Nhiều lao động muốn có lương hưu nhưng chọn rút BHXH một lần vì khó khăn
(Dân trí) - 6 tháng đầu năm, có 595.000 người làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đây phần lớn là những người lao động chịu áp lực công việc, nhảy việc...
Tại cuộc họp cung cấp thông tin quý II ngày 14/6, ông Đào Duy Hiện, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành giải quyết thủ tục với 40.300 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Con số này tăng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 595.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng 3,7%. Phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là ngừng đóng bảo hiểm sau 1 năm.
Ông Hiện cho biết, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI, đối tượng lao động chịu áp lực công việc, nhảy việc… Người lao động ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%.
"Nguyên do là tâm lý người lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian để được hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, với người lao động trong độ tuổi này, mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ hưởng bảo hiểm xã hội một lần", ông Hiện nêu thực tế.
Trong khi cân nhắc về quyền lợi hưởng lương hưu, có bảo hiểm y tế khi về già, người lao động vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền giải quyết vấn đề trước mắt.
Ông Hiện cho hay, thông qua công tác tuyên truyền, nhiều người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho biết họ rất hiểu về chính sách lương hưu, an sinh xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên dù hiểu là thiệt thòi vẫn phải lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho hay, công tác thông tin tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian qua rất tốt.
Cùng với đó, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi với nhiều quy định hướng đến gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động, như bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay, về cải cách tiền lương, Chính phủ bám sát Nghị quyết 27, đã hoàn thành và trình cơ quan có thẩm quyền, trên tinh thần này quyết tâm triển khai từ 1/7.