Viết thêm về nỗi lòng của bác sĩ trẻ

Tôi là bác sĩ ra trường cách đây 6 năm, bây giờ không biết còn được gọi là bác sĩ trẻ nữa không. Khi vào Diễn đàn Dân trí, tôi đọc được <a href="http://www11.dantri.com.vn/diendandantri/2007/9/197972.vip"> tâm sự của một đồng nghiệp mới ra trường</a>, tôi nhận thấy sao giống tâm sự của mình đến thế: “Chúng tôi muốn tiến thân bằng con đuòng chân chính và tự khẳng định mình bằng năng lực có thật chứ không phải bằng đồng tiền”.

Một chỗ làm mua bằng vài chục triệu là có thật (dù không phải tất cả các bệnh viện đều như vậy), bạn bè tôi có nhiều người đã phải mất tiền để có được một chỗ làm. Tôi và một số khác thì không, chúng tôi chọn một con đường khác, nhưng cay đắng lắm. Có người làm không công chờ thời, có người làm "người giới thiệu thuốc", có người theo tiếng gọi về vùng sâu - vùng xa  phục vụ...

 

Tôi đi theo tiếng gọi của Trung ương ĐTNCS HCM tham gia chương trình "đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa và hải đảo", tôi tham gia chương trình 2 năm ở một vùng sâu Miền tây Nam Bộ, nơi không có đường đi bộ (phương tiện đi lại là ghe, thuyền...).

 

Xong thời gian tình nguyện, tôi trở về thành phố và tiếp tục theo học sau đại học (chuyên khoa cấp I). Học xong, tôi tiếp tục vác đơn đi xin việc, chuyện 6 năm trước lại lặp lại. Đời là vậy đó "nhất thân, nhì thế, kế tiếp là tiền...".

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Có dịp tôi ngồi uống cà phê với một đồng nghiệp đàn anh (là Bs Ths Nhi khoa N.V.H), biết tôi đang xin việc, anh tâm sự: Chẳng ở đâu bạc bẽo bằng ngành y, thi đậu vào đã khó (có ai thi ba môn đạt 27/30 điểm - điểm chuẩn vào trường y - mà không phải là những học sinh khá giỏi), học - hành 6 năm vất vả cực khổ, học cao học hay học chuyên khoa I  hết 2 năm; học xong đi xin việc, họ coi mớ văn bằng của mình như giẻ rách, thế còn chút đạo lý nào không?...

 

Tôi bây giờ đã có việc làm (tất nhiên không phải mua), lương thử việc khoảng 880.000 VND/tháng, lãnh lương không đủ dùng cho việc trả tiền uống cà phê sáng và tiền đổ xăng trong một tháng. Tất nhiên ai cũng phải ăn mới sống, phải tắm rửa mới sạch sẽ, phải mặc mới kín đáo lịch sự, phải đọc sách, phải học hành liên tục, phải vui chơi thư giãn... vì chúng ta là "người".

 

Có nhiều cách kiếm tiền, nhưng kiếm tiền bằng cách "vòi phong bì" thì khốn nạn thật. Ở Miền Mam, chỉ có một số ít bệnh viện là các nhân viên y tế có tệ nạn này. Tôi có anh bạn (là bác sĩ ở tỉnh về TPHCM học cao học) phải mất 1 "chai" mới thu xếp lịch mổ cho ông cậu của anh ta được mổ sớm. Đồng nghiệp với nhau còn như vậy, còn người dân thấp cổ bé miệng thì sao?  Nhưng theo tôi thì đa số các bệnh viện tương đối là sạch.

 

Quay lại vấn đề kiếm tiền, đa số nhân viên y tế ai cũng muốn kiếm những đồng tiền sạch. Có một số người đủ điều kiện "mở phòng mạch" thì họ mở phòng mạch (tôi nói thật, không ai muốn sau 8 giờ làm ở bệnh viện lại phải nai lưng làm thêm ở phòng mạch nữa đâu, nhưng vì đây là cách kiếm tiền chân chính để tăng thu nhập cho họ), có người nhận làm gia sư, có người nhận khám và điều trị tại nhà cho một số người dân có nhu cầu, có người đi bán hàng... Nhưng nói chung họ không phải là người làm việc 40 giờ/tuần.

 

Tệ nạn phong bì, theo tôi nguyên nhân là từ hai phía: (1) Phía cán bộ y tế, những người biến chất (đa số là những người phải mua chỗ làm), ở bệnh viện biến chất (đại diện là lãnh đạo bệnh viện); (2) Người bệnh, những người hiểu biết nông cạn và những người cứ nghĩ có tiền là mua được tất cả.

 

Tôi có một người bạn, một lần anh ta bị tai nạn giao thông (bị gẫy xương cẳng chân), tôi đưa anh ta vào bệnh viện, điều đầu tiên anh ta nhờ tôi là "đưa phong bì cho nhân viên y tế", tất nhiên tôi không làm. Anh ta được nhập viện, ít ngày sau tôi trở lại bệnh viện thăm anh ta, điều tâm đắc nhất anh ta kể cho tôi là việc anh ta cho tiền cô y tá, vì vậy khi thay băng cho anh thì cô y tá nhẹ tay hơn khi thay băng cho các bệnh nhân khác và hôm sau cả phòng rủ nhau cho tiền cô y tá. Khi kể cho tôi chuyện đó, bạn tôi thầm trách tôi hay đang tự khen mình thông minh (?).

 

Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, ở đời có người tốt người chưa tốt. Với mỗi người hãy cứ sống tốt, ai cũng sống tốt sẽ có một xã hội tốt, nhiều người sống tốt sẽ có một xã hội ít xấu hơn. Hãy làm tròn trách nhiệm của chính mình trước (trách nhiệm của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là không đưa phong bì), trước khi đòi hỏi chuyện đó ở người khác. Điều tôi mong ước nhất khi tham gia diễn dàn này là kêu gọi mọi người đừng đưa và đừng nhận phong bì phong bì.

 

(Dinhvu2000@yahoo.com)

 

LTS Dân trí: Quả thật không ít những bác sĩ ở các bệnh viện, nhất là bác sĩ trẻ đều “muốn tiến thân bằng con đường chân chính và tự khẳng định mình bằng năng lực có thật chứ không phải bằng đồng tiền”. Đấy là nỗi niềm và cũng là ý chí phấn đấu của số đông bác sĩ trẻ.

 

Nếu có môi trường tốt đẹp và điều kiện thuận lợi, chắc chắn họ sẽ vươn lên nhanh chóng trong nghề nghiệp và sẽ xứng đáng là những "Lương y như từ mẫu".

 

Trách nhiệm của xã hội, mà trực tiếp là lãnh đạo ngành y tế và bệnh viện cần đề xuất chính sách và có biện pháp thiết thực chăm lo đời sống và tạo điều kiện không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc, nhất là lực lượng thầy thuốc trẻ tuổi.