(Dân trí) - Nguồn vốn vay theo Quyết định 22/QĐ-TTg đã mở cánh cửa làm lại cuộc đời cho nhiều người chấp hành xong án phạt tù. Trong hành trình tái sinh cuộc đời của họ, có dấu ấn đậm nét của lực lượng công an.
![Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 1 Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/2FaTZDSR6LKrRHALh_fv8yBZ-2I=/2025/02/04/title-1pc-1738679874559.jpg)
Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá (gọi tắt là QĐ 22), chính thức có hiệu lực triển khai từ ngày 10/10/2023.
Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trong thời hạn 5 năm, có thể được vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 4 triệu đồng/tháng để đào tạo nghề; vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Cơ sở sản xuất kinh doanh có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/lao động tại cơ sở.
Thời hạn vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm của cá nhân người chấp hành án xong án phạt tù và của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù là 10 năm, lãi suất ngang lãi suất cho vay hộ nghèo.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định tính nhất quán trong quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi, người có quá khứ phạm tội, "không ai bị bỏ lại phía sau"".
![Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 3 Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/oI2Y0nqrS907IoXf6kbzsMBZtVA=/2025/02/04/anh-1pc-1738679874446.jpg)
Cuối năm 2019, anh Nguyễn Văn Đ. (SN 1984, trú xã Nghi Lâm, Nghi Lộc, Nghệ An) chấp hành xong trước thời hạn bản án 17 năm tù về tội Giết người, trở về quê nhà. Ít ai nghĩ rằng, người đàn ông bước ra khỏi song sắt trại giam với hai bàn tay trắng, nay đã trở thành ông chủ, sở hữu chiếc máy múc trị giá gần 700 triệu đồng, thu nhập hàng tháng 20 triệu đồng.
"Ra tù, trái với suy nghĩ ban đầu, tôi được công an xã, chính quyền địa phương động viên, giúp đỡ, kết nối để xin việc làm. Cuối năm 2023, tôi được giới thiệu về chương trình vay vốn theo QĐ 22, nên mạnh dạn làm hồ sơ và được vay 100 triệu đồng.
Cùng số vốn tích lũy trong 2 năm làm thuê, vay mượn thêm bên ngoài, tôi mua chiếc máy xúc này để làm ăn. Tôi lập gia đình năm ngoái và đang dự tính sẽ xây dựng căn nhà mới", anh Đ. chia sẻ.
Thực tế, không có nhiều người từng mang án may mắn như anh Đ.. Người chấp hành án trở về thường khó khăn trong hòa nhập, bị cộng đồng kỳ thị, sẽ nảy sinh tâm lý tự ti, khép kín. Bên cạnh đó, họ cũng ít có cơ hội tìm kiếm việc làm để có nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình.
Thiếu việc làm, không có thu nhập là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng tái phạm tội. Bởi vậy, nhiều năm qua, cùng với sự động viên, khích lệ thường xuyên, Công an tỉnh Nghệ An chú trọng liên hệ tìm việc làm, tạo thu nhập để người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống.
![Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 5 Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 5](https://cdnphoto.dantri.com.vn/p5lgU--HpXXMAKiw86xYr381icI=/2025/02/05/z6291009568315ca06204d5e01aac9b2e5ecdcd54a2d64-1738765912691.jpg)
Tuy nhiên, những nỗ lực này của ngành công an, cũng như chính quyền các cấp, chưa thể đáp ứng được thực tế ở địa phương có người chấp hành án trở về hàng năm cao như Nghệ An.
Tạo nguồn động lực về sinh kế để người chấp hành xong án phạt tù có thể tự đứng vững khi trở về với cuộc sống đời thường đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ như "luồng gió lành", mở rộng cánh cửa để giúp người lầm lỗi tái sinh cuộc đời.
Điều đặc biệt hơn, với những quy định cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong triển khai chương trình tín dụng này, người chấp hành xong án phạt tù không còn đơn độc trong hành trình hướng thiện.
Ngay sau khi Bộ Công an ban hành kế hoạch cụ thể hóa, hướng dẫn công an các địa phương thực hiện QĐ 22, Công an tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng triển khai các phần việc thuộc chức năng của mình. Bên cạnh chủ động ban hành kế hoạch chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an cấp huyện, Công an tỉnh Nghệ An cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện.
![Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 7 Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 7](https://cdnphoto.dantri.com.vn/tR6N_r7d--iH4I87DN_FvYoMrzs=/2025/02/04/title-2pc-1738679874355.jpg)
Công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng đặc biệt này cũng đã được Công an tỉnh Nghệ An triển khai sâu rộng, bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Đại úy Trương Xuân Luân, Phó đội trưởng Đội cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, ngay khi có hướng dẫn, chỉ đạo từ Công an tỉnh, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chi tiết gửi công an các xã để triển khai. Công an huyện phối hợp công an các xã tổ chức họp, mời những người thuộc đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi tham gia.
"Đây là chính sách chưa có tiền lệ, nên ngoài sự vui mừng của đối tượng vay vốn, cũng không ít sự nghi ngại từ những tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai. Cùng với việc cung cấp cụ thể về chương trình vay vốn, chúng tôi đã giải đáp tất cả thắc mắc của người chấp hành xong án phạt tù, đại diện chính quyền địa phương hay các đơn vị ủy thác của ngân hàng, Tổ tiết kiệm - vay vốn của các xóm.
Quan trọng nhất là giúp mọi người thấy rằng, để người lầm lỗi làm lại cuộc đời, không chỉ có sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân họ, mà phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể và chính người thân của người từng mang án", Đại úy Luân nói.
![Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 9 Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 9](https://cdnphoto.dantri.com.vn/g4HcRYlnBjRlzN1o7bumIRNQqD8=/2025/02/04/anh-3pc-1738679874390.jpg)
Sau 1 năm triển khai QĐ 22, đã có 22 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Nghi Lộc được phê duyệt, giải ngân vốn vay gần 1,9 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn H. (trú xã Nghi Lâm) là một trong 22 người tại Nghi Lộc được xét cho vay theo QĐ 22. Từ chỗ cơ sở đồ mộc đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động do gián đoạn trong thời gian anh H. đi chấp hành bản án 4 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, số tiền 100 triệu đồng được giải ngân kịp thời từ chương trình này đã giúp anh có vốn để tái khởi động sản xuất.
Hiện, xưởng gỗ của anh H. đã vận hành ổn định, doanh thu mỗi tháng 200 triệu đồng. Cùng với vực dậy sản suất, từng bước tăng thu nhập cho gia đình, xưởng gỗ của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương khá.
"Khoản vay 100 triệu đồng này không chỉ giải quyết khó khăn về nguồn vốn mà hơn hết là niềm tin của các cấp, ngành dành cho những người từng mang án tù như chúng tôi. Đó là nguồn động viên tinh thần và động lực để cho chúng tôi thêm quyết tâm bước qua bóng tối quá khứ, làm lại cuộc đời, làm người có ích", anh H. tâm sự.
Tính chung toàn tỉnh Nghệ An, đến hết năm 2024, có 319 người chấp hành xong án phạt tù được giải ngân số tiền vay hơn 29 tỷ đồng.
![Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 11 Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 11](https://cdnphoto.dantri.com.vn/lS-2dGQe5Xi7jLLIh4YZX7wfRIQ=/2025/02/04/anh-4pc-1738679874434.jpg)
Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, sau hơn một năm triển khai QĐ 22, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An; với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt của các ngành, các cấp, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều tác động tích cực đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng.
"Hiệu quả của QĐ 22 có thể khẳng định được ở 3 khía cạnh: giảm tỷ lệ tái phạm tội, tạo động lực cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần ổn định xã hội. Chính sách tín dụng thể hiện rõ quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi, người có quá khứ phạm tội, giúp họ cảm thấy được tôn trọng, được khích lệ, để từ đó có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Nguồn vốn vay ưu đãi này không chỉ hỗ trợ cá nhân người chấp hành xong án phạt tù, mà còn tạo sự ổn định về mặt kinh tế và xã hội tại các địa phương, nhất là ở các khu vực có tỷ lệ người chấp hành án phạt tù cao", Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh khẳng định.
![Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 13 Ánh sáng cuộc đời phía sau bóng tối quá khứ - 13](https://cdnphoto.dantri.com.vn/wx4Na2XlBvS6ljX6YB1G8WE1IGY=/2025/02/04/box-pc-1738679874367.jpg)