"Đường về nhà" của những bức ảnh thất lạc trong thảm họa
(Dân trí) - Những bức ảnh thất lạc trong thảm họa ở Mỹ dường như "tìm được đường về nhà" nhờ sự giúp đỡ của những người tâm huyết.
Ký ức mong manh tái sinh từ bùn đất
Sau cơn bão Helene hồi tháng 9 năm ngoái, cô Taylor Schenker (27 tuổi) chứng kiến cảnh tượng thành phố Asheville (Carolina, Mỹ) bị tàn phá nặng nề.
Chưa đầy một tuần sau cơn bão được mệnh danh "cơn bão chết chóc" thứ 2 ở Mỹ trong vòng 50 năm, Schenker đã quyết định làm điều gì đó để khỏa lấp nỗi mất mát này.
![Đường về nhà của những bức ảnh thất lạc trong thảm họa - 1 Đường về nhà của những bức ảnh thất lạc trong thảm họa - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/_a1kNKhZBw4Tr0RuWHnvF_l6N90=/thumb_w/1020/2025/02/12/nhung-buc-anh-that-lac-trong-tham-hoa-edited-1739351358572.jpeg)
Schenker đã tìm thấy hơn 500 bức ảnh và trao trả ít nhất 70 bức cho cư dân Asheville sau cơn bão Helene (Ảnh: AP).
Trong khi giúp một người bạn tìm kiếm đồ đạc bị trôi dạt xuống dòng sông, cô tình cờ thấy một số bức ảnh dính bùn đất, mắc kẹt trên cành cây hay dưới những tảng đá ven sông. Những bức ảnh ghi lại cảnh đoàn tụ gia đình, trẻ sơ sinh, đám cưới, tiệc sinh nhật, thú cưng và ảnh chân dung ở trường...
"Những bức ảnh đã trải qua thảm họa và trôi dạt kỳ diệu vào bờ. Chất lượng ảnh đủ tốt để bạn có thể nhìn thấy chúng", Schenker chia sẻ.
Để thực hiện mong ước, Schenker đã tạo một tài khoản mạng xã hội với từ khóa "ảnh từ cơn bão Helene", nhằm tìm lại chủ nhân của những bức ảnh bị thất lạc. Cô đã lập một hộp thư bưu điện, liên kết với một đội tìm kiếm và cứu hộ tình nguyện.
Cuối cùng, họ đã tìm thấy hơn 500 bức ảnh, cô gọi chúng là "những chiếc kim nhỏ trong đống cỏ khô".
Khi Schenker tìm được bức ảnh đầu tiên, cô đã xúc động rồi bật khóc. Kể từ đó, Schenker đã quyết tâm tìm kiếm và trao trả hơn 70 bức ảnh.
Trong số đó, một xấp ảnh đã được trao tận tay cho bà Mary Moss - người có chiếc xe bị phá hủy bởi một cái cây bật gốc - khi bà và chồng di tản khỏi ngôi nhà ở Asheville, nơi họ đã sống gần 40 năm.
"Lúc đầu, tôi thực sự kinh ngạc khi Schenker đưa cho tôi những bức ảnh đó. Tôi thậm chí không thể nói nên lời. Tôi từng không mong đợi một thứ mỏng manh như bức ảnh có thể được tìm lại", Moss nói.
Nhiều tháng sau, vợ chồng bà đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, tìm được một căn nhà tạm thời - nơi họ dần trang bị đồ đạc bằng khoản tiền quyên góp của nhà thờ.
Nhưng có một số thứ không thể thay thế được, như bức ảnh về đứa con trai Tommy qua đời năm 12 tuổi vì một chứng rối loạn di truyền.
"Khi mất nhà, họ đã mất hầu như mọi bằng chứng về sự tồn tại của đứa trẻ này", Schenker tâm sự.
![Đường về nhà của những bức ảnh thất lạc trong thảm họa - 2 Đường về nhà của những bức ảnh thất lạc trong thảm họa - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/MuPBxUu6OgLPyla8XSymWDP7Z1E=/thumb_w/1020/2025/02/12/nhung-buc-anh-that-lac-trong-tham-hoa-edited-1739351534497.jpeg)
Bức ảnh hai anh em Tommy và Dallas chơi cùng nhau ở nhà trẻ (Ảnh: AP).
Trong những bức ảnh mà Schenker tìm thấy cách nhà Moss gần 5km, Tommy mới 2 tuổi, trông như một thiên thần trong một cuộc thi dịp Giáng sinh. Trong những khoảnh khắc khác, cậu bé mặc bộ đồ dành cho trẻ mới biết đi hay đang chơi ở nhà trẻ cùng với em trai Dallas.
"Đây là điều mà cơn bão không thể cuốn đi", Moss nghẹn ngào nói.
Đằng sau những bức ảnh thất lạc
Cách đó hơn 3.200km, tại chân đồi Altadena của Los Angeles, Claire Schwartz (31 tuổi) bắt đầu thu thập ảnh với ý tưởng tương tự.
Mưa trút xuống sau vụ cháy rừng Eaton, Schwartz đã lo lắng khi mưa và tro hòa vào nhau có thể tạo thành chất tẩy rửa làm hỏng những bức ảnh.
"Ai đó phải làm điều này ngay lập tức để cứu những bức ảnh", cô tự nhủ.
![Đường về nhà của những bức ảnh thất lạc trong thảm họa - 3 Đường về nhà của những bức ảnh thất lạc trong thảm họa - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/LWjcyhBXa9k7WzWkMrq4qdjCs0A=/thumb_w/1020/2025/02/12/90-1739351647360.jpg)
Schenker phân loại những bức ảnh tìm được theo các chủ đề (Ảnh: AP).
Đeo mặt nạ phòng độc, găng tay và giày, Schwartz nhanh chóng bắt tay cứu vãn những bức ảnh. Cô đã áp dụng một số quy trình học được khi còn là thực tập sinh lưu trữ tại Trung tâm Nghệ thuật Corita.
Joshua Simpson, một nhiếp ảnh gia đã mất ngôi nhà và studio ở Altadena - khu vực hoang tàn như tận thế - do cháy rừng.
"Điều đầu tiên chúng tôi tìm thấy là bức ảnh cổ điển tuyệt đẹp về mẹ vợ đang bế vợ tôi khi cô ấy còn là một đứa trẻ sơ sinh. Bức ảnh đen trắng mang một tầng cảm xúc sâu sắc hơn, vì mẹ tôi mới mất cách đây vài tháng", Simpson nói.
Vợ chồng ông đã vô cùng xúc động khi nhận lại kỷ vật, cảm giác như "có một chút điều kỳ diệu".
Sống sót sau thảm họa như cháy rừng hay bão lũ, nhiều người phải đối mặt với mất mát. Tuy nhiên, thảm họa có thể khơi gợi những điều tốt đẹp nhất của con người.
"Bạn biết đấy, tôi có thể cười hoặc khóc về điều đó và tôi chọn cách mỉm cười. May mắn thay, chúng tôi đã không mất đi điều quan trọng nhất, đó là mạng sống", bà Moss bộc bạch.