Nông dân thu trăm triệu đồng mỗi năm từ loài vật "gai góc"

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Từ 4 con giống ban đầu, sau hơn 10 năm, ông Ái ở Nghệ An đã gây dựng đàn nhím hơn 300 con, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, mô hình nuôi nhím độc đáo của ông Nguyễn Tiến Ái không chỉ gây tò mò mà còn trở thành một điểm sáng kinh tế, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Từ một loài động vật hoang dã từng xa lạ với nhiều nông dân xứ Nghệ, đàn nhím lông tua tủa nay đã trở thành "con cưng", giúp gia đình ông Ái vươn lên khấm khá.

Nông dân thu trăm triệu đồng mỗi năm từ loài vật gai góc - 1

Ông Nguyễn Tiến Ái (đứng giữa) giới thiệu quy trình kỹ thuật nuôi nhím (Ảnh: Văn Lý).

Cơ duyên với nghề nuôi nhím của ông Ái bắt đầu từ năm 2011. Sau khi đọc một bài báo về mô hình nuôi nhím hiệu quả ở miền Bắc, nhận thấy tiềm năng chưa ai khai thác tại quê nhà, ông Ái đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua 2 cặp nhím giống về nuôi thử.

"Kể ra lúc đó nhiều người tưởng tui liều, mà liều thiệt", ông Ái nhớ lại. Tuy nhiên, "canh bạc" tưởng chừng liều lĩnh năm nào lại mở ra một hướng đi bền vững, mang lại thành công ngoài mong đợi.

Theo ông Ái, nhím là loài vật dễ nuôi, ít bệnh tật, ăn tạp và chi phí chăm sóc rất thấp, chưa tới 1.000 đồng/con/ngày. Nhờ sự cần mẫn và kỹ thuật chăm sóc tốt, sau hơn một thập kỷ, trang trại của ông Ái đã phát triển lên hơn 300 con nhím, với hàng chục cặp sinh sản ổn định.

Mỗi năm, ông xuất bán hơn 1 tấn nhím thịt và nhiều cặp giống, mang về doanh thu hơn 400 triệu đồng.

Nông dân thu trăm triệu đồng mỗi năm từ loài vật gai góc - 2

Đàn nhím hơn 300 con là thành quả sau hơn 10 năm cần mẫn chăm sóc và nuôi thử nghiệm của ông Ái (Ảnh: Nguyễn Phê).

Bí quyết thành công của ông Ái không chỉ nằm ở sự kiên trì mà còn ở kỹ thuật chăn nuôi độc đáo. "Tôi thường cho nhím đực vào lồng sắt rồi đặt vào chuồng con cái. Nếu nhím cái không cắn, coi như hợp nhau", ông chia sẻ về phương pháp ghép đôi đặc biệt.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và chế độ ăn uống hợp lý cũng được ông đặc biệt chú trọng. "Mình ăn sạch thì nhím cũng phải ăn sạch, có thế mới khỏe mạnh mà không bị bệnh", ông Ái nhấn mạnh.

Hiện tại, nhím từ trang trại của ông Ái được tiêu thụ rộng rãi tại Nghệ An, Hà Nội và TPHCM, với mức giá ổn định 300.000-350.000 đồng/kg.

Trong tương lai, ông Ái dự định mở rộng thêm 300m2 chuồng trại và tận dụng khu vườn để trồng mít, loại trái cây yêu thích của nhím. "Phân nhím tốt cho cây, cây nuôi lại nhím, lời đôi đường", ông Ái chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn mà ông đang hướng tới.

Nông dân thu trăm triệu đồng mỗi năm từ loài vật gai góc - 3

Mỗi năm, đàn nhím ông Ái xuất bán hơn 1 tấn thịt và nhiều cặp giống, mang lại doanh thu hơn 400 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Phê).

Đánh giá về mô hình này, ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Chương, nhận định: "Ông Nguyễn Tiến Ái là nông dân điển hình trong đổi mới tư duy sản xuất. Mô hình nuôi nhím của ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa cảm hứng cho người dân trong vùng".

Không chỉ là một nông dân làm kinh tế giỏi, ông Ái còn được bà con tín nhiệm, giữ chức khối trưởng dân cư suốt 10 năm liền.

Ông Phan Văn Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương, cũng xác nhận: "Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số hộ dân nuôi các loài động vật như dúi, nhím… và đều được cơ quan chuyên môn hướng dẫn đăng ký nuôi nhốt theo đúng quy định của pháp luật. Hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Ái có hồ sơ đầy đủ, được cấp mã vạch quản lý theo quy định".