Vùng phát thải thấp ở Hà Nội không phải "cây đũa thần"
(Dân trí) - Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định như vậy trước việc Hà Nội thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm từ đầu năm 2025.
Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc suốt thời gian qua. Từ đầu mùa đông đến nay, Thủ đô Hà Nội đã trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, kéo dài.
Tại kỳ họp cuối năm 2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ 1/1/2025. Trong đó, trước mắt Hà Nội thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp tại quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm.
Thông tin tại tọa đàm "Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội" do báo Tiền phong tổ chức sáng 21/1, bà Trịnh Thị Minh Phương, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho rằng khó khăn và thuận lợi khi triển khai vùng phát thải thấp của quận Hoàn Kiếm và Ba Đình là tương đồng nhau.
Quận Hoàn Kiếm đang khảo sát các giải pháp và mong muốn sớm nhận được hướng dẫn từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Quá trình thực hiện, theo bà Phương, sẽ gặp một số khó khăn liên quan phần lớn đến ý thức người dân.
"Do cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa được kết nối đồng nhất nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện vùng phát thải thấp. Điển hình như việc xe điện có giá cả hợp lý, nhưng sạc điện rất mất thời gian và hệ thống trạm sạc chưa nhiều. Hoàn Kiếm đang đề xuất mở rộng phố đi bộ để giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân; mở rộng hệ thống xe điện chạy xuyên toàn quận để góp phần cải thiện chất lượng không khí", bà Phương cho hay.
Ông Nguyễn Cương Quyết, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình, cũng chung nhận định đây là vấn đề rất khó, không hề đơn giản.
"Xử lý ô nhiễm không khí liên quan đến bếp than tổ ong đã được thực hiện xuyên suốt từ năm 2018-2022 mới chấm dứt được. Do đó cần kiên trì nâng cao nhận thức của người dân, chứ cứ lý thuyết thì rất khó", ông Quyết dự báo.
Theo ông Quyết, quận Ba Đình đã đề xuất lập đề án thực hiện, tránh loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Trong đó, dự kiến sẽ lựa chọn các phố đi bộ ở đảo ngọc Ngũ Xã, hồ Ngọc Khánh, Phạm Huy Thông để thí điểm.
Nhấn mạnh vùng phát thải thấp được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ được triển khai trong năm 2025, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) thông báo, sở đang xây dựng hướng dẫn chi tiết để thực hiện.
"Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông. Cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí", bà Chi nói.
Khi thực hiện sẽ có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, camera giám sát và lực lượng giám sát… Các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch sẽ được dán tem.
Thông tin thêm tại tọa đàm, bà Chi nói Hà Nội vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện. Từ đó tiến tới đạt tỉ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh trong năm 2035.
Chia sẻ quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, khẳng định vùng phát thải thấp không phải "cây đũa thần" mà chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước, như ở châu Âu có hơn 300 vùng phát thải thấp.
"Qua nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm trên thế giới có thể thấy kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai. Nhưng phải nhấn mạnh rằng việc thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, thiết kế đúng và hành động đúng. Không có mô hình nào chung cho việc thực hiện các vùng phát thải thấp, mặc dù đều có mục đích chung là giảm thiểu ô nhiễm", ông Tùng bình luận.
Trước mắt, theo ông Tùng, cần xây dựng hệ thống tài liệu chi tiết để quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có định hướng lập đề án, chứ không phải loay hoay đi tìm. Ví dụ như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy dùng xăng sang xe điện, xây dựng các trụ sạc điện trong hai quận, giảm giá vé giao thông công cộng, phát triển các hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện…
Hà Nội ô nhiễm không khí nặng hơn TPHCM
Bà Lưu Thị Thanh Chi cho biết những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối. Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn so với TPHCM do nhiều nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Trong khi ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.
Nguyên nhân nữa, theo bà Chi, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn so với những thời gian khác trong năm khiến chất lượng không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông.