Góp bàn về chuyện thầy thuốc nhận “phong bì”

Gần đây báo Dân trí có đăng bức thư gửi tân Bộ trưởng Bộ Y tế và nhiều ý kiến bạn đọc thảo luận xung quanh vấn đề mà tác giả bức thư nêu ra. Tôi là một bác sỹ, tự thấy cần có tiếng nói tham gia diễn đàn về chủ đề này với mong muốn nhỏ nhoi cùng bạn đọc khơi dậy những nỗi niềm khôn nguôi về tình trạng chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiện tại.

1. Tại sao việc nhận “phong bì” trở nên phổ biến tại bệnh viện?

 

Tôi xin không diễn giải dài dòng mà chỉ nêu những nguyên nhân theo tôi cho là chủ yếu:

 

-         Cung (dịch vụ y tế) không cân xứng với cầu (người đi khám bệnh và chữa bệnh), đây là nguyên nhân quan trọng nhất.

 

-         Cơ quan công quyền và thiết chế của chúng ta còn bị ảnh hưởng rất lớn của hệ tư tưởng “Quan - tức là công chức, viên chức là Phụ mẫu chi dân”, áp dụng trong ngành y thì thầy thuốc là “thầy bệnh nhân”.

 

-         Chưa minh bạch trong việc công khai và phổ biến các quy trình, quy chế hành chính và dịch vụ công (trong đó có dịch vụ y tế).

 

-         Quyền hạn và trách nhiệm của từng cá nhân (từng vị trí) trong một bộ máy không được rõ ràng và không được kiểm soát chặt chẽ.

 

2. Quan điểm và nhận thức

Tại diễn đàn này, tôi xin mạnh dạn nêu quan điểm cá nhân về việc biếu và nhận “phong bì” tại bệnh viện công.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Trước hết tôi cho rằng đây là hành động sai trái, cả về góc độ pháp lý và đạo lý, của cả người đưa và kẻ nhận. Xã hội của chúng ta hôm nay có thể chưa loại trừ được hết những hành động này nhưng nhất thiết phải lên án và đấu tranh với nó.

 

Xét cho cùng người đưa phong bì cảm thấy mình ở “thế yếu” cần phải cầu cạnh để được chiếu cố hoặc có mưu cầu muốn được thầy thuốc quan tâm hơn người khác và vô hình trung người đưa “phong bì” đã góp phần làm biến chất, thoái hóa tư cách, đạo đức của người thầy thuốc và thậm chí thúc đẩy người nhận phong bì vi phạm quy chế, pháp luật.

 

Còn người nhận, tự họ bị ràng buộc vào đồng tiền và có thói quen vụ lợi, thích hưởng thụ, hay lợi dụng chức vụ và coi thường quy chế cơ quan, coi thường các định chế của pháp luật và dần dần trở nên thoái hóa, biến chất, hoàn toàn không xứng đáng với danh nghĩa người thầy thuốc…

 

3. Kiến nghị:

 

Để khắc phục từng bước, tiến tới lành mạnh hóa bộ máy hành nghề tại các bệnh viện, tôi xin kiến nghị ngành y tế:

-         Cần tổ chức, cơ cấu lại bộ máy, rà soát những văn bản pháp quy để chỉnh sửa, bổ xung những điều cụ thể phù hợp với tình hình mới và xu thế phát triển.

-         Phải dứt khoát lên án, và loại khỏi ngành những cán bộ, nhân viên y tế không còn giữ được y đức, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ, tiếp tục nhận phong bì của bệnh nhân.

-         Để lập lại kỷ cương, nền nếp hoạt động của các bệnh viện, tôi đề nghị Bộ Y tế bắt buộc tất cả các bệnh viện công phải in ấn, dán công khai nội quy, quy chế, viện phí, qui trình khám, tiếp nhận, điều trị, ra viện, danh tính các bộ phận, cá nhân phụ trách từng khâu, quyền và nghĩa vụ của bác sỹ, nhân viên y tế cũng như của bệnh nhân, thân nhân người bệnh... Những quy chế này nên dán nhiều nơi (tại cổng, tại khu khám bệnh, tại các buồng bệnh, tại từng khoa, phòng).

Nếu khoa nào có đặc thù riêng thì cho phép khoa đó qui định chi tiết hơn bên cạnh quy chế của bệnh viện và nhất thiết không được trái quy định chung.

 

-         Ngành y tế cũng cần làm ngay như ngành giáo dục về 1 triết lý mới xây dựng và phát triển ngành. Gấp rút đào tạo lại để nâng cao nhận thức, tư tưởng cho các giám đốc bệnh viện, các giám đốc sở y tế, các hiệu trưởng ĐH Y khoa và rộng hơn là các bác sỹ và sinh viên y khoa.

Tôi thấy ngày nay, các nhà làm công tác nhân sự, các phương tiện truyền thông, các học giả giáo dục thường xuyên nhắc đến cái gọi là “kỹ năng mềm” hay “kỹ năng sống”, ngành y tế rất cần phải giáo dục cho cán bộ, nhân viên, sinh viên y khoa về kỹ năng này.

Một vấn đề nữa cũng xin bàn thêm, đó là việc hành nghề Y, tôi đề nghị dấy lại quan điểm của BS Phan Văn Việt - GĐ Bệnh viện Chợ Rẫy, rằng bác sĩ công ra công, tư ra tư. Nhiều nghiên cứu ở các nước phát triển cho thấy, bác sỹ bệnh viện công và bác sỹ tư là 2 vấn đề có ranh giới rất khác biệt và chỉ được chọn 1 trong 2, ở bệnh viện công là anh hay chị lựa chọn con đường khoa học và sự cống hiến. Còn ở khu vực tư là anh, chị chọn con đường hành nghề kinh doanh, mưu cầu thu nhập cao.

 

Vậy mà ở Việt Nam ta, hầu hết các bác sỹ làm đồng thời hai việc nêu trên, giờ hành chính thì khoác áo bệnh viện công, quát nạt, lạnh lùng, nhận phong bì bệnh nhân, thậm chí chèo kéo bệnh nhân ra phòng khám ngoài, hết giờ hành chính đóng vai ông chủ cung cấp dịch vụ y tế, công khai thu tiền cao (đương nhiên) và xem ra rất ngọt ngào với người bệnh, cung cách làm ăn như thế nó làm méo mó cả khu vực công lẫn khu vực tư.

 

Vấn đề nữa là quản lý hành nghề y, nếu không phân định rõ ràng về quản lý y tế và quản lý hành nghề y thì sẽ rất khó mang lại một môi trường y tế lành mạnh. Theo ý kiến của tôi, Nhà nước nên giao hẳn quyền quản lý hành nghề Y cho các hội nghề nghiệp có điều kiện hiểu rõ năng lực cũng như tư cách, đạo đức của các hội viên.

 

BS Hòa Thảo Phương

(Trung tâm Truyền thông và Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng)

 

LTS Dân trí: Rất hoan nghênh ý kiến tham gia thảo luận về chủ đề này của Bác sĩ Hòa Thảo Phương. Đấy là những ý kiến hết sức thật của người trong ngành y cùng những kiến nghị rất tâm huyết mong góp phần khắc phục tình trạng thiếu kỷ cương, nền nếp và tệ nạn biếu và nhận “phong bì” đã trở thành phổ biến ở các bệnh viện công.

 

Chúng tôi xin trân trọng chuyển ý kiến đóng góp của Bác sĩ Hòa Thảo Phương đến Bộ Y tế để nghiên cứu, xem xét và vận dụng kip thời những ý kiến thích hợp vào tình hình thực tế đang cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong hệ thống hoạt động dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của toàn dân.

 

Diễn đàn báo Điện tử Dân trí rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến tham gia thảo luận về chủ đề này của đông đảo bạn đọc, nhất của các cán bộ quản lý ngành y và các bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh.