Căn cứ tính mức bồi thường cho shipper bị tài xế Lexus hành hung
(Dân trí) - Theo luật sư, mức bồi thường cho nam shipper sẽ bao gồm chi phí điều trị, phục hồi chức năng; thu nhập thực tế bị mất; thiệt hại của người chăm sóc người bị thiệt hại (nếu có) và tổn thất tinh thần.
Liên quan tới trách nhiệm pháp lý của tài xế Lexus hành hung nam shipper ngày 10/2 tại Hà Nội , luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá ngoài trách nhiệm hình sự về hành vi có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, tài xế Tống Anh Tuấn (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại cho nạn nhân là anh Nguyễn Xuân Hưng (31 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội).
Việc xác định mức bồi thường căn cứ quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan.
![Căn cứ tính mức bồi thường cho shipper bị tài xế Lexus hành hung - 1 Căn cứ tính mức bồi thường cho shipper bị tài xế Lexus hành hung - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/kp4Bq1aTmSbo25RV8J8iJ3_PtBs=/thumb_w/1020/2025/02/11/img4228-1739253123499-1739289879085.jpg)
Anh Nguyễn Xuân Hưng, bị hại trong vụ án (Ảnh: Nguyễn Hải).
Cụ thể, theo Điều 590 Bộ luật này, mức bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm những khoản sau:
Thứ nhất, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại;
Thứ hai, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
Thứ ba, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
Thứ tư, thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tức cao nhất ở mức 117 triệu đồng.
![Căn cứ tính mức bồi thường cho shipper bị tài xế Lexus hành hung - 2 Căn cứ tính mức bồi thường cho shipper bị tài xế Lexus hành hung - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/XfOFe2F6w0NdWKO3uFvso41PuL0=/thumb_w/1020/2025/02/11/rpreplayfinal1739233556-ezgifcom-speed-1739239315230-1739289838635.gif)
Khoảnh khắc nạn nhân bị tài xế Lexus hành hung (Ảnh cắt từ clip).
Căn cứ các quy định trên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP để hướng dẫn cách tính thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, cụ thể:
Thứ nhất, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, khám chữa bệnh cho người bị thiệt hại sẽ bao gồm các khoản sau: Chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Chi phí thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại di chuyển giữa nơi ở và nơi khám chữa bệnh; Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại tương đương 1 ngày lương tối thiểu vùng/ ngày khám chữa bệnh theo hồ sơ bệnh án và Chi phí phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng bị mất, giảm sút (nếu có).
Theo quy định, mức lương tối thiểu vùng hiện nay ở quận Tây Hồ (Hà Nội) là 4,96 triệu đồng/tháng, tương đương 23.800 đồng/giờ.
Thứ hai, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút được tính như sau:
Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công bị giảm sút trong khoảng thời gian không thể đi làm.
Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định thì xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 3 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp không xác định được 3 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì mức bồi thường là 1 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 1 ngày bị thiệt hại. Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 1 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.
Thứ ba, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: Chi phí tàu, xe đi lại, tiền thuê địa điểm lưu trú để ở lại chăm sóc người bị hại (nếu có); Thu nhập thực tế bị mất trong thời gian điều trị. Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc được xác định là 1 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 1 ngày chăm sóc.
![Căn cứ tính mức bồi thường cho shipper bị tài xế Lexus hành hung - 3 Căn cứ tính mức bồi thường cho shipper bị tài xế Lexus hành hung - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/WD6HTrtB1VIXlo1dN532X-eSnRQ=/thumb_w/1020/2025/02/11/vien2-1739265020035-1739288930581.jpg)
Anh Hưng được đưa đi giám định mức độ tổn hại sức khỏe chiều 11/2. Kết quả giám định cho thấy tài xế bị tổn hại sức khỏe 3% (Ảnh: Nguyễn Hải).
Áp dụng các quy định của pháp luật đối với trường hợp trên, anh Hưng có thể được bồi thường các khoản chi phí như sau:
Chi phí hợp lý cho việc khám chữa bệnh, bao gồm chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện và chi phí di chuyển, đi lại giữa bệnh viện và nơi cư trú. Để có căn cứ yêu cầu bồi thường, cần có hồ sơ bệnh án, chẩn đoán của bác sĩ cũng như các hóa đơn, chứng từ chứng minh cho việc thanh toán tiền chữa bệnh, mua thuốc, thiết bị y tế và di chuyển, đi lại phù hợp với số ngày phải điều trị theo hồ sơ bệnh án.
Chi phí bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian điều trị theo bệnh án, tương đương 1 ngày lương tối thiểu vùng/ ngày điều trị theo bệnh án. Mức lương tối thiểu vùng tại quận Tây Hồ hiện là 4,96 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 191.000 đồng/ngày.
Thu nhập thực tế bị mất, dựa trên công việc công việc hiện tại của anh Hưng. Để có căn cứ yêu cầu bồi thường, anh Hưng phải chứng minh được thu nhập của bản thân hàng tháng hoặc 3 tháng liền kề trước thời điểm xảy ra sự việc. Nếu không thể xác định mức độ thiệt hại chính xác thì sẽ áp dụng công thức 1 ngày lương tối thiểu vùng tương đương 1 ngày bị thiệt hại.
Chi phí hợp lý cho người chăm sóc, trong đó bao gồm các chi phí như đi lại, ăn ở cũng như các khoản thu nhập bị mất trong thời gian xảy ra thiệt hại. Tương tự các khoản trên, người chăm sóc cần cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu để làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
Về số tiền bồi thường tổn thất tinh thần, con số này sẽ do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp không thể tự thỏa thuận, con số tối đa có thể áp dụng là 117 triệu đồng, tương đương 50 lần mức lương cơ bản.
"Trên thực tế, việc áp dụng mức bồi thường tối đa thường chỉ áp dụng với trường hợp người bị thiệt hại tử vong. Đối với những vụ việc xảy ra tổn hại sức khỏe, việc tính mức bồi thường tổn thất về tinh thần sẽ tùy thuộc căn cứ áp dụng, tính toán của thẩm phán.
Tiền lệ giải quyết tại các bản án trước đây cho thấy các thẩm phán có thể áp dụng công thức như sau: Bồi thường tổn thất tinh thần = Tỷ lệ phần trăm thương tật x Mức bồi thường tối đa. Trong trường hợp phải áp dụng công thức trên, mức bồi thường tổn thất về tinh thần là 3,51 triệu đồng", luật sư Linh bình luận.