DNews

Chỉ điểm của đứa trẻ 10 tuổi và nghĩa trang dưới rừng tre

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những người lính quy tập mà tôi may mắn được gặp, được trò chuyện, quả quyết rằng, giữa họ và anh linh các liệt sỹ dường như có sợi dây kết nối nào đó...

Chỉ điểm của đứa trẻ 10 tuổi và nghĩa trang dưới rừng tre

Nghĩa trang liệt sỹ dưới rừng tre

Một điều khá đặc biệt là các thế hệ lính quy tập đều gọi các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào là "bác". Phải chăng, với họ, đây không chỉ là nhiệm vụ mà là tình cảm thiêng liêng với những người thân thuộc, của thế hệ hôm nay với những người ngã xuống hôm qua.

"Thời gian, mưa nắng, bão lũ... đã làm mọi thứ thay đổi. Có khi cầm sơ đồ mộ chí trên tay, là nghĩa trang trên lưng chừng núi mà đến nơi, chỉ còn là bình địa, hay là hố sâu khi con suối sát đó đổi dòng. Bởi vậy, mỗi chuyến đi của chúng tôi là một cuộc chạy đua, để sớm tìm được và đưa các bác trở về", Thiếu tá Thái Bá Ngọc (Ban Chỉ huy quân sự huyện Diễn Châu, Nghệ An), cựu nhân viên Đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tâm sự.

Chỉ điểm của đứa trẻ 10 tuổi và nghĩa trang dưới rừng tre - 1

Nhân viên Đội quy tập nghiên cứu bản đồ quy tập để xác định khu vực tìm kiếm (Ảnh: Trọng Kiên).

Năm 1995, khi còn là một người lính nghĩa vụ, anh Ngọc được điều vào Đội quy tập. Tính đến thời điểm năm 2018, trước khi chuyển về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Diễn Châu, anh Ngọc đã trực tiếp tìm kiếm, cất bốc 150 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam an táng tại các nghĩa trang và các điểm an táng lẻ bên đất bạn Lào.

Anh Ngọc kể, mùa khô năm 2006, đơn vị nhận được thông tin từ người dân Lào, tại bản Lạt Khòi, giáp ranh giữa huyện Mườn Khùn và huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng có nghĩa trang an táng 30 bộ đội tình nguyện Việt Nam. Tổ quy tập, với sự hỗ trợ của công an, bộ đội Lào và đích thân người báo tin dẫn đường, chuẩn bị lương thực, nước uống, cuốc xẻng hành quân đến khu vực này. Ròng rã cả ngày đường, vừa đi, vừa phát cây rừng, đoàn đến được địa điểm theo người Lào chỉ.

"Cả khoảng rừng rộng, chúng tôi tổ chức phát quang, xăm kỹ từng vị trí, ròng rã cả tháng trời như thế nhưng không phát hiện được gì. Có thể thời gian quá lâu, địa hình, địa vật có sự thay đổi, hoặc thông tin người dân Lào cung cấp không chính xác", Thiếu tá Ngọc nói.

Chỉ điểm của đứa trẻ 10 tuổi và nghĩa trang dưới rừng tre - 2

Thiếu tá Thái Bá Ngọc, Ban Quân sự huyện Diễn Châu, cựu nhân viên Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Anh Ngọc cho cả tổ rút về. Mặt trời đứng bóng, bước chân người lính quy tập nặng trĩu, không phải vì những vất vả suốt những ngày qua...

"Tôi gặp một đứa trẻ khoảng 10 tuổi. Cháu hỏi các chú đi đâu, tôi bảo đi tìm bộ đội Việt Nam. Cháu bé chỉ vào rừng tre um tùm cách vị trí tìm kiếm cũ của chúng tôi tầm 10m, bảo "họ nằm đây". Tôi sửng sốt, một đứa trẻ 10 tuổi sao biết nghĩa trang liệt sỹ dưới rừng tre um tùm ấy được nhưng như có gì thôi thúc trong lòng, tôi bảo anh em vào thử tìm xem", anh Ngọc kể.

Anh Ngọc quyết định vị trí bắt đầu đào. Rừng tre phủ một khu vực rộng lớn, thân rễ chằng chịt. Nhân viên quy tập vừa đốn tre phát quang, đào gốc rễ, vừa thận trọng đưa lưỡi xẻng xuống lớp đất mềm. Tiếng "rắc" nhỏ vang lên khi lưỡi xẻng bị đè nghiêng về phía sau. Một mảnh tăng rách ra, để lộ những mẩu xương.

"Đúng rồi, bác đây rồi", những người lính quy tập reo lên. Họ vứt cuốc xẻng sang một bên, dùng đôi bàn tay của mình run run đào bới đất xung quanh. Năm tháng qua đi nhưng những di vật còn sót lại đều khẳng định được đây là phần mộ của liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam.

Chỉ điểm của đứa trẻ 10 tuổi và nghĩa trang dưới rừng tre - 3

Khai quật khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện chuyên gia Việt Nam (Ảnh: Trọng Kiên).

Ngôi mộ đầu tiên được cất bốc, cả rừng tre bị đốn hạ, khu vực khai quật được mở rộng. Họ quên cả mệt, quên cả đói...

"Đào đến tận tối, chúng tôi tìm thấy tất cả 26 bác. Sau này hỏi những cựu chiến binh, họ nói có thể sau khi an táng các liệt sỹ vào khu nghĩa trang của đơn vị, bộ đội ta cắm lên một đoạn thân tre để làm dấu. Thân tre đâm rễ, nảy chồi, rồi sinh sôi nảy nở, bao bọc cả nghĩa trang, bảo vệ các bác mấy chục năm trời.

Điều tôi ngạc nhiên nhất là những người già nhất cũng không nhớ được vị trí nghĩa trang này, nhưng sao một đứa trẻ 10 tuổi có thể chỉ một cách chính xác đến như vậy. Phải chăng chính các bác liệt sỹ, thông qua đứa trẻ mà chỉ cho chúng tôi?", Thiếu tá Ngọc nói.

Sợi dây vô hình kết nối người lính hai thế hệ

Những cán bộ quy tập tôi được trò chuyện, đều quả quyết rằng, giữa họ và anh linh các liệt sỹ dường như có sợi dây kết nối nào đó...

Thượng tá Hoàng Ngọc Lân, nguyên Phó đội trưởng Đội quy tập, vốn là lính trinh sát. Ông không phải là người duy tâm, nhưng vị Thượng tá có 14 năm gắn bó với công tác quy tập luôn tin vào sự linh thiêng của những linh hồn liệt sỹ quân tình nguyên và chuyên gia Việt Nam.

"Có những chuyện tôi đã trực tiếp chứng kiến, khó giải thích lắm. Năm 2003, chúng tôi quy tập hài cốt liệt sỹ tại khu vực bản Mường Bàng, huyện Mường Pẹt, tỉnh Xiêng Khoảng. Mùa khô Lào ít mưa lắm, nhưng hôm ấy trời động mưa. Đồng chí lái xe chở hài cốt từ khu vực tìm kiếm về doanh trại, đến đầu cầu thì gặp mưa, xe không nhúc nhích.

Chỉ điểm của đứa trẻ 10 tuổi và nghĩa trang dưới rừng tre - 4

Thượng tá Hoàng Ngọc Lân, guyên Phó đội trưởng Đội quy tập (Ảnh: N.T.V).

20 bộ đội ta cùng 20 dân quân của bạn ra đẩy nhưng làm cách nào xe cũng không di chuyển. Hài cốt liệt sỹ đặt trên ca bin. Tôi mở cửa xe, khấn nôm: "Báo cáo các bác, trời mưa rồi, anh em đẩy xe không lên. Anh em lạnh lắm, bác cho xe lên để anh em đưa bác về nơi thờ cúng cho chu tất".

Khấn xong, tôi đóng cửa lại. Lúc này anh em đang ngồi nghỉ, đồng chí lái xe đề, vào số, xe qua cầu nhẹ tênh...", Thượng tá Lân nhớ lại.

Mùa khô năm 2021-2022, Thượng úy Nguyễn Viết Tú, nhân viên Đội quy tập có chuyến "xuất ngoại" đầu tiên sang Lào tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam.

Hướng tác nghiệp Thượng úy Tú được phân công là tại huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng. Tại bản Nậm Xía, cả một vùng rộng vách đá lởm chởm đã bị lật tung, anh em cất bốc được 9 hài cốt liệt sỹ. Đơn vị quyết định dừng tìm kiếm, ăn trưa xong sẽ rút về khu vực tập kết.

"Tôi nhìn thấy 2 bóng trắng trên phiến đá, sát vách núi. Tôi nghĩ mình hoa mắt hoặc bị ảo giác do trời nắng quá nhưng dụi mắt mấy lần vẫn thấy 2 bóng trắng chập chờn đó. Là lính mới nên tôi đắn đo có nên nói với mọi người không, sợ các anh không hiểu, lại nghĩ mình yếu bóng vía. Nhưng nếu không nói, tôi cứ bứt rứt trong người. Suy nghĩ hồi lâu, tôi vẫn quyết định kể với anh em", Thượng úy Tú kể.

Chỉ điểm của đứa trẻ 10 tuổi và nghĩa trang dưới rừng tre - 5

Ô tô của bộ đội quy tập sa lầy trên đường vào rừng tìm kiếm hài cốt liệt sỹ (Ảnh: Tư liệu).

"Có thể các bác báo mộng đó", Thiếu tá Nguyễn Văn Công, tổ trưởng nói và quyết định nghỉ trưa xong sẽ tiếp tục tìm kiếm.

Những nhát cuốc thận trọng bổ xuống phần đất mềm rộng khoảng 50cm sát vách núi. Một tiếng xoạt vang lên. Là tiếng tăng bị rách! Sống lưng Thượng úy Tú đổ mồ hôi lạnh. Sau lớp tăng kia là "một bác" vẫn còn khá nhiều đoạn xương đùi, xương sọ... cùng các di vật như: cúc áo, thắt lưng, đế giày của quân tình nguyện Việt Nam.

Thiếu tá Công chỉ đạo tiếp tục tìm kiếm. Ngay dưới vị trí tìm thấy hài cốt thứ nhất, tổ phát hiện hài cốt thứ 2, được an táng so le, cách khoảng vài chục cm.

"Có thể mọi người không tin nhưng có những câu chuyện, chính bản thân người trong cuộc chúng tôi cũng không giải thích được. Phải chăng, giữa chúng tôi và các bác có sợi dây kết nối tâm linh vô hình nào đó", Thượng úy Tú quả quyết.

(Còn nữa)