1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa rõ việc thu phí vùng phát thải thấp và hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Hà Nội chưa có các chính sách cụ thể về vấn đề thu phí vào vùng phát thải thấp, cũng như chưa xác định chính xác thời điểm bắt đầu lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân.

Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố (nghị quyết).

Chưa có các chính sách cụ thể về thu phí

Trao đổi với báo chí, bà Lê Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, khái niệm về vùng phát thải thấp trong Luật Thủ đô không đề cập đến việc cấm hẳn một loại phương tiện nào mà chỉ nhấn mạnh vào việc hạn chế các phương tiện gây phát thải ra môi trường.

Theo các nghiên cứu mới nhất, nguồn phát thải từ giao thông chiếm khoảng 56% ô nhiễm không khí của Hà Nội, bao gồm cả bụi đường và khí thải. Trong đó, lượng phát thải bụi PM2.5 và hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) chủ yếu đến từ xe tải chạy dầu diesel và xe máy, với VOC từ xe máy chiếm đến 90%.

Chưa rõ việc thu phí vùng phát thải thấp và hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội - 1

Hà Nội hiện có hơn 1,1 triệu ô tô, gần 7 triệu mô tô với 72,58% xe đã sử dụng trên 10 năm (Ảnh: Nguyễn Hải).

Sở TN&MT Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình HĐND thành phố vào tháng 12. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 1/1/2025, thành phố sẽ có hành lang pháp lý chính thức về các điều kiện và tiêu chí cần thiết, từ đó tạo cơ sở cho chính quyền địa phương đánh giá thực trạng và khả năng để xây dựng hồ sơ kỹ thuật về vùng phát thải thấp.

Sau đó, Sở TN&MT, Giao thông vận tải (GTVT), Quy hoạch Kiến trúc và các sở, ngành khác sẽ đánh giá tổng thể các yếu tố về điều kiện, tiêu chí và giải pháp dựa trên thực tiễn và năng lực thực thi của khu vực được đề xuất rồi trình UBND thành phố xem xét, thông qua. Các điều kiện, tiêu chí ở các vùng, các quận, huyện sẽ khác nhau.

Về việc thu phí đi vào vùng phát thải thấp, bà Thủy cho hay, Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ, người gây ô nhiễm phải trả tiền. Do đó, việc các phương tiện phát thải gây ô nhiễm không khí trong thành phố nhưng không bị thu phí là đi ngược lại với luật.

"Theo thông lệ quốc tế, số tiền thu từ phí này sẽ được sử dụng để phục hồi môi trường cho thành phố, tạo nên sự công bằng cho cộng đồng. Ngoài ra, việc thu phí này cần phải xét đến các điều kiện, ảnh hưởng và tác động về kinh tế, xã hội của thủ đô cũng như đặc điểm của từng địa bàn để có những lộ trình phù hợp", bà Thủy nói.

Hiện thành phố chưa có các chính sách cụ thể về vấn đề thu phí vào vùng phát thải thấp, theo bà Thủy.

Bà Thủy cũng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra các khuyến khích nhằm giúp người dân tiếp cận với phương tiện thân thiện với môi trường và các phương tiện xanh.

Theo khung chính sách này, Hà Nội sẽ tuân thủ quy định và xây dựng các chính sách, trong đó doanh nghiệp có vai trò, trách nhiệm phối hợp, đồng hành với chính quyền hỗ trợ, trợ giá để người dân trong lộ trình chuyển đổi các phương tiện phù hợp.

Hà Nội hiện chưa có chính sách kiểm định xe máy cho gần 7 triệu xe đang lưu hành, mặc dù đã có chính sách kiểm định ô tô, bà Thủy cho rằng đây là phần còn hổng.

"Hy vọng Bộ TN&MT sớm trình lên Thủ tướng để phê duyệt kiểm định xe máy, tạo cơ hội kiểm soát khí thải từ xe máy. Ngoài ra, một số thách thức khác như hoàn thiện hệ thống quan trắc phát thải và giám sát phương tiện giao thông, phát triển hạ tầng giao thông đô thị… cũng nằm trong khả năng kiểm soát của thành phố", bà Thủy bày tỏ.

Bà Thủy cho rằng, đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội, việc đưa ra quy định xây dựng vùng phát thải thấp nằm trong tổng hòa các chính sách, chiến lược của Hà Nội nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Chưa xác định rõ thời điểm hạn chế phương tiện

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hệ thống giao thông công cộng thủ đô phát triển chưa tương xứng quy mô đô thị, chủ yếu vẫn là xe buýt, mới chỉ có một số tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Một trong số đó đến từ việc kết cấu hạ tầng giao thông bị quá tải.

Tại nhiều tuyến đường hiện nay, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông vượt quá rất nhiều lần so với lưu lượng thiết kế ban đầu.

Các chuyên gia đã nhận định, khí thải từ phương tiện giao thông hiện chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.

"Cá nhân tôi cũng đồng tình với nhận định, đánh giá này. Hiện các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Quá trình phương tiện sử dụng loại nhiên liệu này đã tạo nên nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường", ông Bảo nói.

Chưa rõ việc thu phí vùng phát thải thấp và hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội - 2

Giao thông công cộng ở Hà Nội hiện chưa đáp ứng nhu cầu của người dân (Ảnh: Mạnh Quân).

Về biện pháp thực thi vùng phát thải thấp trong thực tế, theo ông Bảo, có thể sẽ hạn chế số lượng phương tiện đi vào hoặc chuyển đổi, chỉ cho phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch đi vào vùng phát thải thấp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, ông Bảo cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến đại đa số nhân dân nên cần phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng.

Việc này vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng phải giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thủ đô, theo ông Bảo.

"Hiện chưa thể xác định chính xác thời điểm bắt đầu lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân", ông Bảo nói.