Vì sao phòng khám "chui" của y sĩ Hiền có thể hoạt động nhiều năm?

(Dân trí) - Theo nhiều người dân sống quanh nhà y sĩ Hoàng Thị Hiền, phòng khám không biển hiệu này đã hoạt động nhiều năm nay. Trong khi đó, theo đại diện Trạm Y tế xã Dạ Trạch, cơ sở này hoạt động được khoảng 2 năm nay.

Nhiều phụ huynh cho biết, họ chỉ biết bà Hoàng Thị Huyền là y sĩ khi báo chí đăng tải thông tin, còn trước đó, tất cả đều gọi là bác sĩ Hiền, làm việc ở khoa Nhi của bệnh viện.

Tại địa phương, người dân đều tỏ ra bất ngờ khi người có nhiều bệnh nhân, có cả phụ huynh ở các địa phương khác đến hỏi để khám bệnh cho bệnh nhi thực chất chỉ là y sĩ của Trạm y tế xã Mễ Sở.

Rõ ràng, rất nhiều bậc phụ huynh hoàn toàn không hiểu biết gì về chứng hẹp bao quy đầu, cũng không nắm rõ được chuyên môn của y sĩ Hiền nhưng người dân sẽ không thể đưa con đến phòng khám này nếu cơ quan chức năng kiên quyết xử lý và thường xuyên kiểm tra.

Chính ông Lều Văn Quân, Chánh thanh tra Sở Y tế Hưng Yên, đã thừa nhận trong cuộc họp với Viện Da liễu và đại diện Cục quản lý Khám chữa bệnh: "Việc xử lý (2016 - PV) chưa triệt để, dẫn đến việc chị Hiền tiếp tục hoạt động đến nay".

Bởi như ông Quân thông tin, cơ sở khám chữa bệnh của y sĩ Hoàng Thị Hiền đã từng bị kiểm tra năm 2016. Cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu y sĩ Hiền dừng hoạt động ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, phòng khám chỉ cách Trạm Y tế xã Dạ Trạch chỉ khoảng hơn 1km trên cùng một tuyến đường nội bộ xã này vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí là khá đông khách (theo lời người dân địa phương ở đây). Hậu quả là nhiều trẻ được điều trị hẹp bao quy đầu từ đầu năm 2016 đến đầu năm 2017 đã phải nhập viện điều trị sùi mào gà.

Cùng với việc phối hợp với bệnh viện Da liễu tìm ra nguyên nhân của tình trạng quá nhiều trẻ bị nhiễm sùi mào gà sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hiền, có lẽ đã đến lúc cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của Trạm Y tế xã Dạ trạch, Trung tâm y tế huyện Khoái Châu, Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế và Thanh tra y tế tỉnh Hưng Yên khi để một phòng khám hoạt động nhiều năm, có lượng bệnh nhân đông, và đã từng bị kiểm tra, yêu cầu dừng hoạt động vào năm 2016... hoạt động ngang nhiên như vậy.

Rất khó đánh giá công tác khử khuẩn như thế nào

Vì sao phòng khám "chui" của y sĩ Hiền có thể hoạt động nhiều năm? - 1

Trong chuyến đi thực địa khảo sát nguyên nhân, tại nhà bà Hoàng Thị Hiền, phòng khám chỉ còn chiếc giường và 1 tủ kính trống không (ảnh trên).

Tại buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương đã đặt câu hỏi về công tác khử khuẩn tại phòng khám "chui" của y sĩ Hiền khi xuống nhà y sĩ này.

PGS.TS Lê Hữu Doanh đặt câu hỏi: "Phòng khám chỉ còn giường và tủ không, không thấy phương tiện khử khuẩn, không rõ công tác tiệt khuẩn như thế nào?".

Bởi theo nguyên tắc y tế, các dụng cụ y tế đề chỉ dùng 1 lần trên bệnh nhân sau đó phải mang rửa sạch, ngâm ngâm dung dịch sát khuẩn, để khô rồi sấy, hấp theo các nhiệt độ quy định.


Ông Lều Văn Quân trao đổi với PGS.TS Lê Hữu Doanh về tình trạng phòng khám

Ông Lều Văn Quân trao đổi với PGS.TS Lê Hữu Doanh về tình trạng phòng khám

Trước câu hỏi của phóng viên về việc "phòng khám này có phương tiện khử khuẩn hay không?", ông Lều Văn Quân, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Hưng Yên chỉ cho biết: "Chúng tôi lập đoàn đi kiểm tra từ ngày 17/7, xuống trực tiếp nhà bà Hiền nhưng đóng cửa. Đoàn chính thức kiểm tra ngày 18/7, trong phòng khám chỉ có giường và tủ thuốc. Biên bản hành chính bà Hiền đã ký".

Một câu hỏi khác được đặt ra với ông Quân là vì sao không niêm phong phòng khám không phép này, ông Quân cho biết: "Không thể niêm phong phòng khám vì không đủ thẩm quyền" nhưng ông thừa nhận nếu đến vào ngày 18/7 thì sẽ khách quan hơn.

Kết thúc cuộc họp, trưởng phòng nghiệp vụ Y của Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đề nghị Viện Da liễu Trung ương hỗ trợ Hưng Yên trong việc tìm nguyên nhân.

Như vậy, việc truy tìm nguyên nhân khiến 52 trẻ sùi mào gà sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hoàng Thị Hiền tiếp tục là một dấu hỏi lớn chưa có lời giải?

Bài và ảnh: Trần Phương