Shipper bị tài xế Lexus hành hung có quyền yêu cầu giám định bổ sung?
(Dân trí) - Theo luật sư, đương sự có quyền yêu cầu giám định bổ sung. Tuy nhiên, quyết định giám định bổ sung hay không phụ thuộc đánh giá dựa trên những tài liệu, chứng cứ của cơ quan tố tụng.
Hơn một tuần sau khi bị tài xế Tống Anh Tuấn hành hung, anh Nguyễn Xuân Hưng (31 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn phải tiếp tục điều trị trong bệnh viện, ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe và tâm lý. Chia sẻ với phóng viên, vợ anh Hưng cho biết chồng đã có thể ăn cơm, nói chuyện với mọi người nhưng vẫn thường xuyên đau đầu, chóng mặt, đi lại không vững, hay nói mê, có lúc giật mình tỉnh giấc, hoảng loạn vì mơ thấy bị đánh.
Theo kết quả giám định ban đầu, anh Hưng bị chấn động não, mức độ tổn hại sức khỏe là 3%. Tuy nhiên, với những biến chứng và hậu quả có thể xảy ra, shipper này có quyền yêu cầu giám định thương tật bổ sung hay không?

Một tuần sau khi bị hành hung, anh Hưng chưa thể ra viện (Ảnh: Nguyễn Hải).
Dưới góc nhìn của người có nhiều năm làm việc trong các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể, chấn thương thuộc trường hợp "chấn động não" được chia làm 2 loại. Đó là chấn động não điều trị ổn định (mức độ thương tật 1-5%) và chấn động não điều trị không ổn định (mức độ thương tật 6-10%).
Ngoài ra, chấn động não còn có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tâm thần với các mức độ tổn hại sức khỏe khác nhau. Theo đó, nếu nạn nhân bị rối loạn tâm thần sau chấn động não, điều trị ổn định, mức độ tổn hại sức khỏe xác định là 11-15% còn nếu thuộc trường hợp rối loạn tâm thần sau chấn động não, điều trị không kết quả, mức độ tổn hại là 25-30%.
Về việc giám định và yêu cầu giám định bổ sung, Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định đương sự hoặc người đại diện có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Điều 210 Bộ luật này quy định việc giám định bổ sung được tiến hành nếu nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết vụ án đã có kết luận giám định trước đó. Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện.
Tùy thuộc các giai đoạn khác nhau của vụ án, người có thẩm quyền ra quyết định giám định bổ sung có thể là thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng viện kiểm sát hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
"Đối với vụ việc trên, nếu cảm thấy việc chấn động não có thể gây ra những di chứng nặng hơn so với ban đầu, anh Hưng có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng đưa đi giám định. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định có giám định bổ sung hay không thuộc về người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng, dựa trên cơ sở đánh giá một cách thận trọng, hợp lý về kết quả giám định ban đầu, kết quả điều trị của bệnh nhân cũng như các chẩn đoán theo hồ sơ bệnh án của bác sĩ.
Trong trường hợp cần giám định bổ sung và kết quả giám định bổ sung cho thấy xuất hiện mức độ tổn hại sức khỏe mới, cơ quan điều tra có thể ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can và cần được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Trường hợp vụ án trong giai đoạn truy tố hoặc xét xử, thẩm quyền thay đổi khung hình phạt bị truy tố, xét xử thuộc về viện kiểm sát hoặc tòa án", luật sư bình luận.

Bị can Tống Anh Tuấn (Ảnh: Công an quận Tây Hồ).
Về việc tổng hợp mức độ thương tật, việc xác định tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân theo quy định của pháp luật sẽ được áp dụng phương pháp cộng lùi. Lấy ví dụ cụ thể như sau:
Đối với thương tích đầu tiên là chấn động não (gọi tắt là Tổn thương 1), kết quả giám định cho thấy tỷ lệ tổn hại là 3%, tức bị hại còn 97% sức khỏe.
Tiếp theo, nếu phải giám định bổ sung và xuất hiện thương tích thứ hai (Tổn thương 2), lấy ví dụ ở mức thấp nhất của chấn động não để lại di chứng là 11%, việc xác định mức độ Tổn thương hai được tính như sau: Tổn thương 2 = (100 - 3) x 11% = 10,67%
Khi đó, tổng mức độ tỷ lệ tổn thương tính theo công thức: Tổn thương cơ thể = Tổn thương 1 + Tổn thương 2 = 13,67%.
Đối với các thương tích tiếp theo, việc xác định mức độ tổn thương cũng sẽ được áp dụng biện pháp cộng lùi tương tự những thương tích đầu tiên.