Vì sao nhiều trẻ ở Hưng Yên "đua" nhau điều trị hẹp bao quy đầu?
(Dân trí) - Con số trẻ mắc sùi mào gà do điều trị hẹp bao quy đầu tại nhà “bác sĩ” Hiền đã lên tới 52 trường hợp, trong đó có 2 gia đình, cả 2 anh em họ cùng bị bệnh. Vì đâu các phụ huynh lại nườm nượp đưa con đến “bác sĩ” Hiền điều trị chứng bệnh vốn chủ yếu chỉ mang tính chất sinh lý, tự khỏi nhiều hơn phải chữa chạy này?
Theo đại diện trạm y tế xã Dạ Trạch, nơi y sĩ Hiền cư trú và hành nghề trái phép, chỉ trong ngày 18/7, đã thống kê được 8 trường hợp điều trị hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hoàng Thị Hiền, trong đó có 6 trường hợp đang điều trị sùi mào gà tại bệnh viện Da Liễu Trung ương, có những trường hợp đã điều trị tới lần thứ 15 chưa khỏi với tổng chi phí đã lên tới hàng chục triệu đồng. Các bệnh nhi này đều sinh năm 2015-2016.
Một cuộc khảo sát nho nhỏ của phóng viên Dân trí với 8 gia đình có con bị sùi mào gà sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hiền cho thấy, lý do khiến các bậc phụ huynh đưa con đi chữa hẹp bao quy đầu xoay quanh các nguyên nhân sau:
Tại buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên sáng nay (19/7)PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương đã đưa ra những con số rất đáng báo động.
Đó là chỉ trong nửa năm đầu 2017, tỉ lệ sùi mào gà ở trẻ em đã cao hơn hẳn so với cả năm 2016 (88 ca) với 97 ca từ đầu năm đến nay.
Trong đó, có 52 ca tập trung ở tỉnh Hưng Yên. Tỉ lệ tập trung cao vào tháng 6 (12 ca) và nửa đầu tháng 7 là (15 ca).
Hiện bệnh viện Da liễu Trung ương quyết định sẽ điều trị miễn phí cho các trẻ bị sùi mào gà sau khi chữa hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hoàng Thị Hiền nhập viện từ ngày 17/7.
Do có bã đậu ở “chim”
Một số phụ huynh có con từng điều trị hẹp bao quy đầu nhà y sĩ Hiền cho biết, thấy con có cục bã đậu trắng ở đầu “chim” nên đã đưa đến nhà y sĩ Hiền để khám.
Anh N.V.C (Tân Dân, Khoái Châu) theo chăm con trai 4 tuổi phẫu thuật sùi mào gà từ cả tuần nay cho biết, do thấy con có cặn ở “chim” nên đã đưa lên “bác sĩ” Hiền. Tại đây, “bác sĩ” Hiền đã rửa sạch đồng thời nong luôn bao quy đầu và dặn cách ngày lại đến để làm vệ sinh.
Trong khi đó anh N.V. M có con 2 tuổi và cháu 5 tuổi đều đi chữa hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hiền khi thấy cháu đau khóc khi đi tiểu. Hiện bé 5 tuổi chớm tái phát sau khi điều trị khỏi. Còn bé 2 tuổi con anh M (Tứ Dân, Khoái Châu) đang trong tình trạng không thể can thiệp do tổn thương quá rộng, không thể xử lý ngay do sức khỏe của cháu không cho phép.
Nghe "truyền miệng"
Chị N.T.H cho biết, con chị vừa được xử lý tổn thương chiều nay (19/7)
Khác với anh C., chị N.T.H (Tân Dân, Khoái Châu) nhờ hàng xóm, là người từng đưa con đi chữa hẹp bao quy đầu sang xem “chim” cho con. Sau khi nghe hàng xóm kết luận con chị cũng bị hẹp bao quy đầu và giới thiệu đến “bác sĩ” Hiền, chị cũng làm theo. Lúc này con chị mới được hơn 4 tháng tuổi.
Chị H. cho biết, khi vạch xem “chim”, “bác sĩ” Hiền nói ngay: “Viêm đỏ thế này mà giờ mới mang ra”. Tiếp đó, “bác sĩ” Hiền tiêm thuốc tê, bôi thuốc mỡ rồi giật mạnh kéo tuột bao quy đầu xuống.
Còn chị N.T.N (Đức Nhuận, Khoái Châu) vô cùng ân hận vì đã nghe theo tư vấn của người từng đưa con đi chữa hẹp bao quy đầu. Chị N. cho biết chị định để con lớn chút mới đưa đi, nhưng vì mọi người xung quanh "nói vào nói ra" về việc cần phải đưa con đi chữa hẹp bao quy đầu càng sớm càng tốt nên chị đưa con đi khi mới 3 tháng tuổi. Giờ cháu Đ.T.A đã 18 tháng tuổi, trải qua 15 lần điều trị tại viện mà chưa biết khi nào khỏi. Điều đáng chú ý là anh họ của bé A. sinh trước 1 ngày cũng được đưa đi chữa hẹp bao quy đầu và cùng bị sùi mào gà. Tuy nhiên, do sức khỏe tốt hơn, nên anh họ của bé A. đã khỏi bệnh.
Bị y sĩ Hiền “dọa” ung thư, vô sinh?
Bà nội cháu L.V.T, người cùng làng với y sĩ Hiền, có mặt tại nhà y sĩ Hiền khi chúng tôi đến cho biết, cháu bà cũng chữa hẹp bao quy đầu ở nhà “bác sĩ” Hiền năm ngoái sau khi bác sĩ Hiền khẳng định: “Nếu không chữa sẽ mắc nhiều bệnh”. “Chúng tôi phải nghe lời bác sĩ chứ biết làm sao”.
Còn anh N.V.V (Tứ Dân, Khoái Châu) có con 6 tháng tuổi, đang chuẩn bị điều trị lần thứ 6 tại bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, con anh bị viêm da cơ địa (má đỏ sần) nên đưa đến “bác sĩ” Hiền khám. Sau khi kê thuốc chữa viêm da cơ địa, bác sĩ Hiền tự động kéo quần của cháu xuống kiểm tra chim và bảo: “Thằng này bị viêm 2/3 “chim” rồi, không chữa ngay là bị ung thư và vô sinh”. Mẹ cháu bé mới 22 tuổi, nghe thấy thế sợ quá, đồng ý chữa luôn để rồi 1 tháng sau quay lại với "nốt lạ".
BS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Laser và Săn sóc da của Bệnh viện Da liễu Trung ương đã trực tiếp thăm hỏi 5 cháu, đều là những trẻ đã qua chỗ bà Hiền để điều trị bao quy đầu.
BS Sơn cho biết: "Có cháu cách đây 1 năm, có cháu 3 tháng. Có 3 cháu đã khám điều trị tại viện Da liễu TƯ được 7 - 10 ngày".
Về trường hợp có 2 cháu khám tại Ngọc Khánh, không có tổn thương gì nhưng BS vẫn khuyên lên bệnh viện TƯ để kiểm tra.
BS Sơn cho biết thêm: Tất cả những bệnh nhi bị tổn thương lớn đều có hội chẩn tại khoa và toàn viện và với viện Nhi Trung ương để có phác đồ tốt nhất cho bệnh nhi.
Hiện tại khoa đang có 5 bệnh nhi nằm viện và đều thuộc huyện Khoái Châu. Đặc biệt là trường hợp 6,5 tháng bị tổn thương rất nhiều ở bao quy đầu, buộc phải gây mê phẫu thuật.
Cũng tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Hữu Doanh khẳng định từ 17/7, những trẻ em bị bệnh sùi mào gà sống tại Hưng Yên sẽ được điều trị miễn phí.
Phía bệnh viện cũng đề xuất triển khai gói điều trị lazer trong các bệnh lý về sinh dục và bệnh viện luôn sẵn sàng chuyển giao ngay công nghệ ngay từ thời điểm này.
Bài và ảnh: Trần Phương