1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hé lộ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã không dùng tên gọi “Châu Á - Thái Bình Dương” cho vùng lãnh thổ và lãnh hải từ Australia tới Ấn Độ, thay vào đó họ sử dụng thuật ngữ mới có tên “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Đây được cho là động thái mang tính chính trị của Washington.


Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)

Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)

Theo AP, chính quyền ông Trump dường như đã đặt lại tên cho khu vực “châu Á- Thái Bình Dương”, khu vực mà Mỹ luôn hiện diện một cách ôn hòa và ổn định. Bằng chứng là, trong giai đoạn ông Trump chuẩn bị thực hiện chuyến công du lần đầu đến châu Á trong nhiệm kỳ Tổng thống, các quan chức Nhà Trắng và ngay cả Tổng thống đều sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster đã sử dụng thuật ngữ này khi ông tóm tắt chuyến viếng thăm chính thức với báo chí ngày 2/11. Ông Trump cũng dùng tên gọi mới này trong bài phát biểu tại cuộc họp Nội các hôm 1/11.

Một số nhà quan sát cho rằng đây có thể là nỗ lực từ ông Trump nhằm tạo nên sự khác biệt với người tiền nhiệm Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã chủ trương với chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương khi ông còn tại vị. Ông Obama từng khẳng định rằng Châu Á- Thái Bình Dương của thế kỷ 21 sẽ có sự hiện diện của Mỹ tại đây.

Và ông Trump dường như cũng muốn khẳng định điều này nhưng với một cách thể hiện rộng hơn và khác hơn. Bằng cách dùng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, Mỹ muốn khẳng định đây là khu vực đã vượt ra ngoài sân sau của Trung Quốc và những nền kinh tế phát triển ở khu vực Đông Á.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nêu ra quan điểm này 2 tuần trước khi ông phát biểu về việc mở rộng mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ trong bối cảnh cả New Delhi và Washington đều lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông Tillerson đã chia sẻ về hợp tác với các đồng minh Australia và Nhật Bản nhằm tạo dựng “quyền lực mềm” đối chọi lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong bài phát biểu, ông đã 15 lần nhắc tới cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Theo AP, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có phản hồi khi được hỏi cách gọi mới liệu có ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ ở khu vực hay không.

Thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” vốn không phải là quá mới trong giới ngoại giao thế giới khi Indonesia, Australia và Ấn Độ đã sử dụng cụm từ này trong nhiều năm qua. Tại Hawaii, điểm dừng chân đầu tiên của ông Trump trong chuyến công du 12 ngày, ông đã sử dụng một thuật ngữ khác có tên “Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương”.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm