1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao quận Thanh Xuân phải tạm ngừng cưỡng chế 130 cửa hàng?

(Dân trí) - Theo dự kiến, ngày 29/11 là thời hạn quận Thanh Xuân tiến hành việc cưỡng chế, giải toả 130 cửa hàng trên phố Nguyễn Quý Đức (phường Thanh Xuân Bắc). Nhưng đến phút chót, quyết định này bị “phanh” lại vì còn nhiều nút rối chưa gỡ được.

Thay đổi vào phút chót

 

Ngày 22/11, các hộ dân có cửa hàng kinh doanh ở đường Nguyễn Quý Đức nhận được công văn số 351/TB- UBND phường Thanh Xuân Bắc yêu cầu “tự dỡ bỏ công trình trái phép trên đất công”. Theo công văn này, đến hết ngày 26/11 các hộ dân ở đây phải hoàn thành việc tháo dỡ, nếu không phường sẽ áp dụng biện pháp hành chính cao nhất.

 

Người dân không đồng tình với các quyết định của phường nên đã yêu cầu cấp Thành phố đứng ra giải quyết. Một buổi tiếp dân tại UBND thành phố đã được tổ chức vào ngày 24/11. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo quận Thanh Xuân vẫn tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn: ngày 29/11 sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế.

 

Cuối ngày hôm đó, người dân nhận được quyết định 2454/QĐ-CTUBND của UBND dân quận Thanh Xuân nói về việc quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký, 24/11. Trong khi đó, văn bản của phường lại ghi rõ cho dân hạn tự tháo dỡ đến ngày 26/11.

 

Ngày 27/11, lãnh đạo Ban Giải phóng mặt bằng của thành phố và lãnh đạo quận Thanh Xuân có buổi làm việc thứ hai với đại diện của người dân. Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn đã có công văn hoả tốc 5521/ UBND- XDĐT chỉ đạo tạm ngừng việc cưỡng chế 130 hộ kinh doanh tại phố Nguyễn Quý Đức. Công văn này nêu rõ: “UBND quận Thanh Xuân phải thống nhất với các ngành về chính sách, kế hoạch chi tiết, phương án cụ thể, công bố công khai đối với việc triển khai giải toả tại phố Nguyễn Quý Đức, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/12/2006 trước khi tổ chức thực hiện”.

 

Lật lại thời gian, ngày 2/6, trong công văn 2340/ UBND- XDĐT, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đã chỉ đạo “giao quận Thanh Xuân xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết để triển khai tổ chức thực hiện…”. Ngưòi dân đặt câu hỏi, không hiểu nhiệm vụ trên đã được thực hiện như thế nào mà đến nay thành phố phải giao lại một lần nữa!

 

Tiền hỗ trợ quá thấp!

 

Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp ngày 23/11, người dân bức xúc: “Không hiểu vì lí do gì UBND phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân yêu cầu chúng tôi phải tự dỡ bỏ nhà mình, trong khi đó chúng tôi không hề được bàn bạc về chủ trương trả lại mặt bằng để làm gì, có dự án khả thi không? Có quyết định thu hồi đất không?”

 

Người dân vẫn kiên trì với quan điểm về tính hợp pháp mảnh đất của mình. Họ cho rằng, đất đai của các cửa hàng này được san lấp, tôn tạo xây dựng và sử dụng liên tục, ổn định từ những năm 1984 đến nay, không tranh chấp, khiếu kiện gì.

 

Họ cũng đã hoàn thành nghĩa vụ thuế sử dụng đất với nhà nước và rất nhiều biên lai thu thuế từ năm 1992 được đưa ra chứng minh cho điều này. Hơn 20 năm qua, họ chưa một lần bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính vì xây dựng và sử dụng đất trái phép.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ từng nói, luật đất đai mới đã thừa nhận một số trường hợp lấn chiếm trong quá khứ. Chẳng hạn, nếu đất ở có nguồn gốc lấn chiếm trước ngày 15/10/1993 hiện không có tranh chấp, phù hợp với qui hoạch là đất ở thì vẫn được công nhận.

 

Từ đó người dân cho rằng không thể buộc họ tự tháo dỡ hoặc tiến hành cưỡng chế với lí do “xây dựng trái phép trên đất công”. Họ cũng nói “không thể chấp nhận” với mức hỗ trợ do quận Thanh Xuân đưa ra: 500.000 đồng cho diện tích không quá 10 m2, 700.000 đồng cho diện tích 15 m2 trở xuống và 1.000.000 đồng cho diện tích lớn hơn 15 m2. Mức hỗ trợ này được người dân coi là thấp “không thể tưởng tượng nổi”! 

 

Kim Tân - Phương Thảo