DNews

Con gái liệt sỹ: "Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình"

Hoàng Lam

(Dân trí) - "Bức ảnh rất đẹp, rất giống với cha trong tưởng tượng và cả trong giấc mơ của tôi. Nhìn vào bức ảnh, giống như cha đang nhìn tôi...", bà Hoài bật khóc.

Con gái liệt sỹ: "Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình"

Trao 150 bức ảnh phục dựng liệt sỹ tới thân nhân (Video: Hoàng Lam).

Cuộc "đoàn tụ" qua bức ảnh liệt sỹ

Bà Nguyễn Thị Hoài (SN 1966, trú thị trấn Yên Thành, Nghệ An) có mặt tại địa điểm trao ảnh tri ân liệt sỹ từ rất sớm. Mặc dù đã được gửi ảnh phục dựng của cha - liệt sỹ Nguyễn Hùng Vỹ (SN 1943, quê tỉnh Hà Tĩnh) - từ trước đó qua điện thoại, nhưng giây phút chờ đón được cầm bức ảnh trên tay vẫn khiến bà hồi hộp và xúc động.

Khi lá quốc kỳ gói tấm ảnh được mở ra, người phụ nữ gần 60 tuổi òa khóc như một đứa trẻ. Trong bức ảnh, người cha thân yêu chưa một lần gặp mặt đang trìu mến nhìn bà. Bà ôm lấy tấm ảnh, áp chặt vào ngực, nước mắt ướt nhòe khuôn mặt.

Con gái liệt sỹ: Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình - 1

Nhóm Team Lee trao 150 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ tới người thân tại 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (Ảnh: Hoàng Lam).

"Cha ra chiến trường khi tôi mới 2 tháng tuổi. Mọi người kể lại, lúc đó, anh trai của cha đang chiến đấu ngoài mặt trận, nhưng ông vẫn viết đơn bằng máu để được nhập ngũ. Cha nói "không có hạnh phúc khi đất nước chưa có hòa bình"", bà Hoài nghẹn ngào.

2 năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Nguyễn Hùng Vỹ. Mẹ đi bước nữa, cô bé Hoài sống với ông bà nội trong nghèo khó và buồn tủi. Niềm an ủi lớn nhất đối với người con gái độc nhất của liệt sỹ Nguyễn Hùng Vỹ là sự bao bọc của ông bà nội, sự chăm lo của Đảng và Nhà nước.

Suốt bao năm qua, hình dung của bà Hoài về người cha thân yêu chỉ qua tấm ảnh 3x4cm đã nhòe hết đường nét. Tấm ảnh thờ của liệt sỹ Nguyễn Hùng Vỹ cũng chỉ là bức ảnh truyền thần, được khắc trên đá. Bởi vậy, qua giới thiệu của người quen, bà Hoài liên lạc với nhóm Team Lee đề đạt nguyện vọng có một bức ảnh chân dung của cha.

Con gái liệt sỹ: Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình - 2

Bà Nguyễn Thị Hoài nghẹn ngào chia sẻ về người cha liệt sỹ Nguyễn Hùng Vỹ (Ảnh: Hoàng Lam).

"Mọi người kể lại cha tôi đẹp trai lắm, tôi rất giống cha", bà Hoài kể.

Từ tấm ảnh truyền thần trên đá và thông tin bà Hoài cung cấp, cùng sự hỗ trợ về thông tin từ gia đình, các thành viên nhóm Team Lee đã phục dựng thành công bức ảnh chân dung liệt sỹ Nguyễn Hùng Vỹ.

"Bức ảnh rất đẹp, rất giống với cha trong tưởng tượng và cả trong giấc mơ của tôi. Nhìn vào bức ảnh, giống như cha tôi đang nhìn tôi...", bà Hoài bật khóc.

Con gái liệt sỹ: Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình - 3

Bà Trần Thị Thơ ôm chặt trong tay tấm ảnh về người chồng liệt sỹ (Ảnh: Hoàng Lam).

Chia sẻ của người con gái độc nhất của liệt sỹ Nguyễn Hùng Vỹ khiến hàng trăm người có mặt rơi nước mắt.

150 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ được trao tại chương trình là 150 câu chuyện đầy xúc động. 150 người lính không trở về, để lại nỗi nhớ thương khôn nguôi với những người cha, người mẹ, người vợ, con của họ.

Những bức ảnh, dẫu là phục dựng, nhưng sống động và chân thực, đã trở thành niềm an ủi, động viên rất lớn đối với thân nhân của các liệt sỹ.

Bà Trần Thị Thơ (quê xã Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An) mân mê bàn tay nhăn nheo, chai sạn của mình trên tấm ảnh người chồng - liệt sỹ Nguyễn Đạo Phi (SN 1938).

Người phụ nữ 80 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, khuôn mặt hằn dấu vết của thời gian, của sự lam lũ, áp trán mình lên bức ảnh, như thể tìm chút hơi ấm của chồng.

"Chúng tôi lấy nhau khi mới mười mấy tuổi rồi đẻ liền mấy đứa con. Năm 1962, ông ấy nhập ngũ, năm 1964 thì hy sinh", bà Thơ kể.

Người vợ ấy đã nén nỗi đau vào trong, gồng mình thay chồng nuôi các con khôn lớn. Chiến tranh đã lùi xa, con cái đã trưởng thành, nhưng nỗi buồn thương vẫn theo bà đằng đẵng hơn nửa thế kỷ...

Con gái liệt sỹ: Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình - 4

Người vợ liệt sỹ Nguyễn Đạo Phi áp trán lên tấm ảnh phục dựng chân dung của chồng (Ảnh: Hoàng Lam).

Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Đạo Phi đã được quy tập về quê hương, gần với vợ con. Mỗi lần ngước nhìn lên di ảnh của chồng, chỉ còn là những đường nét mờ mịt, bà ước ao có một bức ảnh thật đẹp, thật rõ, để đặt lên bàn thờ. Hôm nay, ước nguyện ấy đã trở thành sự thật.

"Ảnh giống ông ấy quá. Ông ấy cứ trẻ mãi như thế", bà cười mà đôi mắt như đầy nước...

Tiếp nối hành trình tri ân

150 năm bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh được trao tới tay thân nhân trước thềm Tết cổ truyền của dân tộc, là tâm huyết của các thành viên nhóm Team Lee.

Họ là những chàng trai còn rất trẻ, sinh sống và làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nhưng có chung lý tưởng tri ân những anh hùng, liệt sỹ ngã xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Bằng khả năng đồ họa, nhiều năm qua, các thành viên của nhóm đã phục dựng hàng nghìn bức ảnh chân dung liệt sỹ, trao tặng đến thân nhân, như một lời tri ân thiết thực nhất.

"Vào dịp Tết đến, Xuân về, nhà nhà, người người đều mong muốn được đoàn tụ với những người thân yêu. Chúng tôi, với tấm lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ sinh ra, lớn lên trong hòa bình -  nền hòa bình được đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước - mong muốn làm điều gì đó, để các liệt sỹ trở về sum họp với gia đình bằng cách đặc biệt này", anh Lê Quyết Thắng, Trưởng nhóm Team Lee, chia sẻ.

Con gái liệt sỹ: Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình - 5
Con gái liệt sỹ: Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình - 6

150 bức ảnh phục dựng chân dung liệt sỹ đã được nhóm Team Lee trao tới tay thân nhân trước thềm Tết cổ truyền của dân tộc (Ảnh: Hoàng Lam).

Để thực hiện chương trình "Tết tri ân" này, các thành viên trong nhóm phải tạm gác công việc riêng, toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ đặc biệt tự mình đặt ra.

Anh Thắng cho biết, với những trường hợp có ảnh gốc, việc phục dựng đơn giản hơn. Tuy nhiên, chiến tranh, bão lũ và thời gian, khiến với nhiều gia đình, một bức ảnh người đã hi sinh cũng khó có thể giữ được nguyên vẹn. Thậm chí có những người lính, khi ngã xuống, chưa chụp một tấm ảnh nào.

Bởi vậy, việc phục dựng bức ảnh "mờ" này hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, kỳ công của từng thành viên phụ trách. Mỗi chi tiết, đường nét trong bức chân dung phải "dựng" từ trí nhớ của người quen, từ những góp ý, điều chỉnh liên tục để đến khi nhận được cái trầm trồ xuýt xoa "giống quá" của chính thân nhân liệt sỹ.

Con gái liệt sỹ: Cha nói không thể hạnh phúc khi đất nước chưa hòa bình - 7

Cuộc "đoàn tụ đặc biệt" giữa bố mẹ già và liệt sỹ trong bức ảnh là món quà Tết đặc biệt Team Lee tri ân những người đã ngã xuống và gia đình của họ (Ảnh: Quyết Thắng).

Có những đêm, kết nối giữa người thực hiện bức ảnh và thân nhân liệt sỹ phải duy trì đến 2-3h chỉ để có một đường nét giống nhất có thể.

Sinh hoạt đảo lộn, thiếu ngủ... là điều mỗi thành viên nhóm Team Lee trải qua trong suốt 2 tháng triển khai chương trình Tết tri ân này. Nhưng chính lòng biết ơn của thế hệ trẻ và niềm vui, nguồn động viên dành tới thân nhân liệt sỹ là động lực to lớn để họ vượt qua mọi trở ngại.

"Từ những hoạt động riêng của nhóm Team Lee, đến nay, chúng tôi đã có thêm nhiều cá nhân, tổ chức đồng hành, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Sự lan tỏa về lòng biết ơn, sự chung tay của người trẻ để góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh là điều khiến mỗi thành viên Team Lee hạnh phúc và kiên định với công việc của mình", anh Thắng chia sẻ.