Những lá đơn đặc biệt tạo nên kỳ tích ở một trong những nơi nghèo nhất nước
(Dân trí) - Gần 2 năm qua, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 100 lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây được xem là kỳ tích trong công cuộc giảm nghèo ở một trong những địa phương nghèo nhất nước.
Anh Tặng Văn Sinh (36 tuổi, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu) là một trong hơn 100 hộ dân tại huyện Mường Lát đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây là một bước đi táo bạo và đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống đói nghèo tại vùng biên giới này.
Trước năm 2010, gia đình anh Sinh với 8 nhân khẩu chỉ sống dựa vào vài hecta sắn, ngô. Từ năm 2013, anh đã học hỏi và áp dụng mô hình trồng cam Lào, kết hợp với chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Vợ anh thì đi làm thuê ở Đắk Lắk.
Nỗ lực từ cả 2 đầu đất nước giúp gia đình có thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
![Những lá đơn đặc biệt tạo nên kỳ tích ở một trong những nơi nghèo nhất nước - 1 Những lá đơn đặc biệt tạo nên kỳ tích ở một trong những nơi nghèo nhất nước - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/-rFLQQgwuM2rM4pExxUX5js3LTw=/thumb_w/1020/2025/02/11/don-thoat-ngheo-thanh-hoa-1-1739262373566.jpg?watermark=true)
Những lá đơn "xin thoát nghèo" tạo nên kỳ tích xóa đói giảm nghèo ở Mường Lát (Ảnh: Hạnh Linh).
Năm 2024, khi đã có nguồn kinh tế ổn định, anh Sinh quyết định viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
"Tôi còn trẻ, khỏe, đi làm có thu nhập mà cứ giữ cái mác "nghèo bền vững" thì hổ thẹn lắm. Tôi phải làm gương cho anh, em, bà con trong bản", anh Sinh chia sẻ.
Không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, phải nỗ lực hơn nhưng anh Sinh tự hào khi có thể nhường phần hỗ trợ đó cho những hộ khó khăn hơn. Anh cũng đã vận động 8 gia đình khác trong bản cùng quyết tâm thoát nghèo.
Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết trước đây, người dân địa phương thường sống phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ từ nhà nước. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền và hướng dẫn từ các cán bộ, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế.
![Những lá đơn đặc biệt tạo nên kỳ tích ở một trong những nơi nghèo nhất nước - 2 Những lá đơn đặc biệt tạo nên kỳ tích ở một trong những nơi nghèo nhất nước - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/IOYeN5eGhSa57lY3sUyHAc7Shcg=/thumb_w/1020/2025/02/11/don-thoat-ngheo-thanh-hoa-2-1739262434297.jpg?watermark=true)
Anh Tặng Văn Sinh (bản Suối Tút) xung phong thoát nghèo khi có nguồn thu ổn định từ vườn cam, trại bò (Ảnh: Hạnh Linh).
Hiện nay, xã Quang Chiểu có 10ha đất trồng cam Lào, hơn 300 người đi làm ăn xa và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống mức 13,66%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm.
Ông Thứ nhấn mạnh, việc tự nguyện xin thoát nghèo không chỉ là một hành động trên giấy mà đã được hiện thực hóa.
"Khi biết làm kinh tế, có nguồn thu nhập, bà con không sợ nghèo, họ tự tin vượt "lằn ranh", viết đơn xin thoát nghèo", ông Thứ nói.
Theo Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Mường Lát, từ năm 2023, hơn 100 lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã được nộp, tập trung ở các xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Đây là một kỳ tích trong cuộc cách mạng xóa nghèo tại vùng biên.
![Những lá đơn đặc biệt tạo nên kỳ tích ở một trong những nơi nghèo nhất nước - 3 Những lá đơn đặc biệt tạo nên kỳ tích ở một trong những nơi nghèo nhất nước - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/tBWTd-dRkoud1G88B48Lp5va3ZE=/thumb_w/1020/2025/02/11/don-thoat-ngheo-thanh-hoa-5-1739262493848.jpg?watermark=true)
Ông Trương Văn Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương Binh - Xã hội huyện Mường Lát, cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm, đến năm 2024 chỉ còn 25,85%. Đầu năm 2025, Mường Lát đã có xã nông thôn mới đầu tiên.
Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "xóa nghèo từ tư duy" để giảm nghèo về kinh tế. "Nhiều hộ dân có kinh tế khá hơn, đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo", ông Xiết nói.
Việc người dân tự nguyện xin thoát nghèo không chỉ giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy, khát vọng vươn lên của họ.
Ông Xiết cho biết, 2024 là năm đầu tiên sau gần 30 năm thành lập huyện, Mường Lát không phải xin tỉnh cấp gạo cứu đói mùa giáp hạt. Để xóa nghèo bền vững, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người lao động.