DNews

"Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng"

Hoa Lê

(Dân trí) - Bên cạnh chế độ hưu trí được đánh giá là "hào phóng", các quy định mới bổ sung vào dự luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi còn duy trì sàn lương hưu tối thiểu để bảo vệ người lao động, đảm bảo an sinh.

"Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng"

Kế thừa tính đúng đắn và khắc phục những hạn chế của chính sách BHXH trong quá tình thực thi 7 năm qua, dự thảo Luật BHXH sửa đổi nổi bật với nhiều điểm mới, mang tính đột phá đảm bảo quyền lợi cho người lao động, doanh nghiệp, an sinh xã hội dài lâu.

Nhiều nội dung lớn mang tính xã hội cao

Qua 2 lần trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại 2 kỳ họp, đến nay, dự luật tiếp tục được tiếp thu, chỉnh lý trước khi đưa ra xem, xét thông qua cuối tháng 6 này.

Đánh giá tổng quan, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) khẳng định, dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều nội dung lớn, phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, có ảnh hưởng trực tiếp đến đại đa số người dân, những người làm công ăn lương và chịu chi phối bởi Luật BHXH.

Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 1
Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 2
Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 3

Các quy định của dự thảo luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng, căn cứ thực tế chỉ số giá tiêu dùng, mức độ tăng trưởng kinh tế, sự an toàn, cân đối, tăng trưởng của quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Theo đại biểu, dự thảo luật đã thể hiện việc tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, làm rõ hơn nhiều vấn đề, bổ sung nhiều điểm.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật gồm 11 chương (tăng 1 chương) và 147 điều (tăng 11 điều so với bản dự thảo trình lần đầu) cùng 15 điểm mới.

Nổi bật nhất, đại biểu Bảo Trân cho là việc bổ sung 1 chương với 4 điều mới quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung và 7 điều mới khác để phân định rõ hơn về hành vi trốn đóng BHXH, chậm đóng BHXH, các biện pháp xử lý tương ứng với từng hành vi, cơ chế giải quyết và xử lý đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động trong một số trường hợp cụ thể, thúc đẩy việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, quy định về hợp tác quốc tế...

Theo đại biểu đoàn Bình Dương, những quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm không chỉ của hệ thống cơ quan BHXH, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan mà cả đối với Ủy ban nhân dân các cấp trong việc đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá rất cao những nội dung của dự thảo luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, chỉnh lý, tiếp thu từ những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

"Từ khi dự thảo luật được trình lần đầu đến nay, các đại biểu Quốc hội đã "mổ xẻ", phản biện rất nhiều nội dung. Đây cũng là dự luật nhận được nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp của đại biểu trên nghị trường", ông Phạm Văn Hòa cho hay.

3 tầng an sinh

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan đang thực hiện quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH sửa đổi hướng tới mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người lao động, người tham gia bảo hiểm, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Theo ủy quyền của Thủ tướng, mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ký Báo cáo số 303 của Chính phủ (ngày 11/6) về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự Luật BHXH sửa đổi. Tại đây, Chính phủ thống nhất về nguyên tắc nhiều nội dung mới, quan trọng.

Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 4
Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 5

Trong đó, phải kể đến quy định về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở sẽ được bãi bỏ khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây.

Về điểm này, đại biểu Bảo Trân khẳng định, việc bổ sung quy định về mức tham chiếu để làm căn cứ tính các chế độ BHXH, bổ sung các quy định chuyển tiếp đối với một số điều, khoản của Luật An toàn, vệ sinh lao động là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

"Do đây là vấn đề mới được đặt ra, được nhiều người lao động quan tâm nên cần tập trung đánh giá và làm rõ một số nội dung về nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu để thực hiện từ ngày 1/7/2024, khi cả nước áp dụng cải cách tiền lương cũng như khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025)", nữ đại biểu nêu quan điểm.

Với nhóm quy định về chế độ hưu trí đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhận xét, đây là chính sách an sinh được các tổ chức quốc tế đánh giá "Việt Nam tương đối hào phóng".

Đại biểu phân tích, người lao động và người sử dụng lao động đang chỉ phải đóng 22% mức lương vào quỹ hưu trí tử tuất, trong khi mức hưởng tối thiểu là 33,75% đối với lao động nam và 45% đối với lao động nữ, mức hưởng tối đa đều là 75%.

Nữ đại biểu lưu ý, chênh lệch đóng - hưởng càng nhiều thì khả năng cân đối quỹ sẽ là vấn đề lớn, cần phải được tính toán hết sức thận trọng. Để hạn chế việc chênh lệch trong thụ hưởng cũng như bảo toàn lâu dài quỹ BHXH, Chính phủ đã thiết kế thêm quy định về trần đóng BHXH.

Trường hợp người lao động có mong muốn được hưởng lương hưu với mức cao hơn thì có thể tham gia thêm bảo hiểm hưu trí bổ sung hoặc tham gia các hình thức bảo hiểm thương mại an sinh cho tuổi già.

Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 6

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Ảnh: Quốc hội).

Theo đại biểu, dự thảo luật đến thời điểm này có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.

Tầng 1: Trợ cấp hưu trí xã hội là tầng thấp nhất, do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Tầng 2: BHXH cơ bản là tầng có đóng góp, được thiết kế theo hướng bao phủ với cả người lao động khu vực chính thức và phi chính thức.

Tầng 3: Bảo hiểm hưu trí bổ sung, bao gồm các chế độ hưu trí nghề nghiệp hoặc các chế độ hưu trí khối tư nhân trên cơ sở đóng góp tự nguyện.

Hưu trí bổ sung vận hành trên mô hình tài khoản hưu trí cá nhân nhằm bổ trợ cho chế độ hưu trí bắt buộc để mức thụ hưởng cao hơn.

Cụ thể như bổ sung quyền hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Chế độ thai sản cũng được bổ sung với người tham gia BHXH tự nguyện.

Quan trọng, cơ quan xây dựng luật chủ trương giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm,…

"Cơ bản những chính sách này nhằm hướng đến thực hiện hiệu quả mục tiêu từng bước mở rộng đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH, tiến tới BHXH toàn dân", đại biểu Bảo Trân nhấn mạnh.

Đại biểu đánh giá, việc xây dựng hệ thống BHXH đa tầng đã và đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới và dự luật cũng được triệt để thiết kế theo định hướng này.

Chính vì thế, đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định chuyển tiếp về lương hưu tối thiểu, áp dụng cho người tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực và quan điểm mở rộng độ phủ lương hưu bằng cách hạ điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu cơ bản đều nhằm đáp ứng các yêu cầu trong mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.

Giải pháp căn cơ cho vấn nạn "treo" quyền người lao động

Nhắc lại phát biểu của mình tại phiên thảo luận về dự thảo Luật BHXH sửa đổi vừa qua, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân tâm đắc với đề xuất quy định cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội.  

Theo đó, sáng kiến sử dụng kết dư của quỹ BHXH để giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp trên, tương tự như hình thức xóa nợ thuế Quốc hội tưng cho phép áp dụng với doanh nghiệp, nữ đại biểu đánh giá: "Về cơ bản đây cũng có thể xem là giải pháp tháo gỡ căn cơ những tồn tại của vấn nạn nợ BHXH, "treo" quyền của người lao động thời gian qua".

Bà lập luận thêm, tất cả những chính sách, quy định được thiết chế trong luật cần có quá trình xem xét, nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể đối với từng chính sách. Theo đó, chính sách quy định về BHXH cũng phải thêm những chế tài cụ thể, được liên kết với các hệ thống chính sách khác như thuế, hải quan,… Đó là những công cụ quản lý phù hợp để đảm bảo người sử dụng lao động phải thực hiện tốt nghĩa vụ đóng BHXH đối với người lao động.

Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 7
Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 8
Tiền đóng bảo hiểm 22%, tối thiểu hưởng lương hưu gần 35% là hào phóng - 9

Bên cạnh đó, dự luật cũng nên tăng cường các biện pháp chế tài mạnh mẽ, kết hợp với những điều khoản dẫn chiếu thực hiện các quy định tại Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, trước những chỉnh lý của dự luật mới nhất, báo cáo của Chính phủ cũng thống nhất về nguyên tắc nhiều nội dung lớn trên tinh thần những vấn đề lớn được tổng kết từ thực tiễn, có cơ sở rõ ràng, đánh giá tác động đầy đủ, đảm bảo tính khả thi được đưa vào dự luật.

Nhận định chung, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, các cơ quan đã tiếp thu, giải trình rành mạch các vấn đề còn có những ý kiến khác nhau.

"Đến giờ phút này không nhất thiết cần thêm ý kiến ở kỳ họp nữa. Vì luật BHXH sửa đổi được người dân rất trông chờ, đặc biệt người lao động - đối tượng hướng tới của chính sách BHXH. Hơn nữa, còn gần 1 năm nữa khi luật được thông qua, các cơ quan sẽ ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan một cách cụ thể", ông Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu quả quyết "tin chắc các đại biểu sẽ thông qua dự luật với tỷ lệ tán thành cao và khi đi vào cuộc sống, luật sẽ được người dân đồng tình ủng hộ".