(Dân trí) - Trong những lá thư người lính Nguyễn Văn Kiền gửi về, nỗi nhớ vợ con luôn đong đầy. Trong nỗi khát khao lớn lao nhưng bình dị ấy, ông nhiều lần khẳng định "thống nhất anh sẽ về"...
Trong những lá thư người lính Nguyễn Văn Kiền gửi về từ nơi huấn luyện, trên đường hành quân hay ở mặt trận, nỗi nhớ vợ con luôn đong đầy. Trong nỗi khát khao lớn lao nhưng bình dị ấy, ông nhiều lần khẳng định "thống nhất anh sẽ về"...
Ngày 14/7, bà Nguyễn Thị Lương (76 tuổi, trú phường Đội Cung, thành phố Vinh, Nghệ An) cùng con gái Nguyễn Thị Thu Hiền trao tặng 10 lá thư từ chiến trường tới Bảo tàng Quân khu 4, trong đó có 9 lá là của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền và một lá thư của bà gửi chồng. 9 lá thư được chọn trong hàng chục lá thư người lính Nguyễn Văn Kiền gửi về cho vợ con trong thời gian huấn luyện, hành quân và chiến đấu ở chiến trường phía Nam.
Thiếu tá Giản Viết Xuân, Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 khẳng định, những lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền có giá trị lịch sử và ý nghĩa tinh thần to lớn, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, về những con người mang tầm vóc thời đại, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng cho hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà.
Những lá thư đã úa màu thời gian, có lá kín 4 mặt giấy, có lá thư chỉ vỏn vẹn vài dòng nhưng luôn chứa chan tình yêu thương, nỗi nhớ của người chồng, người cha dành cho vợ và cô con gái nhỏ. Những trang giấy mỏng manh ấy trở thành nguồn động viên, là điểm tựa, là sức mạnh để người vợ trẻ đủ mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, nuôi con, chờ chồng.
Nửa thế kỷ trôi qua, những lá thư vẫn được bà Lương gói ghém cẩn thận, kê dưới gối nằm, như thể ông vẫn ở đó, truyền cho bà hơi ấm vợ chồng, giúp bà vượt qua những ngày tháng chông chênh nhất...
Kể từ ngày nhập ngũ, người lính Nguyễn Văn Kiền viết thư liên tục, có những lá thư chỉ cách nhau 2 ngày. Dường như, anh viết để vơi bớt nỗi nhớ thương luôn thường trực trong lòng, viết để bày tỏ tình yêu và tin tưởng vào người vợ trẻ đã sớm phải xa chồng khi hạnh phúc vừa chớm nở. Viết trở thành nhu cầu sẻ chia của người lính, và cũng trở thành niềm mong ngóng của anh.
Bởi vậy, chỉ một lá thư của vợ đến tay cũng khiến anh tự hỏi "Sao anh lại sung sướng đến thế!". Nỗi nhớ vợ luôn thường trực trong đầu, đến nỗi "Anh đang giang tay ôm lấy một quãng không khí - tưởng tượng hình bóng của em - vào lòng để cho đỡ nhớ nhung trong giờ phút đầu óc quá căng thẳng như muốn vỡ ra", người lính viết trong thời gian đi huấn luyện ở một tỉnh phía Bắc trước khi lên đường vào chiến trường.
"Em yêu, anh thương em quá, anh nhớ em quá nhưng không thể làm thế nào được trong lúc này... Em yêu! Thực khó nói, khó tả, khó viết trong lúc này quá. Nói làm sao được, vợ chồng mới chung sống thời gian quá ít đã phải xa nhau, không được gần nhau để được giúp đỡ nhau trong khi vui buồn hoặc động viên nhau".
Những trang thư có lẽ là nơi anh sống thật nhất với con người mình, với yêu ghét, giận hờn, với mong mỏi bình dị nhưng cũng rất đỗi xa vời của người lính nơi chiến trường khói lửa. Đã có những lúc, nỗi nhớ nhung khiến anh có suy nghĩ không đúng với tâm thế và tinh thần của một người lính. Nhưng rồi, tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm của một người lính đã chiến thắng những giây phút yếu mềm, riêng tư.
Vượt qua những lần đấu tranh tư tưởng, anh lao vào luyện tập, bởi "cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước bấy giờ đòi hỏi mỗi người lính phải có trình độ kỹ - chiến thuật giỏi". Và thẳm sâu trong đó, là suy nghĩ phải "hoàn thành nhiệm vụ để khỏi phụ lòng chung thủy, đảm đang mà em đang gánh vác cho anh những cái gì khó khăn và mệt mỏi nhất".
"Ba đi khi tôi còn quá nhỏ, chưa biết gì. Tôi biết về ba qua những câu chuyện kể của mẹ và những bức thư ông gửi về. Đọc thư ba, tôi cảm nhận được tình yêu lớn lao ba dành cho mẹ, dành cho tôi. Tình yêu ấy là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, xứng đáng là con gái của ba", chị Nguyễn Thị Thu Hiền, con gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền, tâm sự.
Nếu thời gian sống gần vợ được tính bằng tháng thì thời gian người lính Nguyễn Văn Kiền được nếm trải hạnh phúc làm cha chỉ được tính bằng ngày. Đó là một lần ông về phép, vỏn vẹn 10 ngày, trước khi lên đường ra chiến trận và một lần, trong mấy tiếng ban đêm ngắn ngủi tạt về nhà trên đường hành quân.
Bởi vậy, dày đặc trong những lá thư của ông là tình yêu vô bờ bến đối với cô con gái và những day dứt, bất lực khi không thể có mặt vào ngày con chào đời, không thể đỡ đần vợ trong thời gian sinh nở.
"Hiền Lương của anh! Em! Anh biết nói gì với em đây! Con! Ba biết nói gì với con đây trong khi tình thương yêu nhớ nhung tràn ngập cả lòng người. Anh cứ thương em không tả nổi, có khi anh suy nghĩ đến cuồng điên, muốn về ngay với em, với con, hôn con một tý và muốn làm tất cả những gì trong lúc em sinh đẻ, thổi lửa, nhóm than, giặt giũ... để em đỡ vất vả. Em ơi, nhiều đêm anh nằm mơ quá mức tưởng tượng. Anh thấy anh đang lai (chở - PV) em đi sinh, thấy anh đem cơm cho em, thấy anh đang bồng con ngồi bên bếp lửa đượm...", anh lính viết trong lá thư đề ngày 13/8/1971.
Mỗi ngày đối với anh là nỗi buồn xa cách, nhưng đó cũng là động lực để anh cố gắng trên thao trường, trong học tập và chiến đấu.
"Em ạ, đến nay anh tính con sinh được một tháng 3 ngày. Anh nhớ con quá đi. Có khi đang làm việc, nhớ con ở nhà đã được hơn một tháng rồi phải chạy sang nhà bên bồng con người ta để đỡ nhớ. Có khi ban đêm nhớ mà phát khóc ra.
Em yêu thương, con yêu quý của ba, đến nay 33 ngày con đã biết làm gì rồi? Có hay khóc không? Có quấy rầy mẹ lắm không?... Em cố gắng tý, đứa sau anh sẽ dỗ cùng nhé. Em!, con có khỏe không? Giống cha hay giống mẹ. Chắc là giống mẹ, mà anh cũng mong con giống mẹ hơn".
Trong lá thư ngày 18/11/1971, anh viết: "Sao mà hôm nay anh nhớ đến thế! Nhớ quá em ạ!. Nhớ em, nhớ con làm anh không tài nào ngủ được... Một gian nhà tối om không chút động đậy vào ban đêm, anh chỉ nghe thấy tiếng gọi của em, tiếng khóc của con đâu đó, chỉ thấy Hiền đang lật bên cạnh anh. Anh đang nhìn, anh đang hôn, anh đang khuấy hồ, anh đang cùng em cho con ăn. Toàn là những cái trong giấc mơ, trong trí tưởng tượng ở đầu óc anh, không chút nào quên được.
Lương em ạ! Hiền con ạ! Trong lúc này làm sao hở con, làm sao hở em. Anh chỉ biết gấp múi chăn thật chặt, ôm ghì vào người, hôn nắm không khí không mùi vị, làm xua tan nỗi buồn rầu, nhớ nhung trong đoạn trường xa cách.
Em ơi! Con ơi! Vì ai thế? Có phải vì hạnh phúc của vợ chồng không? Có phải vì tương lai của con không?. Con ơi, con ạ, ba rất muốn sống gần con để nuôi con, để chăm con, để con mau lớn, chóng ngoan nhưng không thể được. Ba phải đi đánh Mỹ con nhé, con ngoan...".
Ngày 26/11/1971, anh báo đã đến đơn vị được 2 ngày sau kỳ nghỉ phép trước ngày ra trận. Vừa bén hơi con đã phải xa, đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của một người cha - người lính.
Nỗi nhớ con quay quắt, thường trực khiến anh "khừ người ra" và thốt lên: "Anh trông khi nào về mà nhìn con được lần thứ 2 nữa".
Nhớ con bao nhiêu, anh thương người vợ trẻ vất vả, tảo tần trong thiếu thốn, trong bom đạn những ngày sơ tán bấy nhiêu. Anh là người lính, nhưng anh cũng là người chồng, người cha, cũng có những nỗi buồn sâu thẳm, chất chứa tâm tư khi chưa làm tròn trách nhiệm với vợ con.
Anh viết thư động viên vợ, cũng là động viên chính mình, bởi trong giai đoạn lịch sử ấy, họ không thể chỉ nghĩ về mình, không thể chỉ biết vun vén cho hạnh phúc riêng của mình. Và bởi, trên mỗi đôi vai của họ, dù ở tiền tuyến hay hậu phương là trách nhiệm đối với lịch sử, đối với độc lập và thống nhất đất nước.
Cũng như biết bao người lính đã ra đi và nằm lại ở chiến trường, họ biến nỗi nhớ thành hành động, biến yêu thương thành động lực để tiến lên phía trước - phía độc lập, hòa bình, nơi hạnh phúc lứa đôi và mái ấm luôn vẹn tròn.
"Em ạ, cái nguồn động viên nhất cho chúng ta lúc này là ai? Là đứa con gái đầu lòng của ta đó. Anh vui vẻ, anh phấn khởi, an tâm công tác để lên đường đi đánh Mỹ. Chính đứa con đầu lòng đó thôi thúc anh vượt qua chông gai, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ, mai sau sẽ trở về hôn con, gần em được thoải mái… Anh vào tiền tuyến, em ở lại hậu phương cố gắng công tác, đảm nhiệm nuôi con thay anh. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đợi ngày hết giặc anh về sum họp".
Trong lá thư được viết vội trên đường hành quân vào cuối năm 1971, anh Kiền thông báo với vợ đã đặt chân đến vùng tây Quảng Bình. Lá thư chỉ vài dòng, hàng chữ xiêu vẹo kết thúc bằng lời hứa hẹn: "Thống nhất anh sẽ về!".
Nhưng lời hẹn ấy không trở thành hiện thực. Anh ngã xuống ở Tây Ninh, khi chỉ còn một ngày nữa là cuộc trường chinh của cả dân tộc toàn thắng.