Nghĩa trang an táng gần 11.000 liệt sỹ mang tên 2 nước Việt Nam - Lào
(Dân trí) - Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất mang tên hai quốc gia.
Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào (thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) rộng gần 7ha, được xây dựng vào năm 1976 (Ảnh: Huy Thư).
Đây là nghĩa trang lớn nhất, quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu, hy sinh tại Lào, cũng là nghĩa trang duy nhất trên cả nước mang tên 2 quốc gia, hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Giữa nghĩa trang là hai bức phù điêu khổ lớn, tái hiện quá trình bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sát cánh cùng nhân dân các bộ tộc Lào và bộ đội Pa Thét chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho hai đất nước.
Tình cảm keo sơn, gắn bó thủy chung, sẵn sàng hy sinh của các liệt sỹ được Giáo sư Phan Ngọc thể hiện qua bài phú 408 chữ khắc trên bia đá trong nghĩa trang bằng 2 ngôn ngữ Việt - Lào: "Gặp thời đen tối, hai nước Việt - Lào, ách nô lệ đọa đày; được Đảng sáng soi một cõi Đông Dương đường cứu nguy vạch rõ/ Máu hòa vào máu, cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Thà Khẹt, ta cùng bạn hy sinh/ Xương lẫn với xương, Át-tô-pơ, Khăm Muộn, Viên Chăn, bạn cùng ta quyết tử/ Tình đoàn kết ấy dòng Cửu Long bao la, nghĩa thủy chung này dải Trường Sơn vững chãi...".
Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào.
Ngoài liệt sỹ quê hương từ Nghệ An, nghĩa trang là nơi an nghỉ của liệt sỹ quê các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang…
Trong số gần 11.000 liệt sỹ đang an nghỉ tại đây, mới chỉ có khoảng 3.300 phần mộ có danh tính liệt sỹ, 570 ngôi mộ có tên nhưng chưa rõ quê.
Hiện có gần 7.500 phần mộ liệt sỹ chưa xác định được danh tính, quê quán. Năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã tổ chức lấy mẫu sinh phẩm liệt sỹ an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào để phục vụ công tác giám định ADN xác định danh tính liệt sỹ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, mới chỉ có 284 liệt sỹ xác định được danh tính thông qua phương pháp giám định gen.
Rảo bước qua từng hàng mộ, ông Hà Văn Quân (quê tỉnh Vĩnh Phúc) mong bắt gặp cái tên quen thuộc.
Theo ông Quân, bố ông là liệt sỹ Hà Văn Mậu, hi sinh tại Lào năm 1972, tại tỉnh Xiêng Khoảng. Đây là lần thứ 2, ông Quân và người chú ruột cùng người em họ có mặt tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào với mong mỏi có thể tìm được thông tin về phần mộ của bố mình.
"Mẹ tôi năm nay 87 tuổi, mắt mờ, chân chậm, sức khỏe kém lắm rồi. Trước khi chúng tôi vào đây, bà cứ nắm mãi tay tôi, bảo cố gắng tìm và đưa bố về. Chúng tôi nhờ Ban quản lý nghĩa trang tra cứu thông tin nhưng họ bảo chưa có thông tin của bố tôi trong danh sách liệt sỹ được quy tập về đây. Không biết bố tôi đã trở về đây, trong những ngôi mộ chưa biết tên kia hay còn nằm lại đâu đó trên đất Lào?", người con trai liệt sỹ nén tiếng thở dài.
Trong nghĩa trang có đặt một tấm bia đá, khắc bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh" của nhà báo Văn Hiền (Nghệ An). Bài thơ là tiếng lòng đau đáu sớm tìm và trả lại tên cho các liệt sỹ của thế hệ sống trong nền hòa bình, độc lập được đánh đổi bằng máu xương của bao lớp người đã ngã xuống...
Trong nghĩa trang có ngôi mộ đặc biệt khi được gắn tên của hai liệt sỹ. Liệt sỹ Lê Văn Tư (quê huyện Anh Sơn, Nghệ An) và liệt sỹ Trần Đình Hiền (quê Nghi Lộc, Nghệ An) sinh cùng năm, nhập ngũ cùng thời điểm, hi sinh cùng một ngày và được an táng cùng phần mộ.
Khi được tìm thấy và quy tập về đây, do không thể xác định được hài cốt của từng người nên ngành chức năng quyết định an táng hai liệt sỹ chung một phần mộ.
Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào trong những ngày tháng 7 tri ân....
Hàng năm, Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào đón hàng triệu lượt người dân và thân nhân các liệt sỹ khắp các tỉnh thành trong cả nước về thăm, thắp hương, tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ.