Tâm điểm
Châu Như Quỳnh

"Bốc thuốc" cho thu phí tự động không dừng

Từ ngày 1/8 vừa qua, toàn bộ tuyến cao tốc trên toàn quốc đang vận hành, khai thác thu phí chính thức đóng làn thủ công, chuyển sang thu phí ETC; tại mỗi trạm thu phí chỉ có một làn xử lý sự cố. Đây là dấu mốc mới trong vận hành, khai thác đường cao tốc Việt Nam, cho dù quá trình triển khai thu phí ETC ở Việt Nam đã bắt đầu từ 7 năm trước.

Dấu mốc này mang lại nhiều kỳ vọng, bởi thu phí tự động không dừng khi vận hành đồng bộ trên các tuyến cao tốc sẽ đảm bảo minh bạch, an toàn, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.

Sau hơn nửa tháng áp dụng ETC, nhìn chung các phương tiện dán thẻ qua trạm nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đơn cử như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ ETC đạt tới 98%, hiện tượng ùn tắc khi qua trạm không còn. Trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai hay Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giao thông thông suốt, thời gian xe di chuyển qua trạm với xe đủ tiêu chuẩn rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí một dừng.

Bốc thuốc cho thu phí tự động không dừng - 1

Các tuyến cao tốc thu phí tự động đồng bộ từ ngày 1/8 (Ảnh: Hoài Sơn).

Không thể phủ nhận những lợi ích từ dịch vụ thu phí văn minh như ETC, tuy nhiên qua hơn nửa tháng triển khai cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập, cần sớm tháo gỡ để nâng cao hiệu quả hệ thống thu phí này.

Ồn ào nhất là việc Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) "tố" gần 40.000 xe đã có thẻ ePass bị Công ty TNHH Thu phí tự động VETC "cưỡng bức" dán eTag. Tuy nhiên, qua rà soát bước đầu Tổng cục Đường bộ phát hiện việc dán thẻ chồng thẻ xảy ra với cả 2 nhà cung cấp dịch vụ. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phải ra "tối hậu thư" yêu cầu xử lý dứt điểm sự việc này trước ngày 20/8. Tuy chưa ngã ngũ, nhưng đây là một trong những bất cập thể hiện lỗ hổng trong hợp đồng thu phí ETC, chế tài xử phạt và quy định pháp lý.

Một số vấn đề kỹ thuật của thu phí ETC cũng được ghi nhận thời gian qua, như chủ xe bị trừ 2 lần tiền trong một lượt qua trạm; tài xế không thể lưu thông trên cao tốc do hệ thống ETC không nhận diện được phương tiện; tài khoản không hợp lệ, chưa dán thẻ nhưng hệ thống đã ghi nhận sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, khi nạp tiền vào tài khoản ETC, một số tài xế bỗng dưng bị "mất tiền oan" khi đơn vị trung gian thu phí chuyển khoản…

Có thể nói hai tuần vừa qua là khoảng thời gian giúp cơ quan quản lý và các bên liên quan "bắt mạch" được các vấn đề của hệ thống ETC, và qua đó đề ra các "phương thuốc" phù hợp, vừa đẩy nhanh việc dán thẻ thu phí không dừng, vừa giúp vận hành tốt hệ thống.

Thiết nghĩ, trước hết, về phía các tài xế cần thấy lợi ích thiết thực của hoạt động thu phí ETC, từ đó thực hiện đúng quy định khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí như dán thẻ định danh, nạp đủ tiền vào tài khoản thu phí… Về phía các cơ quan quản lý và đơn vị triển khai dán thẻ cũng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo thuận tiện cho người dân; tính toán phương án giảm phí dán thẻ ban đầu xử lý (hiện là 120.000 đồng/lần dán thẻ). Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần kết nối, đàm phán với tổ chức tín dụng để việc nạp tiền vào tài khoản nhanh nhất, tiện lợi nhất và người dân không bị "mất tiền oan".

Hành lang pháp lý về dịch vụ thu phí không dừng cần đảm bảo bình đẳng giữa người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ. Nếu như tài xế vi phạm quy định liên quan đến ETC bị xử phạt thì nhà cung cấp dịch vụ, trạm thu phí không thực hiện đúng quy định cũng phải chịu chế tài. Hiện nay việc xử phạt hành chính mới chỉ áp dụng với người tham gia giao thông có hành vi vi phạm (Nghị định 123/NĐ-CP). Trong khi đó, các thông tư và quyết định về thu phí ETC chưa quy định cụ thể chế tài xử phạt với chủ thể là nhà cung cấp dịch vụ về hành vi dán chồng thẻ.

Bốc thuốc cho thu phí tự động không dừng - 2

Nhân viên dán thẻ ETC ở trạm thu phí (Ảnh: Hoàng Giám).

Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, cơ quan quản lý đang nghiên cứu quy định việc dán thẻ là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông. Ủng hộ các nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dịch vụ ETC, tuy nhiên, người viết bài này cho rằng, nên cân nhắc các trường hợp chủ phương tiện chủ yếu đi lại trong một địa bàn nhất định, không phát sinh nhu cầu sử dụng cao tốc cũng như hạ tầng BOT… Suy cho cùng các dịch vụ sinh ra là để mang lại lợi ích cho người dân chứ không phải thêm phiền hà, tốn kém.

Để giải quyết căn cơ các vấn đề tồn tại của thu phí ETC, Bộ GTVT cho biết đang kiến nghị Chính phủ một khuôn khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19 về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; cụ thể là ban hành một Nghị định để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống ETC lâu dài; quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm, chế tài xử phạt các chủ thể liên quan.

Thu phí không dừng có thể mới ở nước ta, ít nhất là mới vận hành đồng bộ trên toàn hệ thống cao tốc trong hơn nửa tháng qua, còn với nhiều nước thì đây đã trở thành nền nếp từ hàng chục năm qua, do vậy tham khảo kinh nghiệm các nước là việc nên làm. Mới đây, bác sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nhân chuyến đi ở nước Mỹ đã chia sẻ trải nghiệm thu phí ETC ở nước này. Theo đó, thiết bị sử dụng dịch vụ ETC được phát miễn phí theo địa chỉ các gia đình. Đa số các chủ xe sẽ chọn cách chuyển khoản tự động từ tài khoản ngân hàng khi số tiền trong tài khoản bị trừ vì thu phí; nếu không dùng nữa phải thông báo để hủy và trả lại thiết bị cho tiểu bang.

Ông Hiếu tính toán, với tốc độ xe chạy trên cao tốc trung bình khoảng 100km/h, nếu cứ dừng lại ở mỗi trạm thu phí thì thời gian và năng lượng tiêu tốn sẽ vô cùng lớn tính trên số đầu xe của cả nước. Do vậy, thu phí không dừng chắc chắn mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường và minh bạch việc thu phí của người dân.

Mong rằng thời gian tới thu phí tự động không dừng sẽ được triển khai "nhanh như cao tốc".

Tác giả: Nhà báo Châu Như Quỳnh công tác tại báo Dân trí từ năm 2008; phụ trách lĩnh vực thông tin Quốc hội, Chính phủ, đối ngoại và giao thông vận tải.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!