(Dân trí) - "Anh ấy bảo, 10 năm không thấy anh về, em hãy đi lấy chồng. Nhưng đời tôi chỉ cưới một lần chồng thôi", bà Nguyễn Thị Lương, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền rưng rưng.
"Anh ấy bảo, 10 năm không thấy anh về, em hãy đi lấy chồng. Nhưng đời tôi chỉ cưới một lần chồng thôi", bà Nguyễn Thị Lương, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền rưng rưng.
Đã bước sang tuổi 76, bà Nguyễn Thị Lương (phường Đội Cung, thành phố Vinh, Nghệ An), vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền, vẫn giữ được những nét đẹp thời xuân sắc. Nhắc tới người chồng liệt sĩ, bà Lương nhiều lần bật khóc. Đôi bàn tay nhăn nheo miết mãi trên tấm ảnh đen trắng đã nhòe mờ theo năm tháng.
Trong ảnh, bà ngồi dựa vào lòng chồng, khuôn mặt hai người rạng ngời hạnh phúc: "Chúng tôi yêu nhanh, cưới nhanh, sống với nhau đúng nghĩa vợ chồng chỉ tính theo ngày nhưng tôi dành cả đời để nhớ anh ấy". Bà luôn gọi chồng là anh, như hình ảnh đã ghim trong tâm khảm từ gần nửa thế kỷ trước.
Năm 1969, bà Lương, khi đó đang là Phó bí thư Đoàn thanh niên Hợp tác xã Trần Phú (thành phố Vinh), tham dự một lớp tập huấn dành cho cán bộ đoàn do Thành ủy Vinh tổ chức. Tại đây, sự sắc sảo, mạnh dạn của cô gái miền biển Nghi Lộc (Nghệ An) hớp hồn anh Bí thư Đoàn thanh niên Công ty lương thực Nghệ Tĩnh - Nguyễn Văn Kiền (SN 1946, quê xã Nam Cát, Nam Đàn, Nghệ An).
Lớp tập huấn kéo dài một tháng, kết thúc cũng là khi anh Kiền mạnh dạn ngỏ lời với người mình thầm thương trộm nhớ. Tháng 7/1970, một đám cưới giản dị, ấm cúng được tổ chức với sự chúc phúc của hai bên gia đình và bạn bè đồng nghiệp.
"Tiếng là đã cưới nhau nhưng có mấy ngày được sống đúng nghĩa vợ chồng đâu. Hai vợ chồng không có nhà riêng, mỗi người ở phòng tập thể của cơ quan, thành thử, cuộc sống tưởng như là bình thường giữa những cặp vợ chồng mới cưới, với chúng tôi thời đó cũng trở nên hiếm hoi", bà Lương kể.
Những lần gặp nhau đếm trên đầu ngón tay ấy, cô con gái Nguyễn Thị Thu Hiền được hoài thai. Khỏi phải nói ông Kiền vui sướng nhường nào khi đón nhận tin sắp được làm bố. Họ đã mơ về một mái nhà hạnh phúc, sáng sáng cùng đưa con đi gửi trẻ, chở nhau tới xí nghiệp làm việc, chiều về quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà hạnh phúc.
Thế nhưng chiến tranh đã khiến giấc mơ bình dị ấy không thể trở thành hiện thực.
Cuối năm 1970, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc bước vào giai đoạn ác liệt, ông Kiền và bao nhiêu người khác đang phục vụ sản xuất ở hậu phương thì nhận lệnh tổng động viên, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Khi bà Lương mang bầu được 4 tháng, ông Kiền nhập ngũ, ra Thanh Hóa huấn luyện rồi chuyển sang học một khóa đặc biệt ở Hà Bắc để phục vụ cho nhiệm vụ sắp tới ở chiến trường.
Tháng 7/1971, bà Lương sinh con gái đầu lòng mà không có chồng bên cạnh. Mãi 3 tháng sau, trước khi đơn vị vào chiến trường, ông được phép về thăm nhà. Đó là lần đầu tiên ông được gặp con, được bế con gái bé bỏng trên tay cho thỏa niềm vui được làm cha.
"Hồi đó, không ai nói nhưng tôi biết đằng nhà nội trông mong có cháu trai nối dõi lắm. Anh ấy thì lại khác, bảo con nào cũng là con. Anh cưng con lắm, bồng bế trên tay suốt. Con mới hơn 3 tháng, đã biết gì đâu, bố nói gì cũng toét miệng cười. Tôi bị ngứa ở tay, anh đi tìm lá về làm thuốc vì sợ lây sang con", bà Lương kể, đôi mắt lấp lánh khi nhớ về những ngày ít ỏi cả gia đình được sum họp.
Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi ấy vụt qua rất nhanh, khi chiến trường miền Nam vẫy gọi. Kỳ nghỉ phép 10 ngày kết thúc. Trước lúc trở về đơn vị, ông Kiền tặng vợ đôi bông tai vàng, như lời hẹn ước và sự bù đắp cho những tháng ngày vất vả, đằng đẵng chờ đợi sắp tới.
Còn bà Lương cặm cụi chuẩn bị cho chồng 2 bộ quần áo lót nhưng ông chỉ cầm đi một bộ, để một bộ ở nhà. "Anh vào chiến trường, được cấp quân trang đầy đủ rồi. Để bộ này ở nhà mẹ con có hơi ba, sau này anh về mặc", người lính trẻ dặn dò.
Tháng 12/1971, từ Hà Bắc, đơn vị ông Kiền được lệnh vào chiến trường. Đến huyện Nghi Lộc (Nghệ An), họ tạm dừng chân nghỉ ngơi. Ông Kiền xin chỉ huy đơn vị về thăm vợ con, cách nơi đơn vị tạm nghỉ hơn 20 cây số.
Nằm chưa ấm lưng, chỉ thơm mãi đôi má phúng phính mùi sữa của con, ông đã vội vã dậy để về đơn vị cho kịp giờ hành quân. Bà Lương nấu một nồi xôi, gói lại, gửi con rồi mượn xe, đạp ra Nghi Lộc. Bà đến tận nơi đơn vị đóng quân, nhờ người gọi chồng ra để trao nắm xôi đã nguội ngắt. Sáng đi vội, anh chưa kịp ăn.
"Bao nhiêu lời muốn nói nghẹn trong cổ họng, hai vợ chồng cứ đứng nhìn nhau như thế. Đột nhiên anh cầm lấy tay tôi, nói: "Nếu 10 năm nữa anh không về, em đừng đợi mà hãy đi lấy chồng...". Tôi nghe mà bàng hoàng, tủi thân nhưng trấn tĩnh lại ngay. Chiến tranh, ai biết sẽ như thế nào. Anh ấy nói thế cũng bởi không muốn mình lỡ dở một đời. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ấy, kiên định: "Đời em, chỉ một lần cưới chồng!", bà Lương hồi tưởng.
Tiếng còi xe vang lên dồn dập, ông Kiền buông tay vợ, chạy về phía hàng quân. Dưới lũy tre xào xạc, bà đứng trông theo cho đến khi đám bụi đường lắng xuống, bóng đoàn xe đã mất hút trong sáng mùa đông mờ mịt sương. Đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy chồng, bằng da, bằng thịt...
Bà trở về với công việc thường ngày, với cô con gái bé bỏng và nỗi nhớ thương chồng thường trực trong tâm trí. Khó có thể nói hết những vất vả, thiếu thốn của người vợ trẻ trong cảnh một mình nuôi con mọn, nhất là những khi con ốm đau. Chính tình yêu của chồng, sự thương yêu của gia đình hai bên, sự sẻ chia của đồng nghiệp đã giúp bà trụ vững, chu toàn công việc, phụng dưỡng bố mẹ, nuôi con và chờ đợi.
Thế nhưng, ông đã không trở về...
Người vợ trẻ như hóa đá khi cầm trên tay tờ giấy báo tử của chồng. Bà gục ngã, chông chênh nhưng rồi tự vực mình dậy, bởi còn phải gánh trên đôi vai trách nhiệm với bố mẹ chồng, với đứa con duy nhất của anh.
Vất vả, gian truân và khổ đau không thể làm phai mờ vẻ đẹp của "gái một con". Nhưng bao nhiêu người đến, bao nhiêu lời dạm hỏi, bà chỉ lắc đầu: "Tôi phải sống trọn nghĩa, vẹn tình với anh ấy, với lời thề năm xưa. Đời tôi, chỉ một lần lấy chồng", bà nói.