1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ai thắng, ai thua sau Brexit?

(Dân trí) - Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở Anh đã kết thúc với kết quả đa số cử tri Anh ủng hộ sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới. Vậy bên nào thắng, bên nào thua khi nước Anh rời EU?

Chiến thắng: Các nước thành viên khu vực phía Nam của Eurozone


(Ảnh: WSJ)

(Ảnh: WSJ)

Nhà kinh tế Andrew Lilico đã đưa ra giả thuyết rằng Brexit sẽ là cơ hội để phần còn lại của EU hội nhập sâu rộng hơn nữa. Có thể nói việc có nhiều quốc gia sử dụng chung một loại tiền tệ nhưng lại không dùng chung hệ thống thuế hay phúc lợi xã hội, điều này đồng nghĩa với việc khi nền kinh tế của khối đó rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ không có nhiều phương án để giải quyết.

Theo đánh giá, các nước thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đang mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng giữa hai cực: không độc lập hoàn toàn nhưng cũng không nhập vào thành một quốc gia có phúc lợi chung. Điều này đồng nghĩa với việc, khi xảy ra khủng hoảng, khả năng phục hồi kinh tế của những nước này rất hạn chế. Việc Anh rời EU là cơ hội để những nước còn lại tiến hơn nữa trong quá trình hội nhập, dù đây là một dự án quy mô lớn và khó diễn ra trong tương lai gần.

Thất bại: Kinh tế Anh


(Ảnh: AFP)

(Ảnh: AFP)

Trong ngắn hạn, Brexit sẽ bắt đầu một thời kỳ gián đoạn và không chắc chắn, trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Anh sẽ bị tác động tiêu cực trong một thời gian. Đó là khi các nhà đầu tư chờ xem tình hình trong dài hạn sẽ như thế nào. Nếu vậy, giai đoạn này sẽ ảnh hưởng tới giá trị của đồng bảng Anh và có thể khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

Ngoài ra, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia có trụ sở chính đặt tại Anh cũng sẽ phải tính tới phương án chuyển sang một nước khác thuộc EU để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước. Những người ủng hộ chiến dịch rời EU từng tuyên bố nước Anh sau Brexit sẽ tiến hành đàm phán về một thoả thuận với EU, cho phép các hoạt động thương mại không bị gián đoạn qua đó không dẫn tới tình trạng "tháo chạy" của các tập đoàn. Tuy nhiên, hiện chưa có bất cứ đảm bảo nào về quá trình thảo luận sẽ thành công.

Tương tự thế, ngành công nghiệp xuất khẩu của Anh cũng là ngành bị ảnh hưởng bởi Brexit. Theo ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% GDP vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh là vào các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP.

Thất bại: Thủ tướng David Cameron


Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: Getty)

Thủ tướng Anh David Cameron. (Ảnh: Getty)

Cam kết tiến hành trưng cần dân ý về Brexit là một vấn đề mà Thủ tướng Anh David Cameron đã phải đương đầu trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2015. Ông và nhiều lãnh đạo khác của đảng Bảo thủ muốn ở lại EU. Tuy nhiên, số lượng ngày càng nhiều cử tri của đảng này muốn rời EU và sức ép từ Đảng Độc lập Anh (UKIP) đã dẫn tới việc Thủ tướng Cameron cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý nếu đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái, điều mà Công đảng không nhắc tới.

Với thất bại trong việc thuyết phục cử trị Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, "cái giá" mà ông Cameron phải trả chính là chiếc ghế Thủ tướng của mình. Trong một thông báo mới nhất, nhà lãnh đạo này cho biết ông sẽ từ chức vào tháng 10 tới.

Thất bại: Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne


Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne. (Ảnh: Guardian)

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne. (Ảnh: Guardian)

Cũng như Thủ tướng Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne đã đặt "sinh mệnh chính trị" của mình vào cuộc trưng cầu dân ý. Trong thời gian nắm quyền, vị thế của ông Osborne cao không kém vị thế của Ngoại trưởng hay Bộ trưởng Quốc phòng Anh. Hơn thế nữa, ông Osborne còn được coi là nhân vật số 2 trong Nội các và được coi là người kế nhiệm Thủ tướng Cameron ở đảng Bảo thủ. Nhiều đồn đoán cho rằng, ông sẽ là quan chức tiếp theo sau Thủ tướng Cameron tuyên bố từ chức.

Thất bại: Bắc Âu và Đông Âu

Theo các chuyên gia, EU bị chia rẽ thành nhiều tuyến khác nhau. Một trong những căng thẳng giữa các nước là về quá trình hội nhập trong khối, chủ yếu giữa các nước thành viên sáng lập như Đức, Pháp, Italy, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg cùng với các quốc gia như Tây Ban Nha và Hy Lạp coi EU như một hình thức bảo vệ cho sự ổn định của hệ thống chính trị tại những nước này với các quốc gia muốn EU nới lỏng những quy định.

Các quốc gia trên có thể kể tới như Đan Mạch hay Thuỵ Điển - những nước cũng như Anh không lựa chọn việc trở thành thành viên của Eurozone. Hay những quốc gia ở Trung và Đông Âu, vốn là những nước có quá khứ khác các nước nêu trên nên có xu hướng phát triển hệ thống chính trị theo hướng cánh hữu.

Ngọc Anh

Theo VOX

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm