Hành vi xâm hại trẻ em ngày càng đáng sợ, cần can thiệp từ đâu?
(Dân trí) - Khi thăm khám bệnh nhân, nếu phát hiện phụ nữ, trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại, bác sĩ sẽ chuyển cho bộ phận công tác xã hội tìm hiểu, can thiệp để bảo vệ các đối tượng.
Mẹ bán trinh con gái, cậu ruột xâm hại cháu
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân quận Phú Nhuận, TPHCM ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Quốc Dũng (55 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) về tội Mua dâm người dưới 18 tuổi, bị can Nguyễn Thị Kiều Nhanh (47 tuổi, quê Hậu Giang) bị truy tố về tội Môi giới mại dâm.
Đây là vụ án gây xôn xao dư luận vì mức độ nhẫn tâm của người mẹ bị hại. Theo đó, Kiều Nhanh đã chủ động đề xuất bán trinh con gái mình (bé U., SN 2009) cho Quốc Dũng khi cô bé mới 14 tuổi.
Tại một hội thảo về thực trạng bạo lực, xâm hại trẻ em diễn ra ở TPHCM vào tháng 5, bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng cơ quan thường trực phía Nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, phải dùng từ "ghê tởm" để đánh giá về đoạn clip ghi lại hành động xâm hại trẻ em lan truyền trên mạng xã hội mới đây. Nội dung clip quay cảnh trong phòng tắm, một người phụ nữ hướng dẫn 2 đứa trẻ còn rất nhỏ làm "chuyện người lớn".
Cũng tại hội thảo, Trung tá Phạm Thành Trung, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, chia sẻ về một vụ án mà công an cũng bất ngờ khi biết rõ tình tiết vụ việc.
"Nạn nhân là bé trai, nghi phạm là cậu ruột của cháu. Nghi phạm được mẹ cậu bé nhờ dạy kèm cho cháu, lợi dụng việc cháu mê chơi game rồi dẫn dụ cháu quay clip khỏa thân, sau đó dùng clip khỏa thân này khống chế, ép buộc và xâm hại cháu bé", Trung tá Phạm Thành Trung cho biết.
Theo Trung tá Phạm Thành Trung, sau đại dịch Covid-19, những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục có dấu hiệu phức tạp, có xu hướng tăng về số vụ lẫn tính chất khiến dư luận bức xúc.
Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố ghi nhận 186 vụ việc xảy ra liên quan đến trẻ em, 196 nạn nhân bị xâm hại (57 nam, 139 nữ). Trong đó, nhóm hành vi liên quan đến xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (155 vụ, chiếm tỷ lệ 83,33%).
Trẻ bị xâm hại sống trong những gia đình không phải là mái ấm
TPHCM là địa phương có đến gần 2 triệu trẻ em, trong đó có tỷ lệ lớn là trẻ em di cư theo cha mẹ từ các tỉnh thành khác đến thành phố làm ăn, sinh sống. Do đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố luôn xác định việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành.
Sau thời gian nghiên cứu, ngày 24/3/2023, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã công bố triển khai "Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em" với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, tổ chức PE&D tại Việt Nam, công ty TNHH Tư vấn Snowball và các đơn vị liên quan.
"Đầu vào" của mô hình được đặt tại bệnh viện Hùng Vương. Khi bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây, bác sĩ phát hiện các dấu hiệu của bạo lực, xâm hại sẽ báo cho phòng Công tác xã hội của bệnh viện. Sau đó, phòng Công tác xã hội sẽ triển khai quy trình tư vấn, hỗ trợ nạn nhân chấm dứt bạo lực, xâm hại.
Những nạn nhân có nhu cầu tạm lánh, tránh xa thủ phạm sẽ được cán bộ chương trình chuyển về Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM chăm sóc.
Sau một năm triển khai mô hình này, chương trình đã tiếp nhận, hỗ trợ 51 ca là nạn nhân của bạo lực, cưỡng bức, xâm hại tình dục. Trong đó, 48/51 ca có nạn nhân là trẻ vị thành niên, đặc biệt, 14 ca là trẻ gái 14 tuổi, 16 ca nạn nhân mới 15 tuổi, nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TPHCM, hầu hết trẻ em bị xâm hại sống trong gia đình không phải là mái ấm, gia đình có cha mẹ ly hôn, trẻ ở với ông bà, sống cùng gia đình riêng của cha hoặc mẹ... Thậm chí, thủ phạm xâm hại trẻ phần lớn là người thân của nạn nhân. Do đó, việc thiết kế nơi tạm lánh cho nạn nhân rất quan trọng.
Mô hình một cửa đáp ứng được điều quan trọng trên, khi đầu vào là bệnh viện phát hiện ca, tư vấn và hỗ trợ y tế, sau đó bố trí tạm lánh tại Trung tâm Công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM nếu nạn nhân có nhu cầu.
Bi kịch của những đứa trẻ có nhà mà không thể về
Bà Trần Thị Kim Thanh cho biết, hậu quả trực tiếp dành cho nạn nhân bị xâm hại, cưỡng bức sẽ càng nặng nề hơn nếu như vô tình các cháu có con, là hệ quả của hành vi xâm hại.
Khi xem thống kê số tuổi của các bé gái bị xâm hại, cưỡng bức được mô hình một cửa hỗ trợ, bà Trần Thị Kim Thanh thốt lên: "Tôi đau lòng lắm! Cứ tưởng tượng đứa trẻ mới 13-14 tuổi, đang tuổi ăn tuổi chơi đã phải sinh con, làm mẹ. Trẻ em sinh trẻ em thì sau này chăm sóc, nuôi dưỡng nhau ra sao?".
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, việc ngăn chặn hành vi xâm hại, cưỡng bức trẻ em để không còn chuyện "trẻ em sinh ra trẻ em" cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành và sự chung tay của toàn xã hội.
Tuy nhiên, khi tình hình xâm hại trẻ em vẫn còn diễn ra phức tạp, bà Trần Thị Kim Thanh hy vọng mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại sẽ được nhân rộng ra toàn thành phố, thậm chí là cả nước chứ không chỉ đầu vào là bệnh viện Hùng Vương như hiện nay.
Ít nhất, khi mô hình này nhân rộng, các trường hợp xâm hại sẽ được phát hiện kịp thời hơn, nạn nhân sẽ được hỗ trợ sớm hơn, hậu quả sẽ được hạn chế bớt. Nếu chẳng may nạn nhân còn nhỏ tuổi đã phải sinh con thì cơ quan chức năng cũng kịp thời giúp đỡ các cháu vượt qua khó khăn trong thời gian đầy sóng gió ấy.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM), qua 20 năm hoạt động hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, bà nhận thấy khó khăn lớn nhất của nạn nhân bị xâm hại là có nhà mà không thể về vì thủ phạm hầu hết là người thân trong gia đình. Do đó, bà đánh giá cao mô hình này khi hoàn thiện quy trình từ phát hiện, tư vấn, hỗ trợ cho đến chăm sóc tại nơi tạm lánh.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đánh giá mô hình một cửa rất quan trọng trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em yếu thế. Nhờ có mô hình này mà trong 1 năm đã có 51 ca được phát hiện tại bệnh viện Hùng Vương. Do đó, nếu mô hình được xây dựng hoàn thiện, nhân rộng ra các bệnh viện khác trên địa bàn thì chúng ta có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.