là một sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh với nhiều môn học về tài chính.
Khi nói về quản lý tài chính, nhiều người thường nghĩ tới những điều lớn lao, vĩ mô trong khi hiểu biết về tài chính cá nhân đôi khi chỉ xuất phát từ những thực hành rất đơn giản: học cách kiểm soát tiền trong đời sống thường ngày. Những kiến thức tôi học về cổ phiếu, trái phiếu, tính thanh khoản, hay dòng tiền trong chương trình đại học giờ cũng không còn đọng lại bao nhiêu, trong khi làm sao để quyết toán thuế, đầu tư hay tiết kiệm như thế nào với thu nhập ít… là những câu hỏi quan trọng, đặc biệt với người trẻ.
Giống như trong lĩnh vực truyền thông, người trẻ cần hiểu về "media literacy" (tạm dịch: tri thức truyền thông) để làm sao sử dụng mạng xã hội hay Internet hiệu quả trong thời đại số, "financial literacy" (tạm dịch: tri thức tài chính) cũng ngày càng được nhiều người quan tâm. Đây là một kỹ năng đặc biệt quan trọng mà đôi khi bị ngó lơ trong các chương trình học hay hoạt động cộng đồng hướng tới người trẻ.
Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 tại trường đại học Urbana-Champaign tại Mỹ, khoảng 1/3 người trẻ (18-24 tuổi) tham gia khảo sát luôn trong tình trạng "bấp bênh tài chính" khi không có đủ tri thức tài chính cũng như các kỹ năng quản lý tài chính, ổn định thu nhập. Chỉ khoảng 22% số người tham gia khảo sát được cho rằng ổn định tài chính. Một video mới đây của Vox có đưa ra nhiều lý do giải thích cho vấn đề tại sao người trẻ Mỹ không có đủ tri thức tài chính. Trên thực tế, các nội dung học về quản lý tài chính từng được đưa vào chương trình học ở Mỹ từ rất sớm, giữa thế kỷ 20 (tôi hình dung giống như các nội dung trong môn Công nghệ ở Việt Nam với những chủ đề thiết thực với học sinh) nhưng khi nước Mỹ bắt đầu chuyển qua một cuộc "chạy đua" với nước Nga về khoa học, kỹ thuật, chương trình học cũng dần thay đổi, chú trọng hơn vào các môn khoa học - kỹ thuật thay vì các môn học dạy kỹ năng mềm như tài chính.
Đây không phải vấn đề của riêng người trẻ Mỹ mà tôi tin rằng người trẻ ở bất cứ quốc gia nào cũng gặp phải. Không có nhiều nghiên cứu về kỹ năng "tri thức tài chính" của người trẻ Việt Nam nhưng chỉ cần nói chuyện với một người trẻ bất kỳ, bạn sẽ biết nhiều người đang thiếu những kiến thức tài chính cá nhân, dù là rất cơ bản ra sao. Trẻ em ở Việt Nam ít được thảo luận về chủ đề tài chính trong cả gia đình lẫn trường học. Tôi còn nhớ câu cửa miệng của bố mẹ khi còn nhỏ rằng, "trẻ con, biết gì mà tiêu tiền". Tiền là một vấn đề nhạy cảm và việc tiêu tiền, kiếm tiền hay tình hình kinh tế gia đình thường không phải chủ đề người lớn muốn trẻ con nắm bắt.
Là một người vẫn tiếp tục với những bài học về tài chính cá nhân, tôi hiểu những trăn trở của nhiều bạn trẻ. Nhiều người giữ quan điểm "khi nào cần đụng đến tiền thì tự khắc biết" nhưng rõ ràng thực tế không đơn giản như vậy. Chúng ta không cần thêm những câu chuyện sinh viên mới chân ướt chân ráo lên thành phố và bị lừa tiền. Các phóng sự hay kết luận nguyên nhân vì "thiếu hiểu biết hay sự cả tin". Các bạn trẻ thiếu hiểu biết về điều gì? Nói cụ thể đó là thiếu hiểu biết về quản lý tài chính.
Để bắt đầu một cách đơn giản, tri thức tài chính cá nhân với tôi thường xoay quanh 5 câu hỏi cơ bản: Bạn kiếm tiền như thế nào? Bạn đầu tư ra sao? Bạn tiết kiệm và bảo vệ tài chính của mình như thế nào? Bạn chi tiêu sao cho hợp lý? Và bạn vay tiền ra sao? 5 câu hỏi cơ bản này sẽ khởi dựng một bức tranh tài chính cá nhân cơ bản mỗi người trẻ cần phải biết.
Kiếm tiền như thế nào để tối ưu nguồn thu nhập. Là một người làm việc tự do trong lĩnh vực nội dung, tôi hay nhận được những câu hỏi từ các bạn trẻ như "em không biết tìm việc làm thêm ở đâu" hay "liệu em có thể kiếm công việc tự do ở đâu để có thể làm 2-3 công việc một lúc?". Cần phải nhấn mạnh rằng kỹ năng tài chính bao gồm rất nhiều các nhóm kỹ năng nhỏ hơn như networking, tìm kiếm thông tin, kết nối….
Đầu tư ra sao cũng là vấn đề được nhiều người trẻ quan tâm. Bạn không nhất thiết phải rành rẽ về chứng khoán hay tiền ảo để bắt đầu nhập môn với việc đầu tư. Ví dụ, nhiều người coi gửi tiết kiệm ngân hàng là một khoản đầu tư cơ bản nhất người trẻ cần biết. Dù có nhiều tranh luận xem gửi tiết kiệm ngân hàng có thực sự sinh lời hay lãi suất thấp hơn lạm phát, việc một người trẻ bắt đầu trăn trở và suy nghĩ về điều đó cũng đã là một bước khởi đầu tốt để nghĩ về đầu tư hiệu quả hơn. Cá nhân tôi cho rằng, khi không có một cơ sở nào cho việc đầu tư nhưng vẫn muốn an toàn, tiết kiệm ngân hàng vẫn tốt hơn là để tiền "chết" trong tài khoản.
Trong những câu hỏi thường gặp với vấn đề quản lý tài chính cá nhân, chi tiêu sao cho hợp lý là chủ đề chiếm nhiều sự quan tâm của công chúng. Chúng ta đã quá quen với những câu chuyện trên Facebook của các bạn trẻ than thở việc tại sao chưa hết tháng đã hết sạch tiền, tại sao họ không thể ngừng mua sắm… Các lỗi chi tiêu kiểu vậy thường xuất phát từ việc nhiều người không có thói quen cân đối tài chính. Ví dụ, nhiều chuyên gia cho rằng bạn chỉ nên dành khoảng 30% cho chi phí thuê nhà nhưng nhiều người sẵn sàng trả một nửa lương cho việc thuê nhà. Hoặc, nhiều người dành rất nhiều tiền cho việc ăn uống tiệc tùng đầu tháng để rồi cuối tháng phải vay tiền hoặc chạy ăn từng bữa.
Tất nhiên, đằng sau mỗi quyết định chi tiêu của người trẻ có rất nhiều nguyên nhân và đôi khi không hoàn toàn từ sự thiếu kiến thức tài chính; nhiều người sẵn sàng chọn không gian ở đẹp thay vì ăn ngon hay việc tiết kiệm hoặc nhiều người chọn phong cách sống "tiêu trước tính sau". Tôi không đánh giá những quyết định tài chính trên là đúng hay sai nhưng rõ ràng, họ sẽ phải thực sự cân đối về tính bền vững tài chính cá nhân trong một tương lai dài hơn, không chỉ trong tuần này hay tháng này. Đôi khi, cả 5 câu hỏi cần được trả lời một lúc; ví dụ nếu không muốn cắt giảm chi tiêu, liệu có cách để kiếm thêm thu nhập hay học cách đầu tư hiệu quả hơn không?
Phụ huynh không thể cho con tiền tiêu vặt và kỳ vọng rằng, con cái sẽ sử dụng hiệu quả nếu không giải thích thấu đáo về cách dùng tiền. Giống như giáo dục giới tính, giáo dục tài chính cũng nên bắt đầu từ sớm. Điều này không có nghĩa rằng giáo viên dạy một đứa trẻ 10 tuổi về lãi suất. Nội dung giảng dạy cần phù hợp với lứa tuổi, ví dụ tuổi nào các em cần hiểu khái niệm tiền là gì, tuổi nào các em cần biết tiết kiệm ra sao, tuổi nào cần biết giữ tiền sao cho an toàn. Ở tuổi ngoài 30, tôi cũng phải bắt đầu tính những bài toán tài chính cá nhân như cần tiết kiệm bao tiền đủ để nghỉ hưu, nếu không có con cái thì cần bao tiền cho các chi phí viện dưỡng lão…
Thế giới hiện đại đã thay đổi bức tranh tài chính cá nhân rất nhiều. Nếu như vài thập kỷ trước, người ta nghĩ tới đầu tư bằng việc mua đất, mua vàng, nghĩ tới một công việc ổn định cứ thế đều đặn cuối tháng nhận lương, nghĩ tới lương hưu là chiếc phao cứu sinh khi về già…. thì giờ đây, mọi thứ đã thay đổi với nhiều câu chuyện phức tạp hơn. Nếu không có các kiến thức tài chính cá nhân sơ đẳng nhất, người trẻ, trong đó có cả tôi, sẽ gặp nhiều khó khăn trong những khoảng biến động của thời cuộc.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!