1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Tổng thống Trump liên tục nhắc cụm từ Ấn Độ-Thái Bình Dương?

(Dân trí) - Một thuật ngữ được Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhắc đến trong chuyến công du châu Á tuần qua là “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Giới quan sát cho rằng, đây là tín hiệu cho một chiến lược chính sách mới của Mỹ ở khu vực.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Theo tạp chí Diplomat, qua các hội nghị và các bài diễn văn trong chuyến công du tới 5 quốc gia châu Á tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dần định hình chiến lược của Mỹ hậu “xoay trục sang châu Á”. Đó là quan điểm về duy trì thịnh vượng, hòa bình ở một khu vực rộng lớn hơn có ý nghĩa quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Doanh nghiệp trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng hôm 10/11, nhà lãnh đạo Mỹ đã phác thảo ra chính sách của Mỹ ở châu Á trong những năm tới. Thay vì dùng thuật ngữ châu Á-Thái Bình Dương, ông Trump dùng cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” khi nói về chính sách ở khu vực. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, Mỹ không tìm cách thống trị, mà chỉ muốn hợp tác với các quốc gia mạnh, độc lập và sẵn sàng “chơi theo luật”.

Giới quan sát cho rằng, chính sách đó rõ ràng nhằm tạo ra đối trọng với “Giấc mơ Trung Hoa” và Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh.

Đặt trọng tâm vào Ấn Độ


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm hồi tháng 10/2017. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm hồi tháng 10/2017. (Ảnh: Reuters)

Cụm từ “khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” bắt nguồn từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cách đây hơn 1 thập niên, Tổng thống Trump đã “mượn” cụm từ đó để kêu gọi các quốc gia có chung lý tưởng hợp tác với nhau trên nguyên tắc “có đi có lại” cũng như hợp tác về an ninh kinh tế, quân sự.

Việc lựa chọn cụm từ này của Nhà Trắng cho thấy Mỹ tiếp tục chính sách xoay trục của chính quyền tiền nhiệm nhưng mở rộng hơn.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nhận định: “Thuật ngữ Ấn Độ-Thái Bình Dương là khái niệm mở rộng của khu vực, vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nhấn trọng tâm vào Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Điều này mở đường cho liên minh 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Liu Zongyi, chuyên gia cấp cao tại Viên nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Thượng Hải, nhận định, điều này nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách khu vực của Mỹ, coi Ấn Độ là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Takashi Terada, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Doshisha thì cho rằng, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương làm sáng tỏ lập trường đa phương hóa của Mỹ ở châu Á. Cụ thể, Mỹ muốn lập ra một liên minh trong đó cả Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để tạo ra trật tự kinh tế khu vực dựa trên nguyên tắc. Ngoài ra, đó có thể là cách Mỹ duy trì niềm tin ở các quốc gia khác trong khu vực, các nước sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhưng vẫn khá thận trọng.

Tạp chí Diplomat cho biết, ngoài Ấn Độ, Tổng thống Trump cũng mong muốn mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia. “Quan hệ với Singapore và đồng minh then chốt Australia vẫn có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực”, tờ báo nhận định.

Trung Quốc nói gì?


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh: Reuters)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Ảnh: Reuters)

Một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương” cho thấy mong muốn của Washington trong việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trong khu vực. “Chúng tôi có mối quan hệ ngày càng bền chặt với Ấn Độ. Chúng tôi nói đến một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là bởi cụm từ này cho thấy tầm quan trọng về sự trỗi dậy của Ấn Độ”.

Mặt khác, quan chức này khẳng định, chính sách này không nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng không đặt nặng mối lưu tâm tới thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" của chính quyền Tổng thống Trump vì cho rằng cụm từ này đã sử dụng quá nhiều lần.

Zhang Jun, Vụ trưởng Vụ quan hệ kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng cho rằng: "Tổng thống Trump nói nó không nhằm vào Trung Quốc, nên không có lý do gì nghĩ rằng nó nhằm vào Trung Quốc".

Bất chấp những khẳng định này, Rory Medcalf chuyên gia về an ninh quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định: “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương rõ ràng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong một khu vực rộng lớn hơn”.

Jia Wenshan, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế hóa, cho rằng: “Trung Quốc không nên coi nhẹ chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Trump bởi Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đã ở một liên minh khác với chiến lược phát triển của Trung Quốc ở khu vực”.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm