Từ vụ tài xế Lexus đánh shipper: Những tội chỉ khởi tố theo yêu cầu bị hại

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu hành vi có dấu hiệu phạm tội ít nghiêm trọng về một trong 9 tội danh cụ thể quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, việc khởi tố chỉ tiến hành khi có yêu cầu của bị hại.

Liên quan tới vụ việc tài xế Lexus là Tống Anh Tuấn (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) hành hung anh Nguyễn Xuân Hưng (Nhân viên giao hàng, 31 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội), kết quả giám định thương tật cho thấy mức độ tổn thương của nạn nhân là 3%. Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra theo quy định.

Theo quy định, hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại điều khoản nêu trên thuộc nhóm chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Vậy ngoài tội danh này, những tội danh nào khác theo quy định của pháp luật cũng thuộc nhóm khởi tố theo yêu cầu của bị hại?. 

Từ vụ tài xế Lexus đánh shipper: Những tội chỉ khởi tố theo yêu cầu bị hại - 1

Anh Hưng được đưa đi giám định mức độ tổn hại sức khỏe chiều 11/2. Kết quả giám định cho thấy anh bị tổn hại sức khỏe 3% (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trả lời:

Theo luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều sau khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại: 

Nhóm tội cố ý gây thương tích: Điều 134 (Cố ý gây thương tích); Điều 135 (Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh); Điều 136 (Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội); 

Nhóm tội vô ý gây thương tích: Điều 138 (Vô ý gây thương tích), Điều 139 (Vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính); 

Nhóm tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm: Điều 141 (Hiếp dâm), Điều 143 (Cưỡng dâm); Điều 155 (Làm nhục người khác) và Điều 156 (Vu khống). 

Như vậy, trường hợp hành vi có dấu hiệu phạm tội theo khoản 1 những tội nêu trên, việc khởi tố vụ án hình sự chỉ thực hiện khi có yêu cầu của bị hại. Trong quá trình giải quyết, nếu người bị hại, người có yêu cầu khởi tố rút đơn yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp việc rút yêu cầu trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Ngoài ra, nếu hành vi có dấu hiệu của các tội danh trên nhưng không thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tiếp tục giải quyết, bất chấp ý chí từ phía bị hại. 

Trường hợp phía bị hại không có yêu cầu khởi tố, nếu vụ việc trong giai đoạn xác minh nguồn tin về tội phạm thì cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lý do. Nếu xét thấy cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đối với bị hại hoặc người đại diện của bị hại, nếu đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.