Vụ shipper bị hành hung: Người ngồi trên xe Lexus có phải chịu trách nhiệm?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, cần làm rõ người ngồi trên xe có lời nói mang tính cổ xúy, kích động bạo lực dẫn tới sự việc hay không, từ đó làm rõ có hay không vai trò đồng phạm trong vụ án.

Liên quan tới các vấn đề pháp lý trong vụ việc shipper bị tài xế xe Lexus hành hung ngày 10/2 tại Hà Nội , ngoài trách nhiệm của tài xế là Tống Anh Tuấn (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân), nhiều người đặt câu hỏi về việc những người ngồi cùng xe với tài xế này có thể phải chịu trách nhiệm liên quan hay không?. 

Vụ shipper bị hành hung: Người ngồi trên xe Lexus có phải chịu trách nhiệm? - 1

Hành vi hành hung shipper của Tuấn xuất phát từ việc lời qua tiếng lại giữa shipper và người ngồi trên ô tô (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận ngoài trách nhiệm của tài xế Tuấn, công an chắc chắn sẽ mời những người liên quan và nhân chứng tới làm việc, thu thập lời khai, củng cố tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, trong đó bao gồm những người đi cùng trên xe Lexus. 

Quá trình làm việc, lấy lời khai, cơ quan điều tra sẽ tập trung làm rõ nội dung cuộc cãi vã giữa tài xế và người ngồi trên xe là gì, những người ngồi trên xe đã nói những gì, có mang tính chất cổ xúy bạo lực, kích động tinh thần để tài xế xuống xe và lao vào hành hung shipper hay không. 

"Theo Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, đồng phạm trong một vụ án có thể bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm còn người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Đối với sự việc trên, cần làm rõ việc những người ngồi trên ô tô có lời nói mang tính kích động bạo lực hoặc tạo điều kiện về tinh thần, ủng hộ Tuấn hành hung shipper hay không, từ đó xác định có hay không vai trò đồng phạm về tội Cố ý gây thương tích trong vụ án", luật sư Trang bình luận. 

Đối với hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm, luật sư Trang cho biết theo Điều 389, 390 Bộ luật Hình sự 2015, các tội danh trên chỉ áp dụng đối với việc che giấu, không tố giác một số tội danh nhất định như Giết người, Cướp tài sản hay Lừa đảo chiếm đoạt tài sản... nhưng không bao gồm tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật này. 

Do đó, trong trường hợp tài xế bị quy kết tội danh về tội Cố ý gây thương tích, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm của những người còn lại về tội Không tố giác tội phạm hoặc Che giấu tội phạm.