TPHCM:

Công nhân mất việc cận Tết được đảm bảo quyền lợi gì?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Liên đoàn Lao động TPHCM yêu cầu nắm tình hình quan hệ lao động của các doanh nghiệp giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, nợ bảo hiểm… để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho công nhân.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM Phạm Chí Tâm vừa có công văn yêu cầu công đoàn các cấp khảo sát và nắm chắc tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp giảm đơn hàng, cắt giảm lao động.

Theo LĐLĐ TPHCM, thời gian gần đây, tình hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có hiện tượng giảm lượng đơn hàng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, một số doanh nghiệp đã thực hiện thu hẹp, ngừng sản xuất, cắt giảm lao động ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động dịp cuối năm, LĐLĐ TPHCM yêu cầu công đoàn các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch giám sát, nắm chắc tình hình sản xuất, phương án trả lương, trả thưởng Tết tại tất cả các doanh nghiệp.

Công nhân mất việc cận Tết được đảm bảo quyền lợi gì? - 1

Bị mất việc vào thời điểm cuối năm, nhiều công nhân công ty TNHH Tỷ Hùng rơi vào cảnh khó khăn (Ảnh minh họa: L.T.).

Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM yêu cầu các địa phương chú ý đến các doanh nghiệp có từ 50 công nhân lao động trở lên, các doanh nghiệp có nguy cơ ngừng việc, nghỉ việc, các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), kịp thời báo cáo và tham mưu các biện pháp hỗ trợ, xử lý phù hợp.

Đồng thời, LĐLĐ TPHCM phối hợp với BHXH TPHCM và BHXH các quận, huyện, TP Thủ Đức để rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó, sẽ lập danh sách đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời xử lý. Với các trường hợp này, khi doanh nghiệp cắt giảm lao động thì công nhân sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi BHXH và trợ cấp thất nghiệp.

Đặc biệt, ông Phạm Chí Tâm yêu cầu công đoàn các cấp phải rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không còn khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ kịp thời cho công nhân.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM, khi doanh nghiệp vi phạm chính sách lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động thì cơ quan công đoàn sẽ can thiệp để bảo vệ người lao động.

Khi người lao động bị mất việc, công đoàn có trách nhiệm đàm phán với chủ sử dụng lao động để đảm bảo các quyền lợi cho người lao động theo quy định pháp luật như trả lương đầy đủ, trợ cấp thôi việc, thưởng tết, trợ cấp thất nghiệp…

Ngoài ra, LĐLĐ TPHCM cũng tiến hành nhiều biện pháp để kết nối, thông tin danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến người lao động bị mất việc hoặc đang có nhu cầu tìm việc, hỗ trợ giới thiệu, tìm kiếm việc làm cho họ.

Hiện công đoàn các cấp đang lập kênh trao đổi thông tin giữa các Chủ tịch công đoàn cơ sở qua mạng Zalo để kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình lao động các nơi, kịp thời kết nối giữa nơi cắt giảm và nơi cần tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc nhanh nhất.

Kênh thông tin này cũng là nơi chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho những lao động gặp khó khăn do mất việc làm hoặc giảm thu nhập do giảm giờ làm.

Theo ông Trần Đoàn Trung, trường hợp công nhân gặp khó khăn thì trách nhiệm đầu tiên là công đoàn cơ sở sẽ xác minh, có kế hoạch hỗ trợ người lao động. Những trường hợp khó khăn hơn, vượt khả năng thì cơ sở báo cáo và đề nghị công đoàn cấp trên hỗ trợ.

LĐLĐ TPHCM cũng đã có kế hoạch chi tiết về việc chăm lo cho khoảng 23.500 công nhân, lao động khó khăn trong dịp Tết 2023 với nhiều chương trình như: tặng quà, tiền, vé xe về quê. Trọng tâm là các chương trình Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên, Tết sum vầy - Xuân tri ân; Tấm vé nghĩa tình; họp mặt tặng quà đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn…

Trong đó, riêng chương trình Tết sum vầy - Xuân tri ân sẽ tặng quà cho 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết. Mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố có hơn 128.000 người mất việc, đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ.

Đầu tháng 11, công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân vì hết đơn hàng sản xuất; công ty TNHH Việt Nam Samho thông báo dự kiến cắt giảm 1.400 công nhân với lý do tương tự.

Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho biết có gần 6.000 công nhân của 51 doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bị ảnh hưởng do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng…