Từ vụ shipper bị tài xế Lexus hành hung: Người bị đánh có được đánh lại?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu thuộc trường hợp buộc phải chống trả, người bị đánh có quyền phản kháng nhưng phải trong phạm vi cần thiết, không được vượt quá giới hạn quy định của pháp luật.

Trong vụ việc anh Nguyễn Xuân Hưng (31 tuổi, nhân viên giao hàng) bị tài xế xe Lexus là Tống Anh Tuấn (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) hành hung chiều 10/2, dữ liệu camera cho thấy trong quá trình diễn ra sự việc, nạn nhân không có bất cứ phản kháng nào và phải hứng chịu gần 20 đòn tấn công của Tuấn trong khoảng 30 giây, dẫn tới tỷ lệ thương tật 3%. 

Từ sự việc trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc người bị tấn công được quyền đánh trả nhằm tự vệ hay không? Trường hợp hành vi chống trả gây thiệt hại ngược cho người vi phạm, người bị tấn công có thể bị xử lý ra sao?. 

Từ vụ shipper bị tài xế Lexus hành hung: Người bị đánh có được đánh lại? - 1

Khuôn mặt anh Hưng phù nề, biến dạng một ngày sau khi bị đánh (Ảnh: Nguyễn Hải).

Như thế nào là phòng vệ ở mức "cần thiết"? 

Luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định mọi cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Trường hợp bị đe dọa tấn công, dẫn tới nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng, cá nhân có quyền phản kháng, chống trả nhưng không được vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật. 

Trích dẫn Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho biết phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả một cách cần thiết đối với người đang có hành vi xâm phạm quyền lợi chính đáng của bản thân, người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Phòng vệ chính đáng không phải tội phạm. 

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị xâm hại. Người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126) hoặc Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136, trường hợp thương tật ở mức từ 61% trở lên) quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. 

"Tình huống "cần thiết" có thể hiểu là trường hợp không thể không chống trả, hoặc không thể bỏ qua hành vi xâm phạm lợi ích của cá nhân, xã hội. Nếu hành vi chống trả vẫn trong giới hạn cần thiết mà gây thiệt hại cho người vi phạm pháp luật thì vẫn là phòng vệ chính đáng. 

Đối với các trường hợp người bị đánh chống trả, cơ quan chức năng trước tiên sẽ làm rõ các điều kiện về bối cảnh, bao gồm không gian, thời gian, vị trí địa lý cũng như tổng hòa các yếu tố khách quan khác để xác định đó có phải trường hợp không thể không chống trả nhằm bảo vệ quyền lợi bản thân hay không. 

Tiếp đó, cần làm rõ mức độ, tính chất của hành động chống trả, từ đó làm rõ đó có phải hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự xã hội địa phương hay không", ông Thắng bình luận. 

Theo luật sư, trên thực tế xảy ra không ít trường hợp người bị tấn công có hành vi chống trả, thậm chí đánh trả, phản kháng một cách quyết liệt. Tuy nhiên, cần lưu ý hành vi chống trả chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân, không được phép vượt quá giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật. 

Nhiều trường hợp dù người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm nhưng người bị tấn công lại tiếp tục đánh trả, tấn công người vi phạm, dẫn tới hậu quả đáng tiếc và phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, mọi cá nhân cần tỉnh táo, đặc biệt trong tình trạng tinh thần bị kích động để tránh các hành vi vi phạm pháp luật. 

Theo luật sư, trong trường hợp không thể bỏ chạy hoặc trình báo tới cơ quan chức năng mà buộc phải chống trả, hành vi chống trả một cách cần thiết có thể bao gồm các hành vi như đỡ, gạt tay chân, xô đẩy hoặc thậm chí khống chế người vi phạm, yêu cầu họ chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý mọi hành vi chỉ được nhằm mục đích ngăn chặn hành vi bất hợp pháp gây ra, không được vượt quá giới hạn, xâm phạm tới quyền lợi của cá nhân khác. 

Từ vụ shipper bị tài xế Lexus hành hung: Người bị đánh có được đánh lại? - 2

Anh Hưng không có phản kháng khi bị Tuấn hành hung (Ảnh cắt từ clip).

Đánh người sau khi bị hành hung, có phải tình huống "tinh thần bị kích động mạnh" không?

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết ngoài trường hợp "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng", việc người bị tấn công chống trả cũng có thể dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp "tinh thần bị kích động mạnh". 

Cụ thể, tình trạng tinh thần "bị kích động mạnh" là tình trạng người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng, dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật.

Theo hướng dẫn lần đầu tại Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên.

Ngoài ra, có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm hành vi trái pháp luật lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được. Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc thì được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Từ vụ shipper bị tài xế Lexus hành hung: Người bị đánh có được đánh lại? - 3

Bị can Tống Anh Tuấn (Ảnh: Công an quận Tây Hồ).

Về phía nạn nhân, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng tuy làm người phạm tội bị kích động mạnh nhưng chưa đến mức phạm tội. Nếu hành vi trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, đã cấu thành tội phạm thì hành vi chống trả gây hậu quả chết người hoặc gây thương tích sẽ được xem xét có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.

Bên cạnh đó, để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa "kích động" với "kích động mạnh", cần xem xét một cách khách quan, toàn diện các mặt như hoàn cảnh, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội; trình độ văn hóa của mỗi bên; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.

"Để được coi là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cần đáp ứng một trong 2 trường hợp: Hành vi phạm tội xảy ra bột phát, tức thời, ngay lập tức sau khi nạn nhân thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng hoặc Hành vi phạm tội xảy ra sau khi bị hại thực hiện hàng loạt các hành vi trái pháp luật có tính chất đè nén, áp bức nặng nề, lặp đi lặp lại, âm ỷ, kéo dài, đến một thời điểm khiến người phạm tội bị kích động, không thể tự kiềm chế bản thân", luật sư Trang phân tích.

Như vậy, để xác định hành động đánh trả sau khi bị tấn công có thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh hay không, cần xác định 2 yếu tố mấu chốt. Thứ nhất, đó là có xuất hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dẫn tới hành động đáp trả bột phát, tức thời, ngay lập tức hay không và thứ hai, đó là trạng thái tinh thần của người vi phạm thời điểm đó có còn ở mức tỉnh táo hay không. 

Trường hợp có đủ các yếu tố nêu trên, kết hợp với hậu quả mà hành vi gây ra, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét trách nhiệm về các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.