Trồng cây lợi ích kép, lão nông bỏ túi nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Với việc trồng tre lấy măng, bán cây giống, ông Cao Thái Thắng bỏ túi 400-500 triệu đồng/năm. Bên cạnh lợi ích kinh tế, 5ha tre của lão nông còn giúp ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông Lam.
Năm 1990, ông Cao Thái Thắng (SN 1957), trú tại thôn Trường Lĩnh, xã Đại Đồng, tỉnh Nghệ An nhận thầu khoán, trông coi, bảo vệ và khai khẩn 10ha đất bãi dọc sông Lam, đoạn qua xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương cũ.
Tuy nhiên, việc trồng rau, màu trên bãi bồi không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng, chưa kể thường xuyên bị thiệt hại do mưa lũ, nước sông Lam dâng cao.
Năm 2020, nhờ một người bạn giới thiệu, ông Thắng thử nghiệm trồng măng ngọt tại vùng bãi bồi sông Lam. Thấy loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển tốt, ông quyết định mở rộng diện tích. Đến nay, ông Thắng có gần 1.000 bụi măng ngọt trên diện tích hơn 5ha đất bãi bồi nhận khoán.
Trồng cây lợi ích kép, lão nông thu nửa tỷ đồng mỗi năm (Video: Hoàng Lam).
"Cây tre ít sâu bệnh, dễ trồng, không tốn công chăm sóc. Hàng năm, khu vực này đón 2-3 đợt lũ, lượng phù sa được bồi đắp qua các đợt lũ, cung cấp dưỡng chất cho cây nên gần như tôi không tốn kinh phí đầu tư phân bón", ông Thắng chia sẻ.
Mặc dù không tốn kinh phí chăm sóc nhưng để tre phát triển tốt và giữ được đất bãi, hàng năm ông Thắng dành không ít thời gian để vun gốc. Với những bụi măng mới trồng, việc vun gốc được thực hiện bằng tay. Tuy nhiên, những bụi măng từ 3 năm tuổi trở lên, đường kính rộng, cần đắp đất cao, ông Thắng phải sử dụng máy múc để lấy đất đắp lên.

Ông Thắng đang sở hữu gần 1.000 bụi tre cho thu hoạch măng (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo ông Thắng, sau 2 năm trồng, tre bắt đầu cho thu hoạch măng, năng suất 30-50kg/bụi. Từ năm thứ 3 trở lên, tre phát triển thành bụi lớn, năng suất tăng cao, có thể đạt 1,5 tạ/năm.
Mùa thu hoạch măng bắt đầu từ tháng 4 âm lịch hằng năm, kéo dài đến tháng 9. Trung bình mỗi ngày, ông Thắng cung cấp cho thị trường 1-1,5 tạ măng ngọt. Tuy thời điểm và biến động của thị trường, giá thu mua măng tại vườn dao động 13.000-20.000 đồng/kg.
Cùng với bán măng, ông Thắng chọn mắt có bộ rễ khỏe, ươm thành cây để bán ra thị trường. Trung bình mỗi năm, ông Thắng bán hơn 3.000 cây giống, giá 30.000 đồng/cây.

Măng được nuôi dưỡng từ phù sa qua các đợt lũ nên to, khỏe (Ảnh: Hoàng Lam).
Sau vụ thu hoạch măng, ông Thắng tỉa bớt tre, chỉ trừ 3-4 gốc và vài mầm măng để gây giống mùa sau. Việc tỉa cây bán cho các cơ sở kinh doanh giàn giáo xây dựng mang lại cho ông khoản thu nhập đáng kể.
Trung bình mỗi năm gia đình ông Thắng thu 400-500 triệu đồng từ bán măng, cây giống và tre.
Theo ông Tưởng Đăng Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, mô hình trồng tre lấy măng tại bãi bồi ven sông Lam của gia đình ông Cao Thái Thắng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn thể hiện tư duy phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trung bình mỗi năm, ông Thắng thu 400-500 triệu đồng từ bán măng củ, mắt giống và thân tre (Ảnh: Hoàng Lam).
"So với các loại cây trồng khác, cây tre có sức sống bền bỉ, ít sâu bệnh, không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, chi phí chăm sóc thấp nhưng cho thu hoạch măng ổn định, giá trị thương phẩm cao. Đặc biệt, việc trồng tre dọc bãi bồi còn góp phần quan trọng trong việc giữ đất, chống xói mòn, hạn chế sạt lở bờ sông, bảo vệ đê điều và hạ tầng sản xuất nông nghiệp của người dân.
Đây là mô hình tiêu biểu cần được nhân rộng, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng đất bãi ven sông, vừa đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, bền vững tại địa phương", ông Tưởng Đăng Hào nói.