Nỗi lòng của một bác sĩ trẻ

Đọc các ý kiến tham gia Diễn đàn Dân trí về tình trạng xuống cấp của y đức, bản thân tôi là sinh viên y mới tốt nghiệp, sắp trở thành một cán bộ y tế thực thụ cũng rất đau lòng. Là những thầy thuốc trẻ tuổi, chúng tôi luôn tâm niệm làm thế nào để phục vụ bệnh nhân tốt, nhưng...

Tôi nghĩ rằng trong cơ chế thị trường hiện nay, cũng có thể coi sức khoẻ là hàng hoá đặc biệt mà người bán là các thầy thuốc, còn người mua là bệnh nhân. Người bán hiện nay thì còn ít mà người mua thì rất nhiều. Do đó dễ sinh ra những hiện tượng tiêu cực.

 

Trong tình trạng hầu như bệnh viện nào cũng quá tải, thầy thuốc phải làm việc căng thẳng, áp lực cao thì việc đối xử của thầy thuốc làm bệnh nhân không vừa lòng là điều dễ xảy ra. Nếu có một đợt vận động nào đó nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và y đức của người thầy thuốc thì cũng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy.

 

Tôi nhớ hồi  đi thực tập tại một bệnh viện thì có đợt kiểm tra của thanh tra Bộ Y tế về. Đáng lẽ nếu như muốn kiểm tra nghiêm túc thì giả dạng làm bệnh nhân hay cứ đến đột xuất thì sẽ biết rõ sự thật, đằng này đoàn thanh tra báo trước cho bệnh viện gần cả tháng. Và để đối phó, bệnh viện này chọn 3 khoa tiêu biểu để giới thiệu với đoàn thanh tra.

 

Tôi đang thưc tập ở khoa được kiểm tra. Họ nhắc sinh viên chúng tôi mặc áo blu, đội mũ, đeo khẩu trang cẩn thận; các cô y tá đi dặn dò các bệnh nhân “khi đoàn thanh tra xuống hỏi: các bác sỹ ở đây thế nào, các cô chú nói là rất nhiệt tình với bênh nhân”. Sau khi kiểm tra lấy lệ, nghe đâu đoàn thanh tra được mời tới một nhà hàng sang trọng để ăn trưa. Cách kiểm tra như vậy thì làm sao biết rõ sự thật tình trạng hoạt động của bệnh viện?

 

Còn chuyện mua chỗ làm ở các bệnh viện thì tôi dám khẳng định là hoàn toàn có thật. Biết tôi mới ra trường, có người đã gặp và nói thẳng: Ở bệnh viện này bác sĩ muốn vào thì phải 50 triệu, còn y tá thì  30 triệu.Tôi nộp đơn vào một bệnh viện khác, họ cũng đặt vấn đề muốn về khoa nào cũng được miễn là có 30 triệu là xong.

 

Thiết nghĩ chúng tôi thi vào ngành y đã là rất khó, học tập vất vả 6 năm, đến khi ra trường, muốn kiếm một chỗ làm lại phải đút tiền thì ra làm sao. Tôi bất bình quá và nhất quyết sẽ không tiến thân bằng con đương ấy. Xin hãy hiểu cho tâm trạng những ngưòi thầy thuốc trẻ như chúng tôi. Chúng tôi muốn tiến thân bằng con đuòng chân chính và tự khẳng định mình bằng năng lực có thật  chứ không phải bằng đồng tiền!

 

Bệnh viện của chúng ta lẽ ra phải mở rộng cánh cửa đón nhận những người thầy thuốc mới ra trường và có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Tôi không hiểu tại sao trong khi bác sĩ ở bệnh viện thì thiếu, phải làm việc quá tải, nhưng bác sĩ mới ra trường lại phải đút lót tiền mới tìm được chỗ làm việc. Nghịch lý ấy vẫn đang tồn tại là do đâu?

 

Trên đây, tôi đã trình bầy những điều được mắt thấy, tai nghe, rất mong rằng ông tân Bộ trưởng Y tế  có những cải cách thật sự trong cơ chế quản lý ngành y tế nói chung và bệnh viện nói riêng để đáp ứng đúng lòng mong mỏi của nhân dân ta. Bản thân những bác sỹ trẻ như chúng tôi luôn muốn được cống hiến hết sức mình để phục vụ người bệnh, và được hưởng thành quả lao động do chính mình làm ra.

 

(afirstkiss@gmail.com)

 

LTS Dân trí: Trên đây là tâm sự rất thật của một sinh viên y vừa mới tốt nghiệp. Nguyện vọng của người bác sĩ trẻ tuổi này cũng thật chính đáng. Anh cũng là người thấy đau lòng trước tình trạng xuống cấp của y đức cũng như những hiện tượng tiêu cực khác diễn ra trong ngành y  và tha thiết mong muốn ông Bộ trưởng Y tế có những cải cách thật sự về cơ chế quản lý để thay đổi thực trạng đáng buồn đó.

 

Xin hoan nghênh ý kiến tham gia diễn đàn của một bác sĩ đại diện cho thế hệ thầy thuốc trẻ tuổi mới ra trường và trân trọng chuyển ý kiến này đến ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu.