Dấu ấn quan trọng ghi tên ngành LĐ-TB&XH trong năm 2024
(Dân trí) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được thông qua; lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp người có công tăng cao… là những sự kiện ghi dấu ấn của Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2024.
Đổi mới chính sách xã hội, mở rộng lưới an sinh
Theo Chương trình công tác năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao 33 đề án, đến nay đều đã hoàn thành. Trong đó, 2 nhiệm vụ quan trọng có tầm ảnh hưởng sâu rộng mang đậm dấu ấn của ngành là việc sửa luật BHXH và xây dựng Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 42 đã tham mưu để Trung ương ban hành, định hướng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
Đây là chủ trương quan trọng định hình chính sách xã hội từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều vấn đề lớn, nền tảng, tạo đột phá cho chính sách an sinh xã hội. Chương trình hành động theo Nghị quyết 68 tiến tới hiện thực hóa các định hướng đổi mới chính sách xã hội này.
Từ đó, liên tiếp những chính sách đột phá về an sinh, xã hội, lao động, việc làm được thực hiện trong năm 2024, như tăng lương hưu, tăng trợ cấp ưu đãi người có công... Những chính sách trên đã tác động tích cực đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân.
Song song với đó, ngành LĐ-TB&XH không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan lĩnh vực an sinh xã hội. Trong đó, Luật BHXH 2024 là một dấu ấn lớn không thể không nhắc đến.
Luật BHXH là một luật lớn và phức tạp, tác động đến hàng chục triệu người lao động làm công ăn lương nên dư luận rất quan tâm.
Những vấn đề mấu chốt được giải quyết là: Mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia; sửa đổi căn bản các vướng mắc khi thực hiện Luật BHXH năm 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH...
Trong đó, những vấn đề khó như phương án rút BHXH một lần, giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu... đã thuyết phục được dư luận.
Sau hàng trăm hội nghị lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện dự luật để trình Quốc hội. Luật BHXH 2024 được thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao (93,42%).
Tăng lương hưu, trợ cấp cao nhất từ trước tới nay
Chỉ hơn 1 tháng triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành một loạt Nghị định thực hiện các chính sách nâng cao trợ cấp đối với các đối tượng an sinh xã hội.
Cụ thể, Nghị định số 75/2024/NĐ-CP quyết định điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng thêm 15%. Nghị định số 76/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội thêm 38,9%, từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng. Việc tăng mức chuẩn này kéo theo chế độ dành cho người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật... đều tăng cao.
Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh trong 20 năm qua, giúp người có công với cách mạng và thân nhân của họ được hưởng trợ cấp ưu đãi nhiều hơn, cải thiện đời sống tốt hơn.
Gần 6.000 tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực được chuẩn bị, thực hiện trong thời gian gấp rút, chỉ vỏn vẹn 5 ngày trước lễ phát động. Đây là hoạt động nhằm thực hiện chính sách nâng cao phúc lợi xã hội và đảm bảo tiếp cận dịch vụ xã hội theo định hướng của Nghị quyết số 42.
Tinh thần được gửi gắm trong chiến dịch thần tốc, đầy quyết tâm này là lo "an cư" để người dân "lạc nghiệp", là đảm bảo quyền an sinh cơ bản với mỗi người dân, mỗi gia đình. Chương trình đã huy động được số kinh phí kỷ lục, gần 6.000 tỷ đồng.
Với kết quả trên, chương trình đã về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu đề ra. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ, thể hiện sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của toàn xã hội đối với chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước.
Kỷ lục mới với thị trường lao động
Năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung triển khai các chương trình phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Kết quả, các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2024 đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%, trong đó 28,1% lao động có bằng cấp và chứng chỉ. Chỉ tiêu rất khó, thường "lỗi hẹn" những năm qua là mức tăng năng suất lao động cũng lần đầu đạt được trong năm 2024.
Một kỷ lục khác được thiết lập là trong năm 2024, cả nước đã đưa hơn 155.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt xa mục tiêu đề ra (125.000 lao động).
Trong năm, Bộ LĐ-TB&XH còn chủ trì xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các thể chế điều chỉnh thị trường lao động, định hướng thị trường phát triển tích cực.
Tạo dấu ấn với thế giới về chính sách an sinh xã hội
Các chính sách xã hội triển khai đúng, đủ và kịp thời đã tạo nên những chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội. Những thay đổi trên không chỉ thể hiện qua các con số báo cáo của ngành LĐ-TB&XH mà thực tế đã được công nhận trên trường quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham gia sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo. Các nước tham gia liên minh đều ấn tượng với thành công của Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo. Việt Nam được vinh danh là một điển hình về giảm nghèo bền vững và đa chiều.
Tại cuộc họp của nhóm G7, Việt Nam là đại diện duy nhất từ châu Á được mời báo cáo về cách chăm sóc và hỗ trợ cho các nhóm yếu thế trong xã hội.
Đánh giá toàn diện nhất là Việt Nam thăng 11 bậc trên bảng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc quốc gia của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đứng thứ 54 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Xếp hạng này đã cải thiện tích cực so với vị trí 65 của năm 2023. Xét riêng ở khu vực châu Á, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đứng vị trí thứ 6.
Việc cải thiện tích cực về chỉ số hạnh phúc cho thấy những nỗ lực hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam theo định hướng phát triển vì con người, để người dân trở thành trung tâm, là đối tượng thụ hưởng thành quả của phát triển.