Dấu hiệu 2 tội danh vụ đôi nam nữ đánh tài xế xe công nghệ đêm giao thừa

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, có thể xem xét dấu hiệu của đôi nam nữ về một trong hai tội danh là gây rối trật tự công cộng hoặc cố ý gây thương tích.

Như Dân trí thông tin, khoảng 23h30 ngày 31/12/2024, một đôi nam nữ đi chung xe máy xảy ra va chạm giao thông, xô xát với hai người khác tại đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 (TPHCM). Phát hiện sự việc, một nam tài xế xe ôm công nghệ vào can ngăn thì bị hai người này hành hung. 

Theo hình ảnh từ clip lan truyền trên mạng xã hội, nam tài xế bị quật ngã xuống đường, bị người phụ nữ leo lên người, dùng tay đấm liên tục vào đầu và lấy chân đè đầu xuống đường. Vụ việc khiến tài xế xe ôm bị thương còn giao thông khu vực ùn ứ. Tiếp nhận thông tin, Công an phường Bến Nghé đã mời đôi nam nữ về trụ sở làm việc và đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Với diễn biến hành vi nêu trên, đôi nam nữ có thể bị xử lý ra sao? 

Dấu hiệu 2 tội danh vụ đôi nam nữ đánh tài xế xe công nghệ đêm giao thừa - 1

Hình ảnh đôi nam nữ hành hung tài xế xe ôm công nghệ được người dân ghi lại (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đây là hành vi phản cảm, thể hiện sự ngông nghênh, bất chấp, coi thường pháp luật, xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội cũng như sức khỏe của người khác và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Dưới góc độ pháp lý, ông Giáp cho rằng với dữ liệu hiện có, cơ quan chức năng trước tiên sẽ xem xét dấu hiệu hành vi cố ý gây thương tích, trong đó mấu chốt là việc nạn nhân có xuất hiện thương tật hay không, và tỷ lệ tổn hại sức khỏe (nếu có) ở mức nào, đã đạt mức để xem xét trách nhiệm hình sự hay chưa. 

"Có 2 vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, thứ nhất là nạn nhân có thương tật hay không, và nếu có thì đã đạt mức 11% hay chưa và thứ hai là hành vi có thuộc tình tiết "có tính chất côn đồ" theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 hay không. Nếu thương tật trên 11% hoặc dưới 11% nhưng hành vi bị quy kết có tính chất côn đồ, có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích. 

Nếu rơi vào trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật này là thương tật trên 11% và không thuộc các tình tiết định khung khác; hoặc dưới 11% nhưng hành vi có tính chất côn đồ, việc khởi tố cần phải có yêu cầu của bị hại, căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015", luật sư Giáp phân tích. 

Trường hợp nạn nhân không có đơn đề nghị khởi tố hoặc không đồng ý giám định thương tật, trách nhiệm hình sự đối với tội danh này có thể được loại trừ. Khi đó, hành vi xâm phạm thân thể người khác chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. 

Dấu hiệu 2 tội danh vụ đôi nam nữ đánh tài xế xe công nghệ đêm giao thừa - 2

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Ảnh: Hữu Nghị).

Tuy nhiên, luật sư Giáp cho rằng kể cả khi bị hại không yêu cầu xử lý hình sự, cơ quan điều tra vẫn hoàn toàn có thể xem xét trách nhiệm về một hành vi khác mà không cần phải có đơn yêu cầu của bị hại. 

"Không chỉ xâm phạm sức khỏe người khác, những hành vi trên còn gây ách tắc, gián đoạn giao thông, vi phạm nghiêm trọng các quy tắc về đạo đức, ứng xử nơi công cộng, khi tham gia giao thông và xâm phạm tới một khách thể khác được pháp luật bảo vệ là an ninh trật tự công cộng. Do đó, nếu không đủ cơ sở xem xét hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể tập trung làm rõ hành vi có dấu hiệu Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. 

Do đây là tội danh không thuộc nhóm khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên việc tống đạt các quyết định tố tụng hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí của những người liên quan. Việc xem xét dấu hiệu hành vi này cũng đảm bảo xử lý vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe của pháp luật để ngăn ngừa những hành vi tương tự có thể xảy ra", ông Giáp bình luận.