(Dân trí) - Đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp tìm mọi cách để giữ chân lao động nhưng không được. Công nhân mất việc ngày cuối năm chới với, chưa biết tính đường nào…
Doanh nghiệp "cắn răng" cắt giảm người, công nhân ăn mì gói cầm cự
Đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp tìm mọi cách để giữ chân lao động nhưng không được. Công nhân mất việc ngày cuối năm chới với, chưa biết tính đường nào…
Công nhân mất việc ngày 2 bữa mì gói cầm cự
Ngày 1/12, anh Trần Văn Nam (38 tuổi ở quận Bình Tân) chính thức bị công ty TNHH Tỷ Hùng chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng. Nam "đứng hình", không dám tin là sự thật. Phần vì vợ mới sinh, phần lại cận Tết, hai từ "thất nghiệp" ám ảnh giấc ngủ của anh suốt cả tháng nay.
"Vợ tôi mới sinh đứa thứ 2 được 3 tháng. Mình có thể nhịn nhưng con thì không. Tiền tã, tiền sữa, tiền gửi về quê nuôi đứa lớn, rồi tiền trọ... đều không thể dừng. Gần Tết rồi mà bị mất việc, tôi chới với lắm", Nam chia sẻ.
Có kinh nghiệm làm ở bộ phận ráp đế giày 8 năm, lương cơ bản của Nam thời điểm nghỉ việc được hơn 7 triệu đồng/tháng. Vợ anh cũng là công nhân với mức lương tương tự, cuộc sống tuy không khá giả nhưng đủ lo cho hai con.
Hiện tại, dù đã nhận được 2 tháng lương tiền hỗ trợ thôi việc của công ty nhưng mỗi ngày Nam chỉ dám ăn một bữa cơm tối, còn bữa sáng và trưa thì ăn mì gói.
"Khi nào đi làm lại được thì mình mới nấu cơm ăn. Giờ cứ phải tiết kiệm tối đa vì không biết tương lai thế nào", nam công nhân mất việc rầu rĩ.
Mấy hôm nay, Nam ngồi bó gối trong căn trọ, liên tục gọi điện hỏi nhờ bạn bè giới thiệu việc làm nhưng chưa có. Anh thở dài: "Hơn 20 năm ở Sài Gòn, đây là thời điểm khó khăn nhất của tôi!".
Thanh Bảo (24 tuổi, quê Hậu Giang) cũng là 1 trong số gần 1.200 công nhân công ty TNHH Tỷ Hùng bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/12, giống như anh Nam. Bảo thuê căn trọ lớn, giá 3,6 triệu đồng/tháng, sống cùng cha mẹ, anh trai và vợ con.
Nửa năm trước, Bảo dẫn vợ con lên Sài Gòn và được người quen giới thiệu vào làm ở công ty Tỷ Hùng. Đôi vợ chồng trẻ không dám nghĩ chưa kịp thu xếp ổn thỏa cuộc sống, nửa năm sau lại rơi vào cảnh thất nghiệp.
Vợ Bảo là chị Yến Trinh chưa kiếm được việc làm. Mẹ Bảo xưa nay ở nhà lo cơm nước nên không có thu nhập. Anh trai Bảo làm công nhân lắp ráp xe đạp, mấy tháng nay cũng bị công ty cắt giảm giờ làm xuống còn 2-3 ngày/tuần nên thu nhập chẳng đủ ăn. Cha Bảo làm thợ hồ, bữa có bữa không… Thế nên từ ngày mất việc, Bảo lo lắng, rối bời.
"Lúc trước gia đình đi chợ ngày 100.000 đồng thì nay giảm còn một nửa. Mấy hôm nay cứ trứng, cá khô và rau làm tới", Bảo chia sẻ.
Cách phòng trọ của vợ chồng Nam vài bước chân là phòng của chị Thy, quê Đồng Tháp. Năm nay 42 tuổi, chị có thâm niên 22 năm làm việc ở công ty Tỷ Hùng. Gắn bó đã lâu nên nghe tin công ty cho nghỉ việc, chị Thy rất bàng hoàng.
"Tôi không có chồng con nên cũng nhẹ gánh. Nhưng quãng đường phía trước cũng không dễ dàng. Lớn tuổi rồi, công ty nào nhận tôi nữa!" - chị Thy bộc bạch.
Ngay sau hôm nghỉ việc ở Tỷ Hùng, chị Thy tìm đến một cơ sở gần nhà trọ nhận hàng xếp giấy làm dĩa đựng vàng mã về làm thêm. Cứ xếp 100 tờ giấy chị kiếm được 5.000 đồng. Làm chưa quen nên 1 giờ chị mới xếp được 100 tờ.
"Còng lưng làm cả buổi mà không kiếm nổi 20.000 đồng", chị Thy thở dài.
Sau vài tiếng ngồi xếp giấy mỏi mệt, chị Thy đạp xe rong ruổi khắp các con đường ở quận Bình Tân để tìm việc. Gần cả tuần nay, không biết đã gõ cửa bao nhiêu chỗ nhưng chị chỉ toàn nhận được cái lắc đầu.
Doanh nghiệp "cắn răng" cắt giảm lao động
Bảo, anh Nam, chị Thy chỉ là 3 trong số 1.185 công nhân công ty TNHH Tỷ Hùng bị chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 1/12. Công ty Tỷ Hùng cũng chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp gia công da giày đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu đơn hàng, không thể duy trì kế hoạch sản xuất, phải cắt giảm nhân công.
Ông Dương Phong Hòa (Hiệp hội Da giày Việt Nam - Lefaso) cho biết, Lefaso vừa có khảo sát nhanh 30 doanh nghiệp trong ngành thì có đến 30% doanh nghiệp có tình trạng cho công nhân thôi việc, 100% có giảm giờ làm, 20% có thực hiện tạm hoãn hợp đồng, cho một số công nhân nghỉ việc không hưởng lương là 15% doanh nghiệp.
Ở ngành gỗ, ông Huỳnh Thanh Trung - Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa) cho biết, từ khoảng quý II, Bifa đã ghi nhận hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bắt đầu khó khăn, nhiều thị trường trọng điểm giảm đơn hàng, có doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến 60-70%.
Việc giảm doanh thu đơn hàng khiến doanh nghiệp rất khó duy trì đội ngũ công nhân. Từ tháng 7 đến tháng 9, gần như các doanh nghiệp ngành gỗ đều phải giảm giờ làm, giảm biên chế từ 10-70%.
Theo ông Trung, kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Bifa cho thấy chỉ có 30% doanh nghiệp trả lời có thể duy trì kinh doanh trong 3-6 tháng, trên 30% trả lời duy trì tối đa được 3 tháng. Một số doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ là họ không thể duy trì được nữa, phải tạm dừng hoạt động, nhất là những doanh nghiệp nhận gia công F2.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: "Từ tháng 6 tôi đã nghe thông tin doanh nghiệp bắt đầu thiếu đơn hàng. Đến giữa năm 2022 thì ngành sợi bắt đầu chững lại, đặc biệt là sợi cotton, hàng không bán được, đến giờ thì giảm dần đơn hàng sản xuất. Hàng tồn kho thì rất nhiều".
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM) cũng tiến hành khảo sát nhanh tại 37 doanh nghiệp có quy mô từ 1.000-50.000 lao động với tổng số công nhân là 308.000 người. Trong số 37 doanh nghiệp khảo sát thì có đến 40,5% có kế hoạch giảm lao động, 46% dự kiến giữ nguyên, chỉ có 13,5% có kế hoạch tăng lao động.
Theo bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Giới sử dụng lao động VCCI-HCM, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều tiền của để tuyển đủ người làm kịp giao hàng cho đối tác. Nhưng đến nay, không còn đơn hàng, họ buộc lòng phải "cắn răng" cắt giảm lao động.
Bà Hà Thị Diệu Hiền, đại diện Công ty Shyang Hung Cheng (tỉnh Bình Dương) thông tin: "Đơn hàng chúng tôi giảm 50%. Tình hình đơn hàng như vậy chúng tôi không thể sắp xếp công việc cho toàn thể lao động tại nhà máy. Cùng lúc đó, chúng tôi gặp phải khó khăn tài chính, không thể trả lương cho tất cả công nhân trong thời điểm cuối năm như thế này".
Với tình hình như thế, từ tháng 9, tháng 10 đến nay, Công ty Shyang Hung Cheng đã phải thực hiện hàng loạt giải pháp như không sắp xếp làm thêm giờ, rút ngắn thời gian làm việc trong tuần, mỗi tuần người lao động chỉ làm 4 hoặc 5 ngày, tăng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán lên 15 ngày…
Và cuối cùng, doanh nghiệp phải "cắn răng" xem xét không ký tiếp hợp đồng lao động với những công nhân đến thời gian hết hạn hợp đồng và hoãn hợp đồng lao động với một số lượng lớn công nhân (hơn 1.000 người, trong thời gian 2-3 tháng, kể từ tháng 12/2022).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai thở dài: "Năm nay tôi nghĩ sẽ là một cái Tết không vui! Bởi vì xung quanh chúng ta có thể thấy số công nhân bị mất việc khá nhiều".
Vẫy vùng chống đỡ việc giảm đơn hàng, mất việc
Đại diện Hiệp hội Dệt may Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng có nhiều nhưng chủ yếu là khách quan, từ tình hình quốc tế. Từ bất ổn chính trị cho tới chính sách ứng phó Covid-19 tác động đến sức mua, giảm đơn hàng cho các ngành sản xuất, công nhân thiếu việc làm.
Phát biểu tại tọa đàm tình hình lao động ngày 2/12 ở TPHCM, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cũng khẳng định: "Đó là tác động đến từ các yếu tố vĩ mô và thực sự đến thời điểm này các doanh nghiệp cũng không làm được gì để thay đổi tình hình này".
Trước thực tế công nhân mất việc hàng loạt mà khó có biện pháp giải quyết ngay, bà Hà Thị Diệu Hiền, đại diện Công ty Shyang Hung Cheng kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ gấp cho người lao động mất việc.
Bà nói: "Họ mong muốn được hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ để công nhân được mua hàng giá rẻ, được giảm học phí cho con em, được xem xét miễn giảm hóa đơn tiền điện nước… trong lúc gặp khó khăn như thế này".
Anh Hậu là chủ khu trọ trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TPHCM), nơi có rất đông công nhân công ty Tỷ Hùng vừa mất việc. Anh cho biết, ngay sau khi hay tin công nhân bị thôi việc đã liên hệ Thành đoàn TPHCM để xin 40 phần quà gồm gạo, mì… tặng các gia đình thuê trọ. Tuy nhiên, theo Hậu, cách này "chẳng thấm vào đâu".
"Họ mất việc thì phải cần hỗ trợ họ việc làm, đó mới là phương án lâu dài. Hơn 1.000 người ở khu này thất nghiệp thì bà bán rau, ông bán hủ tiếu hay những chủ trọ như tôi đều bị ảnh hưởng", anh Hậu nói.
Các doanh nghiệp đang khó khăn vì thiếu đơn hàng cũng có cùng ý kiến như thế. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Vitas), chỉ có hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất thì công nhân mới có việc làm, đảm bảo được thu nhập.
Các doanh nghiệp cũng làm mọi cách "vẫy vùng" tìm kiếm lối thoát trong bối cảnh thiếu đơn hàng. Ông Dương Phong Hòa - Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) chia sẻ: "Doanh nghiệp đang cố gắng đa dạng hóa thị trường, tận dụng các thị trường vẫn còn đang ổn định như Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc… để có nhiều đơn hàng hơn".
Ông Huỳnh Thanh Trung (Bifa) cũng cho biết, các doanh nghiệp gỗ đang cố gắng chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng gỗ viên nén đang có nhu cầu cao. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi sản xuất phải cần vốn, cần nhiều nguồn lực để duy trì.
Do đó, Bifa đề xuất Chính phủ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến chính sách tài chính để giúp doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc, đào tạo lại để chờ cơ hội mới.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ lãi suất ngân hàng vì hiện lãi suất quá cao, doanh nghiệp làm gia công không có lãi. Hiện người mua đều trả chậm vài tháng trong khi doanh nghiệp phải vay tiền để sản xuất với lãi suất cao thì sao làm nổi?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nói: "Tôi nghĩ cần có chính sách để các doanh nghiệp vay sản xuất chứ như tình hình này thì không thể trụ nổi. Doanh nghiệp có thể sản xuất thì mới có công việc, mới giữ được lao động".
Ông Dương Phong Hòa - Hiệp hội Da giày Việt Nam thì kiến nghị nhà nước hỗ trợ lãi vay với con số cụ thể là: "Nếu vay USD thì lãi suất tối đa 3%, tiền đồng thì tối đa là 8%. Hiện các ngân hàng cho vay đều nói ưu đãi nhất là từ 14-15% thì rất khó để doanh nghiệp vay sản xuất".
Còn với Trần Văn Nam, anh không hiểu gì về kinh tế vĩ mô, anh đang bận gọi điện thoại khắp nơi để tìm việc mới. Đầu tuần, Nam được bạn làm trong công ty giày da ở huyện Bình Chánh cho biết công ty đang cần người. Tuy nhiên, đường từ nhà trọ đến chỗ làm gần 30km, Nam lo tiền xăng còn nhiều hơn tiền công nên từ chối.
Thanh Bảo thì khá hơn, anh vừa được một cửa hàng đồ sành sứ nhận làm bốc vác với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vì vợ chưa có việc làm nên dù tăng ca, Bảo cũng không gánh nổi các chi phí cho gia đình 6 miệng ăn.
"Tiền lương của em không đủ đóng tiền nhà và mua sữa cho con. Nếu tới cuối tháng mà vợ em chưa tìm được việc thì phải để hai mẹ con cùng bà nội về quê, chờ qua Tết rồi tính tiếp", Bảo thở dài cho hay.
Bảo nhìn xa xăm, chỉ mong trở lại như ngày xưa, thời mà chỉ cần lên TPHCM là đâu đâu cũng có việc. Nếu vợ, anh trai và cha Bảo có việc làm thì gia đình anh vẫn sống ổn thỏa...
Tùng Nguyên - Diệp Phan