Côn đồ, hung hăng nơi công cộng: Đâu chỉ xin lỗi là xong!

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, dù các bên xảy ra xung đột có thể hòa giải, cơ quan công an vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Thời gian qua, vấn nạn bạo lực nơi công cộng trở thành thứ ung nhọt, gây nhức nhối, phẫn nộ trong xã hội. Từ những va chạm, mâu thuẫn nhỏ, không ít cá nhân sẵn sàng động thủ, tấn công người khác một cách hung hăng, quyết liệt, xâm phạm nghiêm trọng tới tài sản, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng của người khác. 

Từ những gương mặt "đỏ như vang" khi đánh người tới những gương mặt "vàng như nghệ" khi làm việc với cơ quan công an, không ít lời xin lỗi được thốt lên. Nạn nhân có thể cảm thông và tha thứ, nhưng pháp luật vẫn phải đảm bảo tính nghiêm minh và sự răn đe. Lời xin lỗi bởi vậy là không đủ để gỡ gạc lại cho những giây phút bồng bột, hung hăng, côn đồ. 

Côn đồ, hung hăng nơi công cộng: Đâu chỉ xin lỗi là xong! - 1

Xuất phát từ va chạm giao thông, đối tượng Lê Văn Hiền đã tấn công khiến nạn nhân chết não ngay trong những ngày đầu của năm mới 2025 (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá những vụ việc liên tiếp xảy ra thời gian qua với tính chất, mức độ và hậu quả khác nhau không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh mà đã là "báo động đỏ" về chuẩn mực đạo đức cũng như cách ứng xử trong xã hội. Va chạm, mâu thuẫn trong đời sống là việc khó tránh khỏi, song việc "thổi bùng" những xung đột nhỏ thành ngọn lửa hận thù bằng những lời nói, hành động phi đạo đức, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là hành động cần hết sức lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Dưới góc độ pháp lý, thông thường trong những vụ án liên quan tới xâm phạm thân thể, dấu hiệu của hành vi Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được tập trung làm rõ. Theo đó, trong trường hợp nạn nhân có mức độ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích để điều tra theo quy định pháp luật. 

Ngoài ra, trường hợp việc hành hung kết hợp các hành vi khác xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm người khác như nhổ nước bọt, hành hạ, lột quần áo, cắt tóc... tại nơi đông người, có thể xem xét thêm trách nhiệm về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. 

Côn đồ, hung hăng nơi công cộng: Đâu chỉ xin lỗi là xong! - 2

Vụ việc đánh ghen, lột đồ ở Cần Thơ đang được cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu các tội gồm Cố ý gây thương tích, Làm nhục người khác và Gây rối trật tự công cộng (Ảnh cắt từ clip).

Tuy nhiên, theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, pháp luật hiện quy định với hành vi thuộc khoản 1 của một số tội danh nhất định như Cố ý gây thương tích (Điều 134), Hiếp dâm (Điều 141), Cưỡng dâm (Điều 143), Làm nhục người khác (Điều 155) hay Vu khống (Điều 156)... việc khởi tố vụ án hình sự chỉ tiến hành khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật đối với bị hại. 

Điều này đồng nghĩa nếu phía bị hại có thể thông cảm, tha thứ, các bên có thể ngồi lại để cùng đàm phán, thương lượng và hòa giải, cơ quan chức năng sẽ không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, xin lỗi và hòa giải không đồng nghĩa với việc trách nhiệm hình sự sẽ hoàn toàn được miễn trừ. 

Đối với các vụ việc có tính chất bạo lực, xảy ra tại nơi công cộng, ngoài sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác, những vụ việc như trên còn xâm phạm tới một khách thể khác được pháp luật bảo vệ đó là an ninh trật tự xã hội. Do đó, ngoài các tội danh như Cố ý gây thương tích hay Làm nhục người khác, cơ quan điều tra sẽ đồng thời xem xét hành vi có dấu hiệu Gây rối trật tự công cộng. 

Theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, người nào gây rối trật tự công cộng mà gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. 

Đối với tình tiết "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" tại Bộ luật Hình sự 2015, pháp luật hiện hành chưa có văn bản mới nhằm hướng dẫn cụ thể để áp dụng giải quyết. Tuy nhiên, trên cơ sở tham chiếu hướng dẫn về tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999, có thể hiểu hành vi thuộc nhóm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bao gồm các trường hợp như Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Làm chết người hay Gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác ở một mức nhất định. 

Côn đồ, hung hăng nơi công cộng: Đâu chỉ xin lỗi là xong! - 3

Hình ảnh vụ việc nữ nhân viên gác chắn tàu bị đánh gãy mũi chỉ vì lời qua, tiếng lại. Dù thương tật nạn nhân chỉ là 6%, cơ quan điều tra vẫn có thể xem xét trách nhiệm hình sự (Ảnh cắt từ clip).

Trên thực tế, không ít vụ việc đánh nhau, hỗn chiến, loạn đả nơi công cộng đã được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đồng thời 2 tội danh là Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng để xử lý những người vi phạm. Thậm chí trong nhiều vụ việc, những người là bị hại của hành vi cố ý gây thương tích đã phải đồng thời trở thành bị can, bị cáo đối với hành vi gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý một cách toàn diện, triệt để như vậy thể hiện sự khách quan, công bằng và nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo sự răn đe và tránh bỏ lọt tội phạm. 

Do tội Gây rối trật tự công cộng không thuộc nhóm tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể giải quyết bất kể ý chí của các bên trong vụ án ra sao. Khi đó, lời xin lỗi là không đủ, và người thực hiện hành vi sẽ phải trả giá cho những phút giây ngông cuồng của mình bởi bản án của các cơ quan thực thi pháp luật.