(Dân trí) - "Chúng ta đã sống rất yêu đời. Vì yêu đời mà chúng ta chiến đấu...", người lính Hồ Văn Chương đã viết trong cuốn nhật ký, như một lời khẳng định về lý tưởng cao đẹp nhất của mình.
Bên góc sân nhỏ, bà Bùi Thị Lợi (SN 1939, trú thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) và người con trai cả Hồ Văn Hùng (SN 1960) chụm đầu trên cuốn sổ nhật ký. Những trang viết của liệt sỹ Hồ Văn Chương mờ, nhòe do được in ra từ các bức ảnh sao chụp cách đây hơn 60 năm, khiến ông Hùng phải dịch từng chữ, thậm chí đoán nội dung. Đối với ông Hùng, đây là món quà quý giá bởi nó là kỷ vật duy nhất của người bố liệt sỹ.
Gấp cuốn sổ lại, ông Hùng kể, sự xuất hiện của cuốn nhật ký là một bất ngờ lớn đối với ông và gia đình, bởi chưa ai từng nghĩ đến sự tồn tại của nó. Càng bất ngờ hơn, khi cuốn nhật ký đã lưu lạc nửa vòng trái đất suốt hơn 6 thập kỷ.
Vào một ngày tháng 9/2024, ông nhận được cuộc điện thoại. Đầu dây bên kia giới thiệu là người của Trung tâm ASH thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ), đang lưu giữ cuốn nhật ký có tên Hồ Văn Chương và muốn thu thập thêm thông tin nhằm xác định chính xác về chủ nhân để bàn giao cho thân nhân. Cuốn nhật ký này do một đơn vị thuộc Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến số 3 Hoa Kỳ thu giữ ngày 18/10/1966, sau trận đụng độ với quân giải phóng Việt Nam tại một địa điểm giao tranh ở xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Từ thông tin trao đổi qua Zalo, bên kia cung cấp cho ông Hùng một số trang viết của cuốn nhật ký. "Nhận được thông tin, tôi vừa mừng, vừa lo. 60 năm rồi, có phải ngày một ngày hai đâu. Nếu đúng là của bố tôi thật thì đó là kỷ vật vô giá, có ý nghĩa về mặt tinh thần đặc biệt với gia đình tôi. Nhưng nếu đây là sự nhầm lẫn thì sao?. Suốt gần một tuần lễ tôi không thể ngủ được, vì hồi hộp và lo lắng", ông Hùng kể.
Thông tin được cung cấp cho thấy chủ nhân cuốn nhật ký là Hồ Văn Chương, nhập ngũ ngày 10/4/1963, quê quán xóm Trung Tâm, xã Diễn Bình hoặc Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông Hùng tìm hiểu và vỡ òa khi biết xã Diễn Bình từ trước tới nay không có xóm nào có tên là xóm Trung Tâm. Xóm Trung Tâm, thuộc xã Diễn Bích, chỉ có duy nhất liệt sỹ Hồ Văn Chương - bố ông - trùng khớp về tên, ngày nhập ngũ như thông tin trong trang nhật ký.
Kết hợp nhiều nguồn xác minh tin cậy khác từ Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An..., phía Trung tâm ASH khẳng định cuốn nhật ký nói trên là của liệt sỹ Hồ Văn Chương. Thông tin cuốn nhật ký sẽ được bàn giao cho gia đình trong thời gian sớm nhất khiến ông Hùng và người thân hết sức vui mừng.
"Phía họ gửi cho gia đình tôi hơn 10 trang nhật ký, trong đó chủ yếu là những trang viết bố tôi dành cho vợ. Bố tôi nhập ngũ khi tôi 3 tuổi, em trai tôi - Hồ Văn Quang - mới gần 3 tháng tuổi. Chúng tôi khi đó còn quá nhỏ, nên không có ký ức nào về bố cả. Bởi vậy, cuốn nhật ký sẽ hé mở nhiều hơn về bố tôi, về tình cảm ông dành cho vợ và các con", ông Hùng tâm sự.
Sau 4 tháng chờ đợi, sáng 11/12/2024, ông Hùng cùng người em trai có mặt tại thành phố Vinh để nhận cuốn nhật ký phục chế của người cha liệt sỹ từ đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm ASH và Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ tỉnh Nghệ An. Khoảnh khắc cầm trên tay cuốn nhật ký của bố, dẫu chỉ là cuốn sổ được phục chế, ông Hùng lặng người đi vì xúc động...
Anh em ông Hùng chuyền tay nhau đọc cuốn nhật ký của người cha liệt sỹ và thay nhau đọc cho mẹ nghe.
"Nhiều trang mờ quá, không thể đọc được, nhưng lần giở từng trang viết, tôi như nhìn thấy một chặng đường đời của bố. Giữa chiến tranh khốc liệt, phải di chuyển liên miên nhưng ông vẫn ghi lại từng chặng hành quân, suy nghĩ và tình cảm của mình.
Qua cuốn nhật ký thấy rằng ông học rất nhiều, học mọi lúc, mọi nơi, học kiến thức về toán, về hình học, về kỹ thuật cầu đường, cả tiếng Trung và tiếng Nga... Nhật ký của ông cũng có nhiều bài thơ, đoạn trích trong những cuốn sách hay câu nói của các danh nhân. Qua những trang viết, cho thấy ông là người có lý tưởng, mạnh mẽ, cầu tiến nhưng cũng rất tình cảm", ông Hùng kể.
Trong một trang nhật ký, người lính Hồ Văn Chương vẽ một cánh chim bồ câu cùng dòng chữ "Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc". Tổ quốc, gia đình là hành trang song hành cùng người lính trong chặng đường hành quân. Hòa bình và hạnh phúc là lẽ sống, lẽ chiến đấu của ông, cũng như lớp lớp người chồng, người cha, người con... đã để lại gia đình, để lại quê hương lên đường ra trận.
Họ tiến về phía trước, để đến gần hơn với giấc mơ ấy, giấc mơ về hòa bình, về sự trường tồn của đất nước, giấc mơ về hạnh phúc lứa đôi, về những mái ấm bình dị, nơi có những người thân yêu nhất.
Trong một trang viết khác, người lính Hồ Văn Chương nhắc lại câu nói rất nổi tiếng của một nhà văn, anh hùng của đất nước Tiệp Khắc, như lời tuyên bố của một thế hệ chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp nhất: "Tôi nhắc lại một lần nữa: Chúng ta đã sống rất yêu đời. Vì yêu đời mà chúng ta chiến đấu. Và vì yêu đời mà chúng ta sẽ chết...".
Giữa cuộc chiến đấu khốc liệt là những phút lắng lòng của người lính khi nhớ về người vợ trẻ ở quê nhà. Người lính Hồ Văn Chương viết cho vợ khá nhiều, chủ yếu là những bài thơ, có thể là cảm tác của ông, cũng có thể ông chép lại của ai đó, nhưng từng câu, từng chữ là tình cảm mộc mạc, chân thành, không hoa mỹ. Mở đầu bài thơ "Em ơi vững niềm tin", ông viết: "Em yêu thương nhớ em nhiều lắm/ Bóng hình em in đậm trong anh...".
Ông Hồ Văn Hùng chia sẻ: "Rất lạ là ông viết cho vợ khá nhiều, nhưng không có trang viết nào cho chúng tôi. Nhưng điều đó không khiến chúng tôi buồn, có lẽ, ông tin tưởng vào vợ một cách tuyệt đối trong việc nuôi nấng, chăm sóc các con lúc ông xa nhà. Ông từng viết và nhắc lại thêm một lần trong nhật ký: "Hồ Văn Chương, 1 vợ, 2 con". Đó là lời khẳng định rõ ràng nhất của ông về vợ và các con".
Bà Bùi Thị Lợi, vợ liệt sỹ Hồ Văn Chương cười móm mém khi chúng tôi hỏi chuyện tình yêu của hai người. Người phụ nữ đẹp lão, mái tóc bạc trắng dường như vẫn ngượng ngùng nhắc tới chuyện lứa đôi: "Lấy nhau, có 2 mặt con rồi mà vẫn khờ lắm. Ngày ông ấy lên đường nhập ngũ, tôi bế thằng Quang đứng trước cửa buồng nhìn, chẳng biết nói gì với chồng".
Tháng 4/1963, người đàn ông làng biển Hồ Văn Chương lên đường nhập ngũ, khi cậu con trai cả Hồ Văn Hùng tròn 3 tuổi, con trai thứ 2 Hồ Văn Quang mới gần 3 tháng. Ông gia nhập Sư đoàn 324, đóng quân ở huyện Đô Lương (Nghệ An), cách nhà hơn 50km nhưng thời chiến, "quân lệnh như sơn", không thể về thăm nhà. Biết chồng chỉ thích món cá biển kho mật, bà Lợi kho rồi gửi người quen mang lên đơn vị cho chồng.
Năm 1964, ông bị thương, được chuyển về thành phố Vinh điều trị. Khi vết thương đã ổn, trước lúc trở lại đơn vị, ông xin tranh thủ về thăm nhà. Quà cho vợ con là những phần thưởng trong quá trình huấn luyện, chiến đấu.
Bà Lợi không nhớ chính xác ông Chương về thăm nhà thời gian nào, chỉ nhớ rằng bom nổ nhiều lắm. Thương con cảnh bom đạn, mẹ đẻ, mẹ vợ ông Chương bảo "hay ở nhà, đừng đi nữa", nhưng ông gạt đi, bởi việc nước, không thể nói ở lại là ở.
"Ông ấy dặn tôi nếu có chuyện gì, đừng đi lấy chồng khác mà tội con. Tôi gạt đi, bảo "anh đừng nói linh tinh"", bà Lợi kể. Người vợ không biết rằng, lời nói ấy đã trở thành ước hẹn, theo bà suốt cả cuộc đời.
Ở nhà mấy hôm, ông Chương trở lại đơn vị. Năm 1965, đơn vị ông được lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Giữa lằn ranh sinh tử, ông viết thư về cho vợ, dẫu bà Lợi lúc đó không biết chữ. Nhận được thư chồng, bà lại tất tả mang đi nhờ người ta đọc cho, rồi về cất dưới đáy rương. Những lá thư gửi về không bao giờ có hồi âm, bởi lẽ, bà ngại, không muốn nói những tình cảm thầm kín vợ chồng cho người ngoài.
Những lá thư thưa dần rồi vắng hẳn. Năm 1967, bà Lợi nhận được giấy báo tử của ông Hồ Văn Chương. Chồng bà đã hi sinh từ một năm trước!.
Nén nỗi đau trong lòng, người phụ nữ làng biển ấy quảy gánh lên vai, đi buôn cá, rong ruổi từ mờ sáng ở bến thuyền đến tối mịt mới về để thay chồng nuôi con, phụ cha mẹ chồng chăm đàn em thơ dại.
Cũng trên đôi quang gánh ấy, bà đặt con một đầu, đầu kia là ít quần áo, vài cân gạo, củ khoai, tay dắt thằng lớn tất tả đi sơ tán. Bom đạn, thiếu ăn, thiếu mặc không đáng sợ bằng những trống trải trong lòng của người vợ trẻ.
Bà còn trẻ, những vất vả ngược xuôi càng khiến vẻ đẹp thêm mặn mà. Không ít người đến, thật lòng muốn cùng bà vun vén gia đình cũng có, đến vì những điều khác cũng có, nhưng bà gạt đi. Bởi, trong lòng bà vẫn luôn văng vẳng lời tha thiết của chồng. Bà không trách ông ích kỷ. Bà biết, ông thương các con, thương vợ nhỡ không tìm được bến đậu bình yên mà bước chân vào bão giông giữa cảnh con chung, con riêng.
Sự kiên định ấy đã giúp bà vững vàng hơn để thay chồng nuôi con khôn lớn. Năm 1989, sau thời gian làm việc ở thị xã Thái Hòa, ổn định gia đình, ông Hùng đón mẹ lên sinh sống.
"Thương thằng Quang, chẳng được bố bế bồng mấy lần. Giờ lên chức ông rồi, mà thỉnh thoảng về, hắn vẫn ôm tôi, thơm má mẹ rồi khóc, bảo con thương mẹ một đời đòn gánh để trên vai...", bà Lợi tâm sự.
Điều hối tiếc của bà Lợi là không giữ được những lá thư của chồng sau bao lần bão vào, nước biển dâng cao, cuốn trôi tất cả. Bởi vậy, giữa bộn bề cuộc mưu sinh, mà vẫn gắng để học chữ, để thỏa mong ước có thể tự mình đọc thư chồng ngày xưa.
Sự xuất hiện cuốn nhật ký của liệt sỹ Hồ Văn Chương, đối với bà Lợi là một món quà chưa từng nghĩ tới. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, bà vẫn mang cuốn nhật ký của chồng ra, lần dịch từng chữ, mong hơi ấm của chồng dẫu cách biệt quá nửa đời người...