Vụ chôn thuốc trừ sâu: Tại sao chưa khởi tố vụ án?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc Cty CP Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu, người dân đang mong mỏi chính quyền địa phương tiến hành xử lý những cá nhân, đơn vị có liên quan. Băn khoăn của dư luận là tại sao cơ quan tố tụng vẫn chưa khởi tố vụ án?

Thông tin mới nhất từ Đại tá Trần Văn Thực - Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm ngày 30/9, Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa khởi tố vụ án liên quan đến vụ việc chôn lấp thuốc trừ sâu tại công ty CP Nicotex Thanh Thái (Cty Thanh Thái).

Cần nhanh chóng trả lại môi trường trong sạch cho người dân.
Cần nhanh chóng trả lại môi trường trong sạch cho người dân.

Đại tá Thực cho biết: “Theo báo cáo chung của ngành thì trong vòng mấy ngày đã tập trung làm rõ được một số vấn đề, cũng có thông tin cho rằng lực lượng công an thế bao che. Ở đây phải thấy rằng, cả nước nhìn thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc này chứ không phải đơn giản”.

Liên quan đến những băn khoăn của dư luận khi vụ việc đã quá rõ ràng, tại sao cơ quan tố tụng của tỉnh Thanh Hóa chưa tiến hành khởi tố vụ án, theo đánh giá của Đại tá Thực thì còn một số vấn đề: Thứ nhất là cơ quan Công an đang xác định lại thời gian chôn lấp; các vụ việc xảy ra việc chôn lấp chất thải nguy hại, để xác định thêm; hiện nay có hai việc chưa xác định được là chôn lúc nào, của ai.

Thứ hai trên cơ sở để xác định thêm các hành vi chứng cứ, tài liệu của những cá nhân trực tiếp tham gia việc chôn lấp để khẳng định vai trò, trách nhiệm của giám đốc đến đâu, của những người trực tiếp đến đâu. Thứ ba cũng phải khẳng định thêm mức độ ô nhiễm, hậu quả của nó đối với đời sống xã hội, đối với môi trường thế nào thì trên cơ sở đó mới tiến hành khởi tố vụ án.

“Còn khởi tố vụ án xong rồi để đấy thì cũng không có ý nghĩa gì cả, mà cái chính là khởi tố trách nhiệm của cá nhân; yêu cầu của Công an tỉnh là khởi tố, truy tố trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này”, Đại tá Trần Văn Thực cho biết.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là Phòng Cảnh sát môi trường đang tiến hành thu thập tài liệu, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân có liên quan. Quan điểm nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ tiến hành khởi tố đối với các bị can và khởi tố vụ án để xử lý về mặt hình sự.

Ngoài những hành vi đã bị xử lý hành chính, Công an tỉnh Thanh Hóa tách riêng và đang điều tra việc chôn lấp chất thải nguy hại và hậu quả của nó, đang xác minh làm rõ để khởi tố về hành vi đó.

Theo đánh giá của Đại tá Trần Văn Thực, cái khó là xác định thời gian; chỉ đạo việc chôn lấp phải có căn cứ cụ thể, nó liên quan đến cá nhân nào, trường hợp nào. Vấn đề này được Đại tá Thực nêu ví dụ chôn chất thải ở đây có 3 người chỉ đạo, rồi chôn lấp vào ban đêm và các thứ nữa… nên những hành vi đó cần phải được tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu cho chắc chắn và đầy đủ. Ở đây hoàn toàn không có chuyện nhân nhượng gì đối với Cty Thanh Thái. Để làm rõ những vấn đề trên, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung bằng mọi lực lượng, huy động gần hết phòng Cảnh sát môi trường để đi xác minh, thu thập chứng cứ để xử lý hình sự, giải quyết vấn đề dư luận quan tâm và xử lý triệt để.

Xử lý môi trường đang là vấn đề bức thiết đặt ra.
Xử lý môi trường đang là vấn đề bức thiết đặt ra.

“Toàn bộ hồ sơ, sổ sách đã niêm phong, thu thập cả rồi, kể cả các mẫu đã lấy nên không ngại tiêu hủy chứng cứ và tài liệu. Còn mức độ thiệt hại đang chuyển sang bên Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định”, Đại tá Thực khẳng định.

Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng cũng chưa tiến hành khai quật hiện trường. Trong khi chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Cty Thanh Thái và ngành chức năng là phải gấp rút ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý và xây dựng phương án xử lý trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để xứ lý nhanh, xử lý gọn vấn đề môi trường tại đây.
 

Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường

 

Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.

 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Điều 182a. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại

 

Người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;

 

c) Tái phạm nguy hiểm.

 

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.cỡ 10)

 
Duy Tuyên