Lương tiền và lương tâm

Thời gian vừa qua, đã có nhiều báo lên tiếng về vấn nạn “phong bì lót tay” trong bệnh viện. Nhưng không hẳn đã là “lỗi” của các bác sĩ. Tình cờ lướt qua blog có tên “Mạc…” trên Yahoo, chúng tôi đã bắt gặp một bài viết, hay nói đúng hơn là một ý kiến của chính người trong cuộc.

Liên hệ với anh, chúng tôi được biết anh là bác sĩ của một bệnh viện lớn của miền Trung, hiện vừa mới bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đức ở tuổi “băm”. Và anh rất muốn nêu lên một suy nghĩ về vấn nạn phong bì trên Diễn đàn của báo Dân trí.

 

“Mấy ngày nay trên các báo điện tử đều đồng loạt mở ra diễn đàn về một vấn nạn ngỡ như “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Và hình như diễn đàn này là nơi để người ta nói lên những trăn trở, bức xúc. Tâm điểm là nạn lót tay cho bác sĩ và nhân viên y tế trong các bệnh viện công lập, nhất là những bệnh viện có thương hiệu nổi tiếng. Là người trong nghề nên tôi hiểu rất rõ vấn đề này. Hiểu và buồn. Đôi lúc cảm thấy gần như là bất lực.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Buồn là về phía nhân viên y tế, dĩ nhiên. Nhưng cũng còn buồn vì phía bệnh nhân và người nhà. Các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận luôn chĩa mũi súng về những người mặc áo trắng. Tôi không phản đối vì thực tế nó vậy, không thể lặng yên nhìn tệ nạn nhức nhối này an nhiên diễn ra trên nỗi đau của bệnh nhân và xã hội. Tuy nhiên có một tờ báo nào đứng ra lên án những hành động sai trái của bệnh nhân và người nhà?

 

Người ta bảo vì xã hội tôn trọng hai cái nghề: nghề y và nghề giáo nên những người trong hai lĩnh vực này phải có lương tâm. Đúng. Nhưng có phải ai cũng tôn trọng giáo viên và thầy thuốc? Báo chí lên tiếng việc xúc phạm thầy cô giáo nhưng chưa thấy đứng ra bảo vệ thầy thuốc. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng muốn có một trang web để các thầy thuốc có cơ hội lên tiếng để xã hội cảm thông hơn. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi chưa thể có được.

 

Các bạn có bao giờ biết nỗi buồn và thậm chí là nỗi đau của người thầy thuốc có lương tâm, có khát vọng bị đối xử tàn nhẫn bởi bệnh nhân và người nhà không? Chắc chắn là không. Còn bây giờ thì xin được đi vào chủ đề chính của entry này: Liệu việc tăng lương có làm hạn chế tệ nạn phong bì trong bệnh viện không?

 

Để trả lời câu hỏi này, tôi tạm chia nhân viên y tế (bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, y công... gọi chung là thầy thuốc) thành ba nhóm:

 

Nhóm thứ nhất: Những thầy thuốc có lương tâm, nhất định không chịu làm điều gì gây tổn hại danh dự nghề nghiệp, gây phiền lòng cho bệnh nhân (về mặt tiền bạc). Với nhóm này thì dù lương ít họ vẫn không ngửa tay lấy một đồng tiền nào của bệnh nhân dù là dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy việc nâng lương chỉ có tác dụng là giúp họ cải thiện cuộc sống và chuyên tâm hơn với công việc. Lương cao hay thấp không tác động đến việc nhận phong bì ở nhóm này.

 

Nhóm thứ hai: Những thầy thuốc coi việc hành nghề của mình là phương tiện kiếm tiền. Cứu cánh của họ là tiền. Với nhóm này thì Chính phủ có dốc hết hầu bao cho họ thì họ vẫn còn muốn nữa, muốn nữa. Họ bị một chứng bệnh hiểm nghèo: Không đáy. Không có phương pháp phẫu thuật nào, dù là tiên tiến nhất, có thể vá được lỗ thủng này. Và bệnh nhân vẫn là nguồn thu của họ. Việc nâng lương cũng không hề mảy may tác động đến việc nhận phong bì ở đây.

 

Nhóm thứ ba: Những người còn có lương tâm, muốn hành nghiệp theo đúng lương tri nhưng lại bị áp lực của cuộc sống áo cơm làm cho oằn lưng xuống. Số này không ít. Nếu mọi người chịu khó tìm hiểu thu nhập của những nhân viên này sẽ hiểu họ được đãi ngộ như thế nào (thực tế đau lòng đó). Và đứng trước áp lực phải có tiền và cơ hội có thể làm tiền, họ sẽ tạo dựng cho mình một triết lý để bào chữa cho việc làm của mình. Ồ thì nhận một ít cũng chẳng chết ai, miễn là làm được việc cho họ. Thế là họ nhận!

 

Bên trong họ, có hai con người luôn đấu tranh với nhau. Nếu cuộc sống không đến nỗi nào khó khăn, cái phần lương tâm sẽ thắng. Có thể mọi người sẽ cho tôi ngụy biện chỗ này. Có thể. Nhưng cái gì cũng có điều kiện và môi trường của nó. Ác quỷ chỉ là thiên thần sa ngã thôi mà. Napoleon cũng từng bảo rằng anh hùng cũng cần có điều kiện.

 

Xã hội bảo thầy thuốc cần có lương tâm. Đúng. Nhưng họ cũng quên mất thầy thuốc là con người. Họ cũng cần ăn mặc, lo cho con cái, đi chơi và khi họ đến cửa cơ quan công quyền khác, họ không thể giơ cái lương tâm của mình ra mà mọi chuyện êm xuôi đâu. Cay đắng lắm.

 

Trong mắt mọi người thì, mấy cha bác sĩ này ăn chặn bệnh nhân biết bao nhiêu tiền nên cứ đè ra mà chặt. Chặt dĩ nhiên là đau. Đau hơn là cái ý nghĩ đằng sau sự chém chặt ấy: mấy cha (thằng) bác sĩ = ăn chặn tiền bệnh nhân.

 

Quay lại nhóm thứ ba. Với nhóm này việc nâng lương cũng như các dịch vụ khác có khả năng cải thiện cuộc sống của họ thì nạn phong bì sẽ giảm còn hết hẳn hay không, rất khó nói.

 

Làm phép tính cộng của ba nhóm thì việc nâng lương chỉ làm giảm một phần nào nạn phong bì đó thôi. Không thể đem chuyện lương thấp để bào chữa cho hành động vô nhân đạo của mình. Với ngành y, cái Đức có lẽ quan trọng hơn cái Tài. Tuy nhiên cái Đức không thể chỉ sống bằng không khí và nước lã. Không giải quyết được triệt để mối quan hệ này thì chuyện kiểm tra, đặt camera, đuổi việc cũng chỉ là việc chạy theo sau vuốt đuôi nạn phong bì trong bệnh viện”.

 

Liên hệ: letan_quynh2000@yahoo.com

 

LTS Dân trí: Cảm ơn tác giả bài viết nói trên đã nói lên tâm sự rất thật của “người trong cuộc”. Chúng tôi rất đồng cảm với những điều mà tác giả trăn trở trước những tệ nạn diễn ra hằng ngày tại bệnh viện. Chúng ta không thể đổ hết trách nhiệm cho những người thầy thuốc làm nhiệm vụ trực tiếp khám, chữa bệnh.

 

Tìm cách loại trừ một tệ nạn đã trở thành phổ biến, thậm chí trở thành “nếp sống” trong xã hội thì đương nhiên không phải là dễ, nhưng nếu có sự đánh giá thấu đáo, tìm ra những nguyên nhân cội nguồn, từ đấy đưa ra những biện pháp quyết liệt và đồng bộ để khắc phục thì chắn chắn tệ nạn ấy sẽ bị đẩy lùi.

 

Tăng lương hoặc có phụ cấp thỏa đáng cho các thầy thuốc làm nhiệm vụ trực tiếp khám, chữa bệnh cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp đồng bộ cần thực hiện để lập lại nền nếp, kỷ cương cũng như nâng cao y đức của người thầy thuốc tại bệnh viện. Vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định chính là cơ chế quản lý và người đứng đầu ngành y tế cũng như đứng đầu các bệnh viện có quyết tâm vào cuộc hay không?